Sức mạnh cho cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu

Brazil chính thức ra mắt Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro. Chống đói nghèo là vấn đề ưu tiên và là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Brazil trên cương vị Chủ tịch G20 năm 2024. Tổng thống Brazil Lula da Silva nhấn mạnh, sáng kiến mới này sẽ tiếp thêm sức mạnh để chấm dứt nỗi ám ảnh của nhân loại về đói nghèo.

Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư của G20, diễn ra tại thủ đô Brasilia, ngày 24/10/2024. (Ảnh: Reuters)

Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư của G20, diễn ra tại thủ đô Brasilia, ngày 24/10/2024. (Ảnh: Reuters)

Với sự tham gia của 41 quốc gia, Liên minh toàn cầu chống đói nghèo tập hợp các quỹ, nguồn lực và kinh nghiệm để cùng nhau hỗ trợ cho mục tiêu giảm nghèo toàn cầu. Mục tiêu của sáng kiến này là quy tụ các quốc gia phát triển, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tài chính huy động tài chính và chuyên môn hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn. Theo kế hoạch, liên minh sẽ giúp xóa đói nghèo cho tất cả các quốc gia trong "bản đồ đói nghèo" của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vào năm 2030.

Các sáng kiến chính của Liên minh bao gồm mở rộng các chương trình chuyển tiền mặt để hỗ trợ 500 triệu người, cung cấp bữa ăn cho 150 triệu trẻ em tại các trường học, hỗ trợ 200 triệu trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ mang thai thông qua các chương trình y tế.

Theo Bộ trưởng Phát triển Xã hội Brazil Wellington Dias, nhiều quốc gia đang chuẩn bị kế hoạch tham gia và Liên minh dự kiến thu hút khoảng 100 quốc gia tham gia trong thời gian tới. Ông Dias nhấn mạnh: "Các quốc gia cần trình bày kế hoạch với những dự án đã được chứng minh có khả năng giảm nghèo một cách thiết thực".

Sáng kiến tập hợp sức mạnh toàn cầu trong nỗ lực xóa đói nghèo được đưa ra trong bối cảnh tình trạng đói nghèo ngày càng nghiêm trọng, khi thế giới chịu tác động từ các yếu tố như thiên tai, xung đột. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI), do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Sáng kiến phát triển con người và nghèo đói Oxford (OPHI) công bố, hơn 1 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình cảnh nghèo cùng cực, với hơn một nửa trong số đó là trẻ em.

Chuyên gia Yanchun Zhang thuộc UNDP cho biết, báo cáo MPI 2024 phác họa bức tranh thực tế, với 1,1 tỷ người sống trong tình trạng đói nghèo đa chiều, trong đó 455 triệu người sống trong xung đột. Với người nghèo tại các nước bị ảnh hưởng xung đột, cuộc đấu tranh vì những nhu cầu cơ bản còn khắc nghiệt hơn nhiều.

Tỷ lệ nghèo đói ở các nước có chiến tranh cao gấp 3 lần. Theo báo cáo thường niên về Tình hình An ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới của FAO, năm 2023, khoảng 713 đến 757 triệu người phải đối mặt với nạn đói, nghĩa là cứ 11 người trên thế giới thì có 1 người đói.

Trước tình cảnh nạn đói đang diễn ra trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, cũng như tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng gia tăng ở châu Phi, Tổng thống Brazil Lula da Silva tuyên bố: Trong thế kỷ 21, tình trạng đói nghèo dai dẳng là vô lý và không thể chấp nhận được. Ông Lula nhấn mạnh, giải quyết vấn đề này thông qua liên minh toàn cầu là ưu tiên của Brazil trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20.

Năm 2023, ông Lula đã khởi động chương trình "Brazil không còn đói nghèo". Với 20 hành động và dự án khác nhau, chương trình có tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD đã giúp giảm số người dân Brazil phải chịu cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng từ 33 triệu xuống còn 8,7 triệu người chỉ trong một năm.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, với chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề xóa đói, giảm nghèo, được kỳ vọng có thể đưa ra các giải pháp toàn cầu, có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong việc đi tìm lời giải cho "bài toán đói nghèo".

Các thành viên G20, nhóm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển lớn nhất thế giới chiếm hơn 80% GDP toàn cầu, cần đoàn kết hơn nữa nhằm góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói nghèo toàn cầu. Khi các thành viên G20 đạt được sự đồng thuận và đưa ra được các giải pháp, G20 có thể là động lực chính cho hành động toàn cầu chống đói nghèo.

Theo Nhân Dân điện tử

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/suc-manh-cho-cuoc-chien-chong-doi-ngheo-toan-cau-201948.html