Sức mạnh từ 'dân vận khéo'
Thời gian qua, công tác dân vận và phong trào thi đua 'Dân vận khéo' tại tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày càng được nâng cao. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai các mô hình 'Dân vận khéo' phù hợp, lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện phong trào thi đua 'Dân vận khéo' gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Khơi dậy sức dân trong thực hiện “Dân vận khéo”
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Chí Tài, có thể thấy rằng, các mô hình, điển hình trong việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, tham gia công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gắn với du lịch, dịch vụ, hỗ trợ khởi nghiệp, làm giàu chính đáng được các đơn vị quan tâm chỉ đạo. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như: “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, câu lạc bộ “Phụ nữ khởi nghiệp”, mô hình “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”… của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đã hỗ trợ đoàn viên, hội viên trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Qua đó đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế như anh Trương Minh Hào với mô hình "Nhà màng, nhà lưới thủy canh" ở xã Hương Phú, huyện Nam Đông với thu nhập bình quân mang lại 150 triệu đồng/1.000 m2. Chị Nguyễn Thị Bé Ba ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với mô hình hợp tác xã sản xuất nước mắm truyền thống doanh thu khoảng 2,3 tỷ đồng/năm. Đồng thời, thông qua các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, cũng như hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để các hộ gia đình phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động nhân dân hiến đất, hiến cây, phá dỡ hàng rào, giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông, xây dựng các công trình cũng như đóng góp bằng tiền mặt, huy động ngày công... Từ nguồn đóng góp, ủng hộ của nhân dân và nguồn lực của nhà nước đã đầu tư nhiều hạng mục công trình góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nhân rộng và lan tỏa các mô hình, điển hình
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã tuyên dương 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Mỗi câu chuyện của cán bộ dân vận cơ sở là những chia sẻ, kinh nghiệm, tâm huyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó đã góp phần làm sâu sắc hơn hình ảnh người làm công tác dân vận ở cơ sở. Họ là những bông hoa nhỏ trong hàng ngàn, hàng vạn bông hoa tươi thắm trong vườn hoa “Dân vận khéo” trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ,với sự nỗ lực của cấp ủy, hệ thống chính quyền, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, lan tỏa trên mọi mặt đời sống đạt nhiều kết quả khích lệ, đáng phấn khởi. Công tác dân vận đã khơi dậy sức dân, tạo động lực quan trong thúc đẩy các phong trào trong tỉnh và quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo bền vững, phong trào Dòng họ làng bản không có hộ nghèo được triển khai sâu rộng, hiệu quả; tạo sự đồng lòng của người dân trong công tác di dân, giải phóng kinh thành Huế..
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, công tác dân vận bước sang giai đoạn mới cần phải tiếp tục giữ vững kết quả, đổi mới phương thức để đạt kết quả cao hơn. Đặc biệt khi toàn tỉnh đang nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nên vai trò công tác dân vận càng quan trọng. Các cán bộ làm dân vận cần tự hào hơn với công việc của mình, có trách nhiệm và tự tin hơn, chuẩn bị đủ tâm thế khi là công dân của thành phố trực thuộc Trung ương.
Để làm được điều trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lưu ý cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải nhận thức được công tác dân vận là của mọi ngành, mọi nơi, lồng ghép dân vận vào mọi công tác; xây dựng đội ngũ cán bộ làm dân vận cơ sở chuyên nghiệp, bài bản, làm việc khoa học, có phương pháp, theo quy chế, quy định; để phong trào dân vận đồng bộ yêu cầu người đứng đầu phải gương mẫu; tiếp tục lan tỏa, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/suc-manh-tu-dan-van-kheo-post288271.html