"Để tăng cường tiềm năng chiến đấu của hải quân Nga, chúng tôi sẽ tiếp tục trang bị các vũ khí tầm xa chính xác cao, cụ thể là ba tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Karakurt", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 2/4 thông báo.
Ông Sergei Shoigu nhận định, hộ vệ hạm Cyclone, tàu lớp Karakurt đầu tiên, đang hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao sau khi biên chế cho Hạm đội Biển Đen.
"Đến cuối năm nay, nhà máy A.M Gorky ở Zelenodolsk sẽ bàn giao thêm 3 tàu loại này", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cho biết nhà máy A.M Gorky đang sản xuất hàng loạt tàu tuần tra thuộc Đề án 22160, trong đó chiếc thứ 5, tàu Viktor Đại đế, đang ở trong giai đoạn hoàn thành.
Con tàu này dự kiến cũng sẽ được biên chế cho Hạm Đội Biển Đen.
Phát ngôn viên hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk cuối tuần trước cho biết Hạm đội Biển Đen Nga hiện chỉ còn duy nhất một tàu tên lửa ở bán đảo Crimea là hộ vệ hạm Cyclone.
Ông cho biết Nga đã di dời hầu hết các "đơn vị chiến đấu" tới nơi khác để tránh nguy cơ tiếp tục bị tập kích.
"Đương nhiên là vẫn còn một số tàu ở đó, nhưng những tài sản có giá trị nhất đã được di dời", ông cho hay và nói thêm rằng, tàu Cyclone chưa từng khai hỏa.
Tàu tên lửa thuộc Đề án 22800 "Karakurt" được Hải quân Nga phát triển sau thành công của lớp tàu hộ vệ Buyan-M.
Tuy nhiên vai trò của Karakurt còn lớn hơn thế khi nó sẽ nền tảng tương lai giúp Hải quân Nga kiểm soát được các vùng biển ven bờ Châu Âu hay cụ thể hơn là Biển Đen và vùng Biển Địa Trung Hải đúng như tên gọi của lớp tàu này.
Được biết, các tàu hộ vệ tên lửa thuộc Đề án 22800 do Cục Thiết kế Hàng hải Almaz của Nga chế tạo. Con tàu có trọng lượng khoảng 800 tấn và tốc độ 30 knot (55 km/h).
Các tàu Đề án 22800 được trang bị tên lửa hành trình Kalibr (SS-N-27 Sizzler) và hệ thống pháo binh tiên tiến.
Khả năng đi biển của lớp tàu hộ vệ tên lửa này được đánh giá cao hơn các lớp tàu cùng loại có trong biên chế Hải quân Nga do thiết kế thân tàu được cải tiến đáng kể, cho phép nó có thể hoạt động tốt ngay cả ở các vùng biển có thời tiết phức tạp.
Dĩ nhiên về cấu hình vũ khí và thiết bị điện tử Karakurt được trang bị tốt hơn hẳn Buyan-M, khi nó được tích hợp hầu hết các loại vũ khí hiện đại nhất của Hải quân Nga hiện nay như hải pháo AK-176M.
Tàu còn được trang bị tổ hợp ống phóng tên lửa thẳng đứng UKSK, tổ hợp tên lửa phòng không trên hạm Pantsir-M
Pháo phòng không AK630 với tốc độ bắn 5.000 phát/phút có thể diệt mục tiêu ở khoảng cách 200-5.000 mét.
Tàu được trang bị hệ thống động lực với 3 động cơ Diesel M-507D1 tổng công suất 8000 mã lực giúp cho tàu đạt vận tốc 30 hải lý giờ, tầm hoạt động 2.500 hải lý.
Tàu có số lượng thủy thủ đoàn chỉ 39 người, dự trữ hành trình là 15 ngày.
Hiện hải quân Nga có kế hoạch mua 20 chiếc tàu loại này để biên chế cho các hạm đội của mình.