Sức mạnh quân sự Triều Tiên tăng thế nào sau vụ phóng vệ tinh do thám?
Giới phân tích nhận định vụ phóng thành công vệ tinh do thám vào quỹ đạo có thể cải thiện đáng kể sức mạnh cho quân đội Triều Tiên.
Hôm 22/11, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay vệ tinh “Malligyong-1” đã được tên lửa đẩy “Chollima-1” phóng vào quỹ đạo vào cuối ngày 21/11.
“Phóng vệ tinh do thám là quyền hợp pháp của Triều Tiên nhằm tăng cường năng lực tự vệ”, KCNA cho biết.
Theo hãng tin CNN, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đều chưa thể xác nhận vệ tinh của Triều Tiên đã hoạt động bình thường trong quỹ đạo hay chưa. Tuy nhiên, Hàn Quốc khẳng định vụ phóng là hành động“vi phạm rõ ràng” nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Vào tháng 5 và 8, Triều Tiên từng 2 lần phóng vệ tinh do thám quân sự nhưng không thành công. Vụ phóng vào đêm 21/11 là lần thứ 3 Triều Tiên cho phóng vệ tinh trong năm nay. Bình Nhưỡng khẳng định sẽ còn tiến hành thêm các vụ phóng khác trong tương lai gần.
Theo các nhà phân tích, chỉ cần có một vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo cũng đã làm thay đổi sức mạnh của quân đội Triều Tiên.
“Nếu vệ tinh hoạt động, nó sẽ cải thiện năng lực chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tình báo và giám sát của quân đội Triều Tiên. Nó sẽ giúp cải thiện năng lực chỉ huy các lực lượng Triều Tiên trong tình huống xảy ra xung đột”, ông Carl Schuster, cựu lãnh đạo Trung tâm tình báo chung thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nhận định.
Ông Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng, “vệ tinh sẽ giúp Triều Tiên sở hữu những năng lực chưa từng có như hỗ trợ nhắm mục tiêu quân sự, và đánh giá thiệt hại”.
Cũng theo ông Panda, những kinh nghiệm rút ra từ vụ phóng vệ tinh lần thứ 3 sẽ được Triều Tiên sử dụng để phát triển các vệ tinh trong tương lai.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng cần phải xem xét kỹ năng lực thực sự từ vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. Theo họ, Triều Tiên mất nhiều hơn là được sau khi phóng vệ tinh.
Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul cho biết: “Các hoạt động giám sát bằng máy bay không người lái của Hàn Quốc có thể sớm được tiến hành dọc theo Khu phi quân sự (DMZ), và Seoul sẽ thu thập được nhiều thông tin tình báo hữu ích hơn so với chương trình vệ tinh thô sơ của Triều Tiên”.
Hôm 22/11, ngay sau khi Bình Nhưỡng thông báo phóng thành công vệ tinh do thám, Hàn Quốc ra tuyên bố đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự từng ký với Triều Tiên hồi năm 2018. Theo đó, chính quyền Seoul sẽ cho khôi phục một loạt hoạt động trinh sát và do thám xung quanh DMZ và biên giới liên Triều.