Sức mạnh chính nghĩa
Việt Nam luôn khẳng định lập trường nhất quán là kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 bằng biện pháp hòa bình...
Những ngày qua, cộng đồng quốc tế đã ủng hộ nước ta và lên án mạnh mẽ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Ngày 1.8, phát biểu tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các nước trong khu vực "công khai bày tỏ lập trường phản đối hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông". Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có những tiếng nói mạnh mẽ, yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngay thói bắt nạt nước khác và kiềm chế, tránh những hành động mang tính khiêu khích, gây bất ổn khu vực. Hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông là "sự cản trở các hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 30.7 đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành động mà ông cho là hăm dọa tại Biển Đông và cho rằng những tuyên bố bảo đảm hòa bình của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với hành động...
Tại các diễn đàn, các nước, các nghị sĩ, chính khách, học giả, nhà nghiên cứu, nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp nơi trên thế giới đều lên tiếng khẳng định tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng một số tàu hải cảnh hộ tống của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Hành động xâm phạm này đã ảnh hưởng đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, khiến dư luận thế giới lo ngại, tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Đề nghị Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành vi sai trái.
Trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc phải thay đổi quan điểm của mình và càng cần nêu gương, thể hiện trách nhiệm nghiêm túc thực hiện những gì mà chính Trung Quốc đã cam kết, ký kết tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Mặt khác, Trung Quốc cũng phải thể hiện rõ là một láng giềng tin cậy, một nước lớn có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khi Việt Nam luôn tôn trọng Trung Quốc vì mối quan hệ truyền thống giữa hai nước. Cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không thể giúp nước này tạo lập được chủ quyền với những đòi hỏi phi lý, mà chỉ khiến cho các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông quyết tâm hơn trong hành động, đưa ra phản kháng mạnh mẽ trong tương lai. Nếu không tôn trọng luật pháp quốc tế, Trung Quốc dù có mạnh đến đâu thì cũng đang tự làm mất đi uy tín của mình trên trường quốc tế và khó có thể trở thành một cường quốc.
Đến nay, Việt Nam luôn khẳng định lập trường nhất quán là kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 bằng biện pháp hòa bình và thể hiện rõ là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng, luôn phấn đấu vì một môi trường hợp tác hữu nghị, bình đẳng, hòa bình. Cộng đồng quốc tế tôn trọng quan điểm, thấy được sự chính nghĩa, điểm chung với Việt Nam đó là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông luôn tuân thủ nguyên tắc quốc gia, luật quốc tế. Nguồn sức mạnh này sẽ giúp chúng ta bảo vệ và quản lý được các quyền, lợi ích hợp pháp trên Biển Đông.
Chính nghĩa của Việt Nam được dư luận quốc tế ủng hộ đang tạo thành sức mạnh và áp lực ngày càng lớn đòi Trung Quốc phải nhanh chóng chấm dứt những hành động phi pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam. Thế giới tiến bộ ngày nay không chấp nhận những hành vi phi pháp, cường quyền trên Biển Đông, mà mong muốn hòa bình, hợp tác và phát triển theo đúng luật pháp quốc tế.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/suc-manh-chinh-nghia-113942