Sức mạnh từ 'những cánh tay nối dài'

Chủ động trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa thay vì ngồi chờ tin báo đã minh chứng cho sự chuyển mình rõ rệt của lực lượng quản lý thị trường.

Quản lý thị trường hướng tới mô hình chuyên nghiệp, hiệu quả. Annhr: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quản lý thị trường hướng tới mô hình chuyên nghiệp, hiệu quả. Annhr: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Những dấu ấn này tiếp tục được củng cố với những giải pháp “trúng” và “đúng” mang lại hiệu lực, hiệu quả cao từ mô hình ngành dọc. Bên cạnh việc phát hiện và triệt phá nhiều vụ việc có quy mô lớn, quản lý thị trường còn xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để triển khai đồng bộ toàn lực lượng.

*Chiến công thầm lặng

Dù không thừa nhận việc "Tướng tài mang lại sự đổi thay" nhưng những dấu ấn mang lại từ hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2022 đã khẳng định sức mạnh kể từ khi chuyển đổi sang mô hình quản lý ngành dọc.

Quản lý thị trưởng kiểm tra hàng hóa vi phạm tại Trang Nemo stlyle. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quản lý thị trưởng kiểm tra hàng hóa vi phạm tại Trang Nemo stlyle. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Cùng đó, xác định hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trên môi trường thương mại điện tử, lực lượng đã đổi mới phương thức kiểm tra, kiểm soát; áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực thi công vụ. Việc này vừa để giữ ổn định thị trường vừa đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Những chuyên án phá 3 tổng kho, cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; vụ triệt phá cơ sở kinh doanh có 4 kho hàng chứa nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Hay vụ bắt giữ lô hàng mỹ phẩm nhập lậu và thuốc tại Tp. Hồ Chí Minh...với tổng giá trị nhiều tỷ đồng đã được lực lượng quản lý thị trường ở địa phương liên tiếp thực hiện.

Mới đây nhất, trong những ngày đầu tháng 12/2022, dưới sự chỉ đạo của Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng quản lý thị trường đã tiếp tục kiểm tra cơ sở kinh doanh thời trang của TrangNemo tại Tp. Hồ Chí Minh và thu giữ nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Trước đó, vào tháng 9/2022, lực lượng đã kiểm tra có quyết định xử phạt hơn 27 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu đối với người đại diện pháp luật hộ kinh doanh Trang Nemo.

Hay như vụ đồng loạt ra quân kiểm tra thiên đường mua sắm “Sài Gòn Square” tại Tp. Hồ Chí Minh và phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Trong lần kiểm tra này, ngoài sự chủ trì của lực lượng quản lý thị trường đã có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Điều đó cho thấy sự phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, từng bước hạn chế tiến tới xóa sổ những hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.

Theo thống kê, năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 72.640 vụ, phát hiện, xử lý 43.880 vụ vi phạm, tăng 6% so với năm 2021; chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (giảm 24% so với năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước trên 400 tỷ đồng, gần bằng năm 2021.

Trong số đó, lực lượng đã tổ chức kiểm tra định kỳ gần 37.000 doanh nghiệp; kiểm tra đột xuất trên 34.000 vụ; kiểm tra chuyên đề hơn 1.000 vụ và trên 220 cuộc thanh tra chuyên ngành.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Hữu Linh-Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát thị trường, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trong việc chia sẻ thông tin, xây dựng phương án và kế hoạch đấu tranh.

“Năm 2022, xăng dầu là mặt hàng thuộc lĩnh vực “nóng” được dư luận và toàn xã hội quan tâm. Trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn, đứt gãy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Công Thương, lực lượng đã triển khai Đoàn kiểm tra, giám sát và trực 24/24h để tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình kinh doanh, kịp thời xử lý biến động bất thường. Qua đó, lực lượng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 2.650 vụ, xử lý trên 575 vụ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Ngoài ra, toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử và thu giữ hàng chục đến hàng trăm nghìn sản phẩm vi phạm.

Đáng chú ý, sau hơn 4 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, những vụ việc, những kết quả mà lực lượng đã làm được là minh chứng cho tính hiệu quả, thực tiễn của mô hình này. Mô hình ngành dọc đã khắc phục được những điểm yếu cốt tử, hoạt động xuyên suốt thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tăng cường kiểm tra hàng hóa để ổn định thị trường. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tăng cường kiểm tra hàng hóa để ổn định thị trường. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Hơn nữa, kể từ 1/2/2022, Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt là INS) của Tổng cục Quản lý thị trường chính thức được áp dụng trong toàn lực lượng sau 2 năm triển khai. Đây được coi là “cuộc cách mạng” trong chuyển đổi số vào hoạt động công vụ.

"Song song với quá trình kiểm tra, các thông tin sẽ được cập nhật trực tiếp trên hệ thống theo từng quy trình với các biểu mẫu liên thông, liên kết với nhau. Điều này sẽ hạn chế thấp nhất việc bỏ qua các bước kiểm tra dẫn đến quá trình khiến kiện, khiếu nại. Đây được coi như là bước tiên phong trong chuyển đổi số ở lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính của bộ máy công quyền hiện nay mà lực lượng quản lý thị trường đã triển khai thành công", ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay.

*Đẩy mạnh số hóa

Năm 2023, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trên các nền tảng thương mại điện tử. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, toàn lực lượng quyết tâm, tập trung, hướng tới việc phòng ngừa, giám sát vì sự phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quản lý thị trường kiểm tra kiểm soát tại các cây xăng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quản lý thị trường kiểm tra kiểm soát tại các cây xăng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Song song đó, Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng lực lượng tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7; tiếp tục kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường Internet.

Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, năm 2023, toàn lực lượng tiếp tục đẩy mạnh số hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Tổng cục Quản lý thị trường cũng tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh chống vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; xử lý vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, lực lượng sẽ xây dựng kịp thời các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa.

Lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Lễ Tết hoặc dịch bệnh nhằm ổn định thị trường./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/suc-manh-tu-nhung-canh-tay-noi-dai/277553.html