The New York Post cho biết, một máy bay ném bom chiến lược siêu thanh của Không quân Mỹ đã bị rơi vào hôm 04/01, trong chuyến bay huấn luyện ở bang Nam Dakota, Mỹ.
Theo ấn phẩm, chiếc máy bay ném bom đang thực hiện chuyến bay huấn luyện theo lịch trình và đã hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Ellsworth. Khoảng 18 giờ địa phương, máy bay mất lái và lao xuống đất.
Tất cả bốn thành viên phi hành đoàn trên máy bay đều thoát ra ngoài an toàn. Không có thông tin gì về tình trạng hoặc vết thương của họ. Sau vụ tai nạn, máy bay bốc cháy và lực lượng cứu hộ đã có mặt tại hiện trường.
Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được công bố chính thức; một ủy ban của Lực lượng Không quân đang làm việc tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn máy bay. Một số diễn đàn quân sự của Mỹ viết rằng, nguyên nhân khiến máy bay ném bom mất kiểm soát và rơi có thể là do điều kiện thời tiết xấu. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, khu vực này đang có nhiệt độ dưới 0 và trời nhiều mây, làm giảm tầm nhìn.
B-1 Lancer là loại máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh có cánh cụp cánh xòe, được thiết kế cho Không quân Mỹ. B-1 là một trong ba loại máy bay ném bom chiến lược phục vụ cho Không quân Mỹ, cùng với B-2 Spirit và B-52 Stratofortress, tính đến năm 2022.
Phiên bản B-1A được phát triển vào đầu năm 1970, nó được thiết kế để đạt vận tốc Mach 2 ở độ cao lớn, vì vậy phần vỏ của máy bay phải làm bằng hợp kim titan và do đó làm giá thành tăng lên tới 70 triệu đô la theo thời giá năm 1975 (tương đương gần 500 triệu đô la thời giá năm 2020).
Mặt khác, hợp kim titan khi đó chỉ có duy nhất một nước chế tạo được là Liên Xô, cũng có nghĩa là Mỹ phải nhập khẩu nguyên liệu chế tạo từ Liên Xô và nếu xảy ra chiến tranh giữa hai bên thì Mỹ sẽ không thể chế tạo tiếp B-1A.
Do vậy, việc sản xuất hàng loạt B-1A đã bị hủy bỏ và chỉ có bốn nguyên mẫu được chế tạo. B-1 cũng là máy bay ném bom có khả năng mang nhiều vũ khí nhất trong tất cả các loại máy bay ném bom.
Năm 1980, dự án B-1 lại được để ý đến do máy bay có khả năng đánh bom chớp nhoáng. Do những khó khăn của việc chế tạo B-1A, các yêu cầu thiết kế đối với phiên bản B-1B đã được giảm xuống, vận tốc tối đa của B-1B chỉ đạt Mach 1,25.
B-1B đã được phê duyệt và bắt đầu phục vụ trong Không quân Mỹ vào năm 1986. B-1 được sử dụng trong chiến đấu lần đầu tiên là năm 1998 trong Chiến dịch Cáo sa mạc. Nó tiếp tục hỗ trợ Quân đội Mỹ và NATO ở Afghanistan và Iraq.
Phi đội của B1-B gồm 4 người (phi công chính, phi công phụ, sĩ quan điều khiển vũ khí tấn công, sĩ quan điều khiển các hệ thống phòng vệ). Máy bay có chiều dài 44.5 m. Sải cánh khi xòe là 41,8 m, khi cụp là 24 m. Chiều cao của máy bay là 10,4 m. Diện tích cánh 181,2 m².
Máy bay có thể mang theo tải trọng vũ khí lên tới 56.700 kg. Trọng lượng rỗng của máy bay là 87.100 kg. Trọng lượng chất tải 148.000 kg. Trọng lượng cất cánh tối đa 216.400 kg. Khả năng tải trọng cao nhờ được trang bị 4 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt General Electric F101-GE-102.
B-1B có thể đạt tốc độ tối đa là Mach 1,25 (1.340 km/h ở độ cao 15.000 m). Bán kính chiến đấu là 9.400km. Tầm hoạt động lên tới 12.000 km khi không mang vũ khí và 9.400 km khi mang 34 tấn vũ khí. Trần bay của B-1B là 18.000 m.
Máy bay có 6 giá treo bên ngoài có thể mang 23.000 kg vũ khí cùng 3 khoang mang vũ khí bên trong mang được 34.000 kg. B-1B có thể mang theo nhiều loại bom, như bom thông minh, bom thường, thủy lôi, bom điều khiển, tên lửa chiến thuật và cả bom hạt nhân.
Từ năm 1984 tới 2001, 10 chiếc B-1 đã bị phá hủy do tai nạn khiến 17 phi công thiệt mạng. Từ 2002 tới 2019 có thêm 2 chiếc B-1 bị phá hủy do tai nạn. Tổng cộng 12 chiếc bị mất do tai nạn, chiếm 11,5% số máy bay B-1 được chế tạo. B-1 cũng là máy bay có thể sánh ngang với Tu-160 của Nga.
Lê Quang