'Sức mạnh làm nên chiến thắng'

Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị, Quân chủng Phòng không-Không quân trong dịp Ban liên lạc Hội nghĩa tình đồng đội Tiểu đoàn 33, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức gặp mặt đồng đội.

Dù tuổi cao, nhưng ông vẫn minh mẫn, phong thái đĩnh đạc, cởi mở. Lần đó, tôi được nghe kể về những lần ông chỉ huy đơn vị bắn rơi nhiều máy bay địch. Mong muốn hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp cùng những chiến công xuất sắc của anh hùng Nguyễn Văn Phiệt, tôi tìm đọc cuốn hồi ký "Sức mạnh làm nên chiến thắng" của ông do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2014.

 Trang bìa cuốn hồi ký.

Trang bìa cuốn hồi ký.

Anh hùng Nguyễn Văn Phiệt sinh năm 1938, quê ở xã Tân Phúc (Ân Thi, Hưng Yên). Hơn 40 năm phục vụ trong quân ngũ, ông trưởng thành từ người chiến sĩ ra-đa đến sĩ quan điều khiển tên lửa phòng không, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo, chỉ huy. Với 6 chương, cuốn hồi ký "Sức mạnh làm nên chiến thắng" của anh hùng Nguyễn Văn Phiệt là những trang kỷ niệm về cuộc đời binh nghiệp, những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, chiến đấu, công tác, nhất là khi tham gia chiến đấu chống chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ và tham gia xây dựng, phát triển các lực lượng phòng không sau này.

Trước tình thế đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, sử dụng "pháo đài bay" chiến lược B-52 với mục đích "nghiền nát" Hà Nội, biến Hà Nội về "thời kỳ đồ đá", nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay bê gì đi nữa ta cũng đánh, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đánh là nhất định thắng", Nguyễn Văn Phiệt đã cùng đơn vị nêu cao quyết tâm chiến đấu, dám đánh và đánh quyết thắng. Với ông, 12 ngày đêm khói lửa trong Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" (12-1972) là kỷ niệm đáng nhớ nhất, được ông tái hiện trong cuốn hồi ký một cách chi tiết, chân thực, bằng ngôn từ giản dị.

Đọc hồi ký, chúng ta sẽ hồi hộp dõi theo từng lần bắn máy bay địch, rồi hân hoan, vui sướng khi thấy ông chỉ huy đơn vị bắn rơi nhiều máy bay trong những trường hợp nhiễu cao. Đặc biệt, chỉ trong 10 phút, rạng sáng 21-12-1972, ông chỉ huy đơn vị bắn hạ hai chiếc máy bay B-52, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ. Ông đã viết với niềm tự hào khôn tả: "Tất cả chúng tôi òa lên sung sướng vì đã làm được một điều kỳ diệu là chỉ trong có 10 phút bắn rơi hai chiếc máy bay B-52-"siêu pháo đài bay", "con át chủ bài" của không quân chiến lược Mỹ, một điều từ trước đến nay chưa ai làm được…".

Để có được những chiến thắng đó, đúng như tên gọi, cuốn hồi ký lý giải sức mạnh làm nên chiến thắng, trong đó sức mạnh chính trị tinh thần là nhân tố có vai trò quyết định. Sức mạnh đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự giáo dục, rèn luyện của quân đội, từ truyền thống gia đình, quê hương, dân tộc, từ sự yêu thương và che chở của nhân dân… Tất cả tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần đánh thắng các thủ đoạn kỹ thuật, chiến thuật của không quân Mỹ, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

NGUYỄN THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/suc-manh-lam-nen-chien-thang-622704