"Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận thương vụ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không NASAMS và thiết bị liên quan tổng trị giá 285 triệu USD cho Ukraine", Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc cho biết ngày 24/5.
Theo DSCA, Ukraine có nhu cầu cấp thiết tăng cường năng lực phòng không trong bối cảnh hiện tại.
Tiếp nhận và triển khai hiệu quả hệ thống phòng không NASAMS sẽ giúp Ukraine bảo vệ hạ tầng quan trọng tốt hơn.
Thương vụ không yêu cầu Mỹ phải triển khai nhân viên chính phủ hay nhà thầu đến Ukraine.
NASAMS là một trong những dự án vũ khí thành công nhất trong lịch sử Na Uy, cũng là tổ hợp phòng không cố định duy nhất được Mỹ đặt niềm tin và triển khai để bảo vệ không phận thủ đô Washington.
Hệ thống được phát triển bởi tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy và Raytheon Mỹ, bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1998 và đang phục vụ trong quân đội 9 nước.
Quá trình phát triển NASAMS bắt nguồn từ chương trình nghiên cứu "Hawk Study" được Na Uy tiến hành trong thập niên 1990, nhằm so sánh hiệu quả hệ thống phòng không Roland II của Đức với tổ hợp MIM-23 Hawk do Mỹ chế tạo.
Nghiên cứu này sử dụng máy tính để mô phỏng loạt nhiệm vụ phòng không với nhiều kịch bản khác nhau.
Nghiên cứu cho thấy mỗi hệ thống của Đức và Mỹ phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ một số khu vực nhất định, trong đó tổ hợp MIM-23 nâng cấp thể hiện sức mạnh ở các vùng được ưu tiên phòng thủ.
Dựa trên kết quả từ Hawk Study, Oslo bắt đầu xây dựng mạng lưới chỉ huy kết hợp tên lửa phòng không MIM-23, sau đó được đặt tên "Hệ thống Hawk tối tân của Na Uy" (NOAH).
Hệ thống này được đưa vào biên chế trong thập niên 1980, nhưng do các hệ thống MIM-23 quá đắt đỏ, Na Uy vẫn phải dựa vào lá chắn Hercules đời cũ để bảo vệ lãnh thổ phía tây.
Thiết kế module của NOAH cho phép nó tích hợp thêm tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, vốn được trang bị cho các tiêm kích thế hệ 4 của Mỹ và đồng minh.
Nhận thấy tên lửa này có thể biến thành vũ khí phòng không phóng từ mặt đất, Na Uy sau đó ra mắt hệ thống NASAMS, sử dụng thiết kế của NOAH với đạn tên lửa AMRAAM.
NASAMS có tầm bắn khoảng 25-30 km với độ chính xác rất cao.
Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên chiến đấu cơ NATO.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng NASAMS là bước tiến đáng kể so với những loại tên lửa phòng không vác vai hay các tổ hợp phòng không cũ trước đây.
Hệ thống NASAMS được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp, một trong những mối đe dọa lớn nhất trong tác chiến hiện nay.
NASAMS có thể triển khai phân tán nhờ Trung tâm Điều phối Hỏa lực (FDC) do Na Uy phát triển, trong đó radar và các khẩu đội chiến đấu được kết nối qua đường truyền dữ liệu chuẩn NATO
Một cụm FDC có thể kiểm soát cùng lúc 9 bệ phóng với 54 đạn tên lửa sẵn sàng khai hỏa.
Hệ thống vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi một số trận địa bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động, giúp tăng khả năng sống sót trước những đòn chế áp phòng không bằng tên lửa diệt radar của đối phương.
Phiên bản NASAMS 2 được trang bị cụm cảm biến quang điện tử, có thể cho phép phát hiện mục tiêu và khai hỏa tên lửa mà không đánh động cảm biến chống radar của đối phương.
Mỗi quả đạn AMRAAM đều có đầu dò radar chủ động, giúp bám bắt mục tiêu ngay cả khi nằm ngoài tầm quan sát của radar dẫn bắn.
Dù vậy, cụm cảm biến quang điện tử chủ yếu chỉ dùng để nhận diện mục tiêu và xác nhận tên lửa có bắn trúng hay không.
Biến thể NASAMS 3 được trang bị tên lửa tăng tầm AMRAAM-ER, trong đó sử dụng radar và đầu đạn AIM-120C-7 cùng động cơ tên lửa RIM-162 ESSM.
NASAMS 3 cũng có thể khai hỏa đạn đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder trang bị đầu dò ảnh nhiệt chuyên đối phó tên lửa hành trình.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng tổ hợp phòng không NASAMS sẽ giúp ích rất nhiều cho Ukraine trong bối cảnh hiện tại.