Theo các nhà khoa học quân sự, vũ khí laser (Laser Weapon) là những chùm tia năng lượng mạnh bay xuyên không gian theo đường thẳng. Chùm tia phóng ra với tốc độ ánh sáng, có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách xa hàng nghìn kilomet.
Theo South China Morning Post, súng trường laser mới này sẽ được sử dụng bởi các đội chống khủng bố trong lực lượng cảnh sát vũ trang của Trung Quốc. Các phiên bản thử nghiệm của mẫu súng này đã được trình diễn tại Học viện quang học và cơ học chính xác của Trung Quốc ở Thiểm Tây.
Trong số này, mới nhất và đáng chú ý nhất gần đây là mẫu súng laser cầm tay ZKZM-500, do Viện Quang học và Cơ khí Chính xác Tây An phát triển, một loại vũ khí được quảng bá là tân tiến và mạnh mẽ hơn hẳn các thế hệ vũ khí trước đó.
Được xếp vào loại vũ khí không gây chết người, súng trường laser tấn công ZKZM-500 có thể đốt cháy xuyên qua quần áo chỉ trong vài giây và khiến một người bốc cháy nếu mặc chất vải dễ cháy – các nhà nghiên cứu từ Viện Quang học và Cơ học chính xác Tây An cho biết.
Dù ZKZM-500 được cho là có thể bắn ra hơn 1.000 phát trước khi nạp lại, mỗi lần bắn diễn ra không quá 2 giây. Nhờ khả năng vô hình và vô thanh của loại vũ khí này, các nhà khoa học nói nó có thể được sử dụng trong trường hợp cần vô hiệu hóa kẻ bắt cóc con tin.
Súng có trọng lượng 3kg, công suất của súng có thể tăng lên, chẳng hạn để “xuyên thủng vỏ thùng nhiên liệu và đốt cháy nhiên liệu”.
ZKZM-500 thuộc loại vũ khí phi sát thương, dùng để tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 800m.
Súng ZKMZ-500 không phải là vũ khí phi sát thương duy nhất trên thế giới hiện nay.
Hải quân Mỹ cho biết quân chủng này sẽ lần đầu tiên triển khai vũ khí laser trên tàu chiến có khả năng bắn hạ máy bay không người lái và vô hiệu hóa tàu của đối phương. Ưu thế vượt trội của vũ khí laser trên tàu là chúng vận hành bằng điện nên chi phí không đáng kể, chưa tới 1 USD/phát bắn so với hàng trăm nghìn USD để bắn một quả tên lửa.
Trên thế giới có 6 nước đang tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, thiết kế và thử nghiệm vũ khí laser là Mỹ, Israel, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc.