Sức mạnh luật pháp
Dư luận nhìn chung hoan nghênh thái độ quyết liệt, kịp thời của Công an TP HCM khi khởi tố vụ án hình sự Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (theo điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015).
Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống dịch Covid-19 làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng bị xem xét xử lý hình sự tại TP HCM và cả nước. Sau khi khởi tố, Công an TP sẽ điều tra toàn diện, khách quan để xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, sẽ cá thể hóa trách nhiệm hình sự.
Đây hoàn toàn không phải là động thái làm hài lòng đám đông dân chúng đang phẫn nộ đối với các cá nhân, tổ chức đã vi phạm quy định về cách ly phòng chống đại dịch Covid-19 khiến cả cộng đồng bị vạ lây, mà chính là sự chế tài thích đáng với hành vi vi phạm, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Pháp luật có nhiều chức năng, gồm chức năng điều chỉnh, chức năng bảo vệ và chức năng giáo dục. Trừng phạt cũng chính là nhằm giáo dục công dân và cá nhân trong xã hội. Chức năng giáo dục của pháp luật được thực hiện thông qua sự tác động của pháp luật vào ý thức con người, làm cho con người xử sự phù hợp với cách xử sự chung. Trong trường hợp cụ thể của nam tiếp viên hàng không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 làm lây bệnh cho người khác, việc khởi tố vụ án này chính là sự cảnh tỉnh rất cần thiết đối với cá nhân vi phạm và đối với một bộ phận công dân đang thực hiện cách ly phòng chống Covid-19 cũng như toàn xã hội về ý thức chấp hành pháp luật, sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, nơi làm việc và cộng đồng.
Một số trường hợp hình sự hóa khác: Các cơ quan pháp luật huyện Bình Chánh, TP HCM vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 nam thanh niên về tội "Chống người thi hành công vụ". Đây là 2 trong số 5 người có mặt trong vụ tấn công cán bộ Trạm CSGT Tân Túc vào ngày 1-12 trên đường Nguyễn Văn Linh (đoạn qua huyện Bình Chánh) ngay sau khi chạy xe ngược chiều, bị CSGT "vịn". Trước đó, ngày 28-11, Công an huyện Bình Chánh cũng đã khởi tố và bắt tạm giam 2 nam thanh niên cùng 17 tuổi, quê Trà Vinh do cả hai chủ ý tông xe vào trung tá Phạm Tân Nhân thuộc Trạm CSGT Đa Phước hôm 16-11 trong lúc anh Nhân đang làm nhiệm vụ, gây chấn thương nghiêm trọng...
Thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ không ngừng gia tăng. Do vậy, hình sự hóa các hành vi tội phạm thuộc nhóm tội danh này được xem là giải pháp hữu hiệu để răn đe, ngăn ngừa. Nhìn chung, hình thức chế tài phù hợp và mức trừng phạt đích đáng sẽ cho thấy công lý đã được thực thi.
Ở chiều ngược lại, cũng dễ thấy trong hệ thống pháp lý đang tồn tại không ít bất cập. Chẳng hạn, cách đây vài ngày, một người đàn ông ngoại quốc bị phạt hành chính 200.000 đồng vì vỗ mông phụ nữ trong thang máy. Trước đó, nhiều người dâm ô hoặc quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em gái cũng bị phạt hành chính với mức tiền "gãi ngứa" như vậy, theo Nghị định 167/2013, khiến dư luận rất bất bình.
Hai trong các sức mạnh đặc trưng của pháp luật là quyền lực và trừng phạt. Một khi mức phạt còn mang tính hình thức, xuê xoa thì chẳng khác nào nhạo báng công lý và làm nhục chính các nạn nhân!
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/suc-manh-luat-phap-20201203225352607.htm