Quân đội Tajikistan vừa tổ chức duyệt binh ở hai tỉnh miền nam giáp Afghanistan hôm 29-30/9. Đây được coi là màn phô diễn sức mạnh của quân đội Tajikistan khi Taliban cũng triển khai hàng chục nghìn tay súng ở tỉnh biên giới Takhar.
Quan hệ Tajikistan và nước láng giềng Afghanistan đang căng thẳng sau khi Tổng thống Emomali Rakhmon từ chối công nhận chính quyền mới của Taliban ở Kabul.
Ông cũng chỉ trích chiến dịch Taliban tấn công lực lượng kháng chiến ở thung lũng Panjshir hồi tháng trước.
Taliban cảnh báo Tajikistan không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan, tuyên bố động thái điều hàng chục nghìn tay súng đặc nhiệm đến tỉnh đông bắc Takhar giáp với Tajikistan là nhằm "đáp trả".
Chính phủ Tajikistan từng nhiều lần công kích chính quyền Taliban trong những tuần gần đây, cho rằng bộ máy chính phủ lâm thời của Afghanistan không có sự đa dạng về thành viên và bày tỏ lo ngại về nguy cơ bất ổn trong khu vực.
Giới quan sát nhận định, việc Tajikistan tự tin phô diễn quân sự, sẵn sàng đối đầu nếu Taliban tấn công nước này được cho là có liên quan tới Nga.
Công bằng mà nói, tiềm lực quân sự của Tajikistan chỉ bằng khoảng 1/10 Taliban, nhất là trong bối cảnh lực lượng hồi giáo cực đoan này thừa hưởng kho vũ khí khổng lồ từ quân đội Afghanistan được Mỹ trang bị.
Quân đội thường trực của Tajikistan chỉ khoảng 9.000 binh sĩ, khá hạn chế so với cả trăm ngàn tay súng từ lực lượng Taliban.
Trang bị của không quân Tajikistan cũng rất khiêm tốn khi họ chỉ có 1 vận tải cơ An-26, 20 trực thăng đa năng Mi-8, 6 trực thăng tấn công Mi-24, cùng một số chiến đấu cơ hạng nhẹ L-39.
Lục quân Tajikistan có 253 xe tăng, 347 xe bọc thép các loại, 90 lựu pháo và 128 giàn phóng rocket.
Là một quốc gia mới tách ra khỏi Liên Xô với dân số chỉ khoảng 9 triệu người, nên tiềm lực quân sự Tajikistan hạn chế cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên tại quốc gia này lại đang có sự hiện diện quân sự của Nga tại căn cứ đồn trú 201, đây là một trong số những căn cứ quân sự lớn nhất của Nga ở nước ngoài.
Quân đội Nga đã điều động thêm hàng loạt khí tài hiện đại đến đây, kể từ khi Taliban tiến hành chiến dịch quân sự chớp nhoáng và kiểm soát lãnh thổ Afghanistan.
Moscow từng nhiều lần lo ngại tình hình tại Afghanistan có thể đẩy người tị nạn và các phần tử Hồi giáo cực đoan về khu vực Trung Á, làm mất ổn định khu vực sườn phía nam nước Nga.
Biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan dài 1.344 km, chủ yếu là địa hình đồi núi và rất khó kiểm soát, chính vì vậy Nga đã tăng cường quân số và vũ khí hiện đại tới căn cứ này để ngăn đà tiến của các phần tử hồi giáo cực đoan.
Sức mạnh trang bị của lực lượng đồn trú tại căn cứ 201 của Nga thậm chí còn nhỉnh hơn cả quân đội Tajikistan.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố, Moscow và Dushanbe là đồng minh theo Hiệp ước CSTO và Nga cũng như các thành viên khác có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh theo hiệp ước.
"Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Tajikistan từ biên giới với Afghanistan, CSTO sẽ có hành động khẩn cấp", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh.
Tổng thư kí Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể, ông Stanislav Zas tuyên bố, tình hình ở khu vực phía bắc Afghanistan đang xấu đi, tiềm ẩn xung đột, bất ổn. CSTO sẽ hỗ trợ Tajikistan để bảo vệ biên giới của mình.
Chính vì có sự bảo trợ của CSTO dẫn đầu bởi Nga, nên Tajikistan dù tiềm lực quân sự chỉ bằng 1/10 Taliban, nhưng Dushanbe vẫn tự tin dàn quân, sẵn sàng đối đầu với những biến động xấu từ biên giới Afghanistan.
Việt Hùng