Sức mạnh quân sự quốc gia từ những góc nhìn khác nhau trên thế giới (Kỳ I)
Sức mạnh quân sự không chỉ là con số, mà phụ thuộc nhiều vào sự chuyển hóa tiềm năng thành sức mạnh thực chất, khả năng thực chiến, yếu tố tinh thần, tính chất của chiến tranh, các yếu tố khác.
Những con số "biết nói"
Theo thông lệ hằng năm, tổ chức Global Fire Power (GFP) của Mỹ công bố bảng xếp hạng sức mạnh quân sự các nước trên thế giới. Theo GFP, năm 2021, các quốc gia nằm trong top đầu bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh…
So sánh bảng xếp hạng 3 năm từ 2019 đến 2021, thứ tự các nước có thay đổi, nhưng không xảy ra đột biến. 4 quốc gia dẫn đầu vẫn là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi thứ hạng các nước xếp sau có chút thay đổi. Nhật Bản xếp thứ 6 (năm 2019) tăng lên thứ 5 (năm 2020, 2021); tương tự, Hàn Quốc từ thứ 7 lên thứ 6, Pháp tụt từ thứ 5 xuống thứ 7.
Triều Tiên từ thứ 18 (năm 2019) xuống thứ 25 (năm 2020) và 28 (năm 2021). Việt Nam từ thứ 22 (năm 2020) xuống thứ 24 (năm 2021), đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu của GFP được tính toán cụ thể theo hơn 50 số liệu thống kê, bao gồm: - Số lượng và cơ cấu vũ khí trang bị (máy bay, tên lửa, xe tăng, tàu chiến, pháo các loại…), không tính vũ khí hạt nhân; - Binh lực (cơ cấu tổ chức quân đội, lực lượng thường trực, dự bị, dân số, khả năng huy động khi có chiến tranh…); - Khả năng tác chiến trên các môi trường đất liền, trên không, trên biển; - Trình độ phát triển công nghiệp quốc phòng, ngân sách quốc phòng, tài chính quốc gia, vị trí địa lí, phạm vi ảnh hưởng trong khu vực; - Các yếu tố khác.
Tính toán của GFP khá công phu và kết quả xếp hạng top 3, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, dường như khó tranh cãi. Cơ sở cho độ tin cậy là sự lạnh lùng của công thức tính toán và nhiều dữ liệu thống kê, thông số.
Tuy nhiên, sức mạnh quân sự không chỉ là con số, mà phụ thuộc nhiều vào sự chuyển hóa tiềm năng thành sức mạnh thực chất, khả năng thực chiến, yếu tố tinh thần, tính chất của chiến tranh, các yếu tố khác và tỷ trọng ảnh hưởng rất khác nhau của từng yếu tố, khó đo đếm bằng tính toán.
Mặt khác, dữ liệu thống kê của một số nước chưa hẳn đúng thực tế. Thực tiễn chiến tranh, chiến trường là sự kiểm chứng có giá trị của lý thuyết, tính toán.
Thực tiễn chiến tranh và tương lai vũ khí công nghệ cao
Cách đây 30 năm, ngày 17/1/1991, chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất bùng nổ. Đây được xem là khởi đầu cho phương thức chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, tuy tỷ lệ vẫn thấp, chỉ khoảng 5-10%. Tương quan lực lượng, vũ khí trang bị nghiêng hẳn về phía Mỹ và liên minh 34 nước, nên Iraq thất bại hoàn toàn là điều không khó giải thích.
Điều đáng nói là, Iraq có 700 máy bay các loại, nhiều tên lửa Sam 3-6, Roland, 7.000 khẩu pháo phòng không, 3.000 khẩu pháo mặt đất cỡ lớn, 100.000 xe tăng, số lượng quân đội đến 1 triệu người, xếp hạng thứ tư thế giới, thứ nhất ở Vùng Vịnh về quy mô, nhưng chỉ bắn rơi 1 máy bay, gây tổn thất không đáng kể cho liên quân và chấp nhận thua trận khi lực lượng, vũ khí còn khá nhiều.
Các bản tin chiến sự, bình luận quân sự quốc tế về các cuộc chiến gần đây ở Syria, Nagorno-Karabakh và một số khu vực khác, đều có điểm chung đáng chú ý là nhấn mạnh vai trò của vũ khí công nghệ cao.
So sánh tương quan lực lượng, đánh giá cục diện và kết cục chiến trường chủ yếu dựa vào số lượng, tính năng vượt trội của tên lửa, máy bay, tàu chiến và các phương tiện trang bị quân sự hiện đại khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, máy bay không người lái (UAV) được sử dụng theo chiến thuật “bầy” nhanh chóng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, dẫn tới nguy cơ loại bỏ lực lượng tăng, thiết giáp khỏi biên chế quân đội. Tên lửa, máy bay hiện đại của Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran… đóng vai trò chủ yếu ở chiến trường Trung Đông. Bộ binh không còn là lực lượng quyết định thắng lợi trên chiến trường.
Từ thực tiễn đó, Tiến sĩ Can Kasapogglu, thuộc Tổ chức phân tích EDAM ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét, sự phát triển của vũ khí công nghệ cao cho thấy tính dễ bị tổn thương của chiến tranh truyền thống!
Thực ra, các quan điểm trên không mới, khác chăng là mức độ đánh giá vai trò của vũ khí hiện đại ngày càng cao, thậm chí gần như là số 1.
Quan điểm đó càng được cổ vũ bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự hội tụ của trí tuệ nhân tạo, kỷ nguyên số và sự phát triển của công nghệ liên ngành, đa ngành và xuyên ngành trong lĩnh vực quân sự.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đánh dấu sự thay đổi mang tính bước ngoặt, làm đảo lộn nhiều quan điểm, cách nhìn nhận trước đây. Nó có thể tạo ra nhiều loại vũ khí siêu đẳng với công nghệ mới như nano, sinh học, vật liệu mới siêu bền, năng lượng định hướng…
Thế hệ robot trí tuệ nhân tạo có thể đảm nhiệm nhiều công đoạn trong hoạt động quân sự với khả năng vượt trội, giảm bớt sự tham gia trực tiếp của con người. Chiến tranh tương lai là chiến tranh trên không, vũ trụ, chiến tranh robot. Người làm chủ chiến trường vũ trụ, trên không, không gian mạng, có ưu thế về vũ khí công nghệ cao sẽ là người quyết định “cuộc chơi”.
Câu chuyện cách đây gần hai chục năm, trong buổi trao đổi học thuật giữa cơ quan nghiên cứu chiến lược Bộ Quốc phòng Việt Nam với Viện nghiên cứu quốc tế thuộc trường đại học ở Singapore có vẻ gần gũi với quan điểm nêu trên.
Nói về lịch sử, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, một thành viên nêu tấm gương anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai.
Phía đối thoại bày tỏ: Chúng tôi rất khâm phục sự dũng cảm của Quân đội Việt Nam, nhưng chiến tranh tương lai có lẽ không có chỗ cho các hành động như vậy! Cùng một thực tiễn, nhưng góc nhìn khác nhau sẽ có kết luận khác nhau.
Lẽ thường mạnh được yếu thua. Lý luận, tính toán khoa học và cách nhìn nhận thực tiễn chiến tranh nêu trên dẫn đến kết luận phần thắng nghiêng về bên có ưu thế vũ khí công nghệ cao!
Các nước nhỏ và vừa khó, hoặc không thể chống lại các cường quốc, các nước có sức mạnh quân sự lớn hơn!
Quan điểm đó đã thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang, phát triển các loại vũ khí công nghệ cao, siêu cao để răn đe, giành ưu thế tuyệt đối trong chiến tranh. Dù kinh tế suy thoái, nhưng thị trường mua bán vũ khí vẫn sôi động. Nhiều nước tăng ngân sách quốc phòng, xây dựng quân đội, nhập khẩu các loại vũ khí trang bị quân sự hiện đại hoặc chấp nhận “ô phòng thủ quân sự” của các nước lớn.
Tuy nhiên, cũng có thực tiễn khác, cách nhìn nhận khác. Trong một số trận đánh cụ thể, hay một cuộc chiến tranh, quốc gia xếp thứ hạng cao về sức mạnh quân sự vẫn có thể thất bại trước một quốc gia có thứ hạng thấp hơn.
Việt Nam là một trong số đó. Trong nửa cuối thế kỷ XX, quân và dân Việt Nam không chỉ 1 mà 3 lần đánh thắng đội quân xâm lược của 3 nước lớn.
(còn tiếp)