Sức mạnh đoàn kết đưa ASEAN thành tâm điểm tăng trưởng
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra tại Indonesia tuần qua tiếp tục thể hiện rõ nét sự thống nhất, quyết tâm cao trong việc phát triển sức mạnh đoàn kết để thực hiện những mục tiêu lớn.
Chủ đề của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 là “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng” đã phần nào khái quát tổng thể về mong muốn chung của ASEAN trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, thách thức lịch sử hiện nay. Với việc ASEAN duy trì tốt sự đánh giá của cộng đồng quốc tế là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, chuỗi hội nghị quan trọng bậc nhất này cũng có ý nghĩa lớn tới đường hướng phát triển của các quốc gia ngoài khu vực.
Tham dự chuỗi 12 hội nghị cấp cao, ngoài lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, còn có lãnh đạo Timor Leste với tư cách quan sát viên, 9 nước đối tác đối thoại, đồng thời là các nước thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS - bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Nga, Mỹ), hai quốc gia khách mời là Bangladesh và Quần đảo Cook, cùng 9 tổ chức quốc tế.
Chuỗi hội nghị tập trung thảo luận 4 trọng tâm chính, bao gồm thiết lập nền tảng cho Tầm nhìn dài hạn của ASEAN, giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn để ứng phó với các thách thức của thời đại, đưa ASEAN trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế và biến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành khu vực hòa bình và thịnh vượng. Trọng tâm ưu tiên gồm: Đánh giá tình hình triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; định hướng chiến lược phát triển của ASEAN trong 20 năm tới, hướng tới Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm; kiểm điểm và thảo luận phương hướng, biện pháp tăng cường, làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; trao đổi về tình hình thế giới, khu vực. Trong đó, hội nghị ghi nhận và thông qua khoảng 50 văn kiện quan trọng, liên quan đến nhiều vấn đề, nội dung xuyên suốt trong cả 3 trụ cột.
Đặc biệt, dựa trên sáng kiến của Indonesia - Chủ tịch ASEAN năm 2023, một trong những văn kiện quan trọng nhất được các nhà lãnh đạo xem xét thông qua tại kỳ hội nghị lần này là Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV. Văn kiện đóng vai trò là nền tảng cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2045, giúp củng cố ASEAN để giải quyết các thách thức khác nhau trong tương lai.
Bên cạnh đó, chuỗi hội nghị lần này cũng thảo luận và thống nhất một số nội dung bao gồm Quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các hội nghị cấp cao ASEAN, đặc biệt là trong các tình huống khủng hoảng, sự cần thiết tăng cường các hoạt động ngoại giao tại Thủ đô Jakarta, Indonesia - nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN (ASEC), tăng cường vai trò của Tổng Thư ký ASEAN và gia tăng nguồn kinh phí đóng góp.
Các nhà lãnh đạo tham dự chuỗi hội nghị đã cùng chia sẻ lo ngại về những biến chuyển sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực. Đặc biệt nhấn mạnh, đoàn kết là giá trị chiến lược để ASEAN tiếp tục vượt qua thử thách, vững vàng trước các cọ xát chiến lược và cạnh tranh địa chính trị. khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực; là nền tảng để củng cố vai trò của ASEAN trong định hướng và dẫn dắt các nỗ lực đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Liên quan tới lĩnh vực kinh tế, hội nghị tập trung thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế, ổn định tài chính, chuỗi cung ứng... Hội nghị đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế biển xanh. Một điểm nhấn quan trọng trong khuôn khổ hội nghị là Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF). Diễn đàn tập trung vào 3 chủ đề thời sự là cơ sở hạ tầng xanh và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; chuyển đổi kỹ thuật số và kinh tế sáng tạo; tài chính đổi mới và bền vững. Ngoài ra, các vấn đề quốc tế và khu vực cũng đã được thảo luận sâu, rộng tại hội nghị.