Sức mạnh của tên lửa phòng không SA-7 Hamas sử dụng để tấn công trực thăng của Israel
Ngày 2/1/2024, tờ Israel Times đưa tin lần đầu tiên các chiến binh Hamas đã sử dụng tên lửa phòng không di động SA-7 tấn công trực thăng vũ trang AH-64 Apache của quân đội Israel.
Sự kiện đặc biệt này diễn ra trên khu vực Dải Gaza sáng ngày 31/12/ 2023, khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang tiến hành cuộc tấn công vào thành phố Gaza.
Theo các nguồn tin từ phía Palestine, các tay súng Hamas đã phóng 2 tên lửa phòng không SA-7 vào các trực thăng tấn công Apache của quân đội Israel, hoạt động ở phía tây thành phố Gaza. Phía IDF thừa nhận Hamas đã phóng tên lửa phòng không di động vào các trực thăng vũ trang nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về số lượng đạn phóng lên. Quân đội Israel tuyên bố, tên lửa không bắn trúng mục tiêu, không gây thương vong nhân sự hoặc thiệt hại vật chất.
AH-64 Apache là trực thăng tấn công đa năng tiên tiến được trang bị chủ yếu cho Quân đội Mỹ. Máy bay chiến đấu do công ty Boeing Defense, Space & Security thiết kế và chế tạo để thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ trên chiến trường như tấn công mặt đất, yểm trợ hỏa lực cho lực lượng bộ binh cơ giới, trinh sát và chống các lực lượng du kích. AH-64 Apache có khả năng sống sót cao, cơ động linh hoạt và trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại.
Máy bay có cấu trúc buồng lái kép cho phi hành đoàn hai người bao gồm một phi công và một hoa tiêu - xạ thủ. AH-64 được trang bị hệ thống cảm biến quang điện tử - quang ảnh hồng ngoại trên mũi máy bay, cho phép tìm kiếm, phát hiện và ngắm băn mục tiêu ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết và môi trường phức tạp.
Máy bay được trang bị một pháo xích tự động M230 30 mm trong trạm vũ khí dưới thân máy bay, hai cánh ngắn có hệ thống treo mang tên lửa chống tăng đa năng AGM-114 Hellfire và thùng phóng rocket Hydra 70. Với cơ số vũ khí lớn và khả năng cơ động linh hoạt, AH-64 Apache là phương tiện chiến đấu uy lực mạnh và hiệu quả trong các cuộc chiến đường phố và địa hình phức tạp.
Kể từ khi được đưa vào phục vụ những năm 1980, Apache liên tục được cập nhật và nâng cấp. Phiên bản tiên tiến nhất hiện nay là AH-64E. Biến thể này được trang bị khả năng kết nối mạng chiến thuật, có động cơ công suất lớn, hệ thống cảm biến và hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số. Apache được sử dụng trong hầu hết các cuộc xung đột có sự tham gia của quân đội Mỹ, chứng minh được hiệu quả cao trong nhiều tình huống chiến đấu ở Trung Đông.
Khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và cấu trúc tương thích với công nghệ quân sự hiện đại khiến Apache trở thành một trong những trực thăng tấn công mạnh nhất trên thế giới. Nhiều quốc gia đồng minh Mỹ cũng có trong biên chế trực thăng tấn công tiên tiến này, trong đó có Israel.
Chiến binh Lữ đoàn Ezzeddine Al-Qassam thuộc Hamas sử dụng tên lửa phòng không di động SA-7 (Strela-2) Ảnh al-Mayadeen
Hệ thống phòng không di động MANPADS SA-7, tên gọi của nhà sản xuất là 9K32 Strela-2, được thiết kế để tấn công các phương tiện bay tầm thấp. Đây là hệ thống tên lửa phòng không dẫn đường hồng ngoại, được phát triển ở Liên Xô vào những năm 1960. Hiệu quả của SA-7 chủ yếu là tính đơn giản trong sử dụng và vũ khí có thể do một xạ thủ sử dụng. Đầu thu hồng ngoại của tên lửa cho phép phát hiện bức xạ nhiệt từ động cơ phương tiện bay. Tên lửa được trang bị động cơ phản lực nhiên liệu rắn.
Phạm vi chiến đấu của SA-7 tương đối hạn chế, có tầm bắn hiệu quả 4.200 mét, độ cao hiệu quả 1500 mét (2300 mét với Strela-2M). Tên lửa có tốc độ 430m/s đối với Strela-2 và 500m/s đối với phiên bản nâng cấp Strela-2M.
Hệ thống tên lửa phòng không di động SA-7 được sử dụng chủ yếu chống lại trực thăng quân sự và các máy bay cường kích chiến trường tốc độ cận âm. Mặc dù vũ khí được coi là lão hóa, SA-7 được sử dụng rộng rãi trong nhiều cuộc xung đột trên toàn cầu và thực sự là mối đe dọa do tính phổ cập của vũ khí.
Hiện nay, các trực thăng tấn công hiện đại, được trang bị nhiều hệ thống chống tên lửa phòng không MANPADS hiện đại như đạn pháo sáng và gây nhiễu điện tử đã hạn chế đáng kể hiệu quả của vũ khí trên chiến trường.