Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là chính sách đại đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy: 'Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công'.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thăm hỏi các đại biểu dự Chương trình gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 4/2024). Ảnh: Quang Vinh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thăm hỏi các đại biểu dự Chương trình gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 4/2024). Ảnh: Quang Vinh.

Nói về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, một phần quan trọng là do sự “thành lập một mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi” và là “thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.629).

Đại đoàn kết toàn dân tộc - bài học lớn của cách mạng Việt Nam

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Pháp - Nhật, lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm giành lại độc lập dân tộc.

Ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Tuyên ngôn của Việt Minh chủ trương “liên hiệp các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”.

Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam mới ra đời. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng một lần nữa nhấn mạnh “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại”, nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.57).

79 năm đã trôi qua kể từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, càng khẳng định chân lý về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Sức mạnh đó trước hết bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước nồng nàn của mỗi con dân đất Việt, được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, tiếp tục được nhân lên và phát huy cao độ bởi sự dẫn đường của Đảng. Cũng từ sức mạnh vô song đó mà dân tộc Việt Nam đã đồng lòng vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, chiến đấu vì độc lập tự do, cho đến ngày 30/4/1975 giang sơn thu về một mối.

Xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc được cụ thể hóa thành những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, quy tụ và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Người từng nói: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.244).

Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kiên trì và nhất quán quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra chế độ xã hội mới, là chủ nhân của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ngay sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, quan điểm đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng đưa lên nhiệm vụ hàng đầu. Cùng với việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận dân tộc trong cả nước (các tổ chức Mặt trận là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam), quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước, mở ra một thời kỳ hoạt động mới của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, góp phần tích cực vào công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của dân tộc.

Qua tất cả các kỳ Đại hội của Đảng, vấn đề phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc luôn được đề cao. Cho tới Đại hội XIII, Đảng bổ sung một số nội dung, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đảng ta luôn khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.34).

Mục tiêu đó cũng chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy sự hòa quyện giữa Ý Đảng - Lòng Dân; giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024), tự hào được sống trong một đất nước độc lập tự do đang trên con đường “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu”, như mong mỏi thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, càng tự hào về các thế hệ người Việt Nam với lòng yêu nước sâu sắc, đoàn kết bền lòng vượt qua mọi gian nan để chúng ta có được đất nước hôm nay. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bài học vô giá về đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là ngọn đuốc sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, cho tất cả những người Việt Nam yêu nước.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/suc-manh-cua-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-10289122.html