Sức mạnh của đồng USD - nhân tố có thể tạo rủi ro cho các thị trường mới nổi
Sau khi chỉ số đồng USD tăng mạnh 7% vào năm 2024, các nhà giao dịch hiện đánh giá khả năng đồng tiền này sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2025.
Tuy nhiên, trong phiên giao địch đầu năm 2025, hôm 2/1, chỉ số DXY đã giảm 0,2% xuống 108,32, nhưng vẫn gần mức cao nhất trong hai năm. Điều này nhấn mạnh sự không chắc chắn đang diễn ra xung quanh thị trường ngoại hối.
Các nhà kinh tế vẫn còn bất đồng về việc liệu sức mạnh của đồng USD sẽ kéo dài trong bao lâu. Một số người vẫn hoài nghi về khả năng duy trì đà tăng của đồng USD, nhưng một báo cáo từ cổng thông tin wallstreetcn.com cho thấy hầu hết các ngân hàng lớn trên Phố Wall dự đoán đồng tiền này sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2025. Báo cáo phát hành vào tháng 11/2024 của ngân hàng Goldman Sachs nhận định: "Đồng USD sẽ duy trì vị thế mạnh hơn trong một thời gian dài", với lưu ý rằng thuế quan, nền kinh tế đang bùng nổ và giá tài sản Mỹ tăng sẽ là những yếu tố chính hỗ trợ đồng USD.
Đồng USD mạnh hơn có thể làm trầm trọng thêm rủi ro tài chính và gây áp lực lên các nền kinh tế đang vật lộn với sự mất giá của đồng nội tệ. Một số đồng tiền của các thị trường mới nổi đã trải qua các mức độ mất giá khác nhau khi khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác dần thu hẹp.
Nếu đồng USD mạnh hơn nữa, một số thị trường mới nổi có thể phải đối mặt với mối đe dọa kép: Dòng vốn chảy ra ngoài và gánh nặng nợ nước ngoài tăng cao. Đồng USD mạnh hơn có xu hướng thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm lợi nhuận cao hơn đối với các tài sản của Mỹ. Điều này làm trầm trọng thêm việc rút vốn của các nhà đầu tư khỏi các thị trường mới nổi. Dòng vốn chảy ra không chỉ làm suy yếu đồng nội tệ, mà còn làm giảm thanh khoản của các công ty đa quốc gia.
Ngoài ra, một số nền kinh tế mới nổi đang mang các khoản nợ bằng USD, và khi đồng USD tăng giá, chi phí trả nợ cũng tăng lên. Đối với các quốc gia đã phải gánh nợ nước ngoài lớn, đồng USD mạnh hơn khiến việc trả nợ trở nên tốn kém hơn, làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương về tài chính của các quốc gia này.
Xu hướng tăng giá liên tục của đồng USD mang lại rủi ro đặc biệt cho một số nền kinh tế mới nổi, vốn đang phải vật lộn với sự mất cân bằng tài chính. Các nước với tài khoản vãng lai và thâm hụt tài khóa lớn, kết hợp với dự trữ ngoại hối thấp, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đồng USD mạnh. Điều này có thể gây ra một vòng luẩn quẩn của sự mất giá tiền tệ, dòng vốn chảy ra và chi phí trả nợ cao hơn, nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng trong việc quản lý rủi ro tài chính đối với các thị trường mới nổi.
Gần đây, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá đáng kể. Tuy nhiên, nền kinh tế của Trung Quốc tiếp tục vượt tốc độ trung bình toàn cầu về tăng trưởng, với việc tập trung vào phát triển chất lượng ngày càng rõ ràng. Sự nhấn mạnh của nền kinh tế vào tăng trưởng bền vững, chất lượng cao đã củng cố triển vọng dài hạn của đồng nhân dân tệ./.