Sức mạnh văn hóa kháng chiến và bài học cho thời đại hòa bình
Lịch sử dân tộc Việt Nam là bản trường ca bất khuất và kiêu hùng, được viết nên không chỉ bằng những chiến công vang dội trên chiến trường mà còn bằng bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần văn hóa vĩ đại của một dân tộc vững vàng, bền chí.
Trong suốt chiều dài kháng chiến chống ngoại xâm, bên cạnh sức mạnh quân sự và chiến lược, chính văn hóa kháng chiến - với những giá trị như yêu nước, đoàn kết, nhân ái, kiên cường và sáng tạo - đã trở thành nền tảng tinh thần, “vũ khí mềm” và nguồn lực nội sinh quyết định thắng lợi của cách mạng.
1. Nếu chiến tranh là phép thử khắc nghiệt nhất đối với một dân tộc thì chính trong khói lửa chiến tranh, những gì tinh túy nhất của văn hóa Việt Nam đã được hun đúc, ngưng tụ thành văn hóa kháng chiến - một hệ giá trị không chỉ giúp chúng ta chiến thắng mà còn tiếp tục là điểm tựa tinh thần cho sự phát triển quốc gia trong thời đại hòa bình.
Công chúng trẻ theo dõi Chương trình "Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân" tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.Ảnh: MINH CHÂU
Tinh thần kháng chiến của dân tộc Việt Nam không chỉ là lòng quả cảm nơi chiến trường mà còn là ý chí tự lực, tự cường, là sự lạc quan trong gian khổ, là tinh thần hy sinh vì cái chung, là đạo lý “thương người như thể thương thân”, là niềm tin son sắt vào chính nghĩa và tương lai. Những giá trị ấy không mất đi trong thời bình mà chuyển hóa, tiếp tục chảy ngầm trong mạch sống xã hội, trở thành nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn, giàu bản sắc.
Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế làm suy thoái đạo đức, phân hóa giàu nghèo, thách thức môi trường, sự xâm nhập của các luồng văn hóa lệch chuẩn, hơn bao giờ hết, những phẩm chất kháng chiến lại cần được khơi dậy như một hệ miễn dịch tinh thần cho cộng đồng. Tinh thần vượt khó, cần kiệm, trách nhiệm, gắn bó cộng đồng... không chỉ có trong quá khứ hào hùng mà cần hiện diện ở mỗi người trong từng hành động nhỏ, từng thái độ sống vì cái chung.
Đoàn kết dân tộc là “cội nguồn sức mạnh” trong kháng chiến đang là động lực giúp chúng ta vượt qua những thách thức mới. Sự chia rẽ, cục bộ, tâm lý “mạnh ai nấy sống” là nguy cơ làm xói mòn niềm tin và làm suy yếu sức mạnh cộng đồng. Trong khi đó, bài học từ các cuộc kháng chiến vĩ đại đã cho thấy: Chỉ khi triệu trái tim cùng nhịp đập, đất nước mới đi tới tương lai rạng rỡ. Trong phát triển kinh tế, đoàn kết là nguồn lực. Trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đoàn kết là lá chắn. Trong hội nhập quốc tế, đoàn kết là tư thế vững vàng. Tinh thần ấy cần được gìn giữ và truyền lại như một gia sản quý báu!
Hơn thế nữa, văn hóa kháng chiến còn nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm cá nhân gắn liền với trách nhiệm quốc gia. Trong những năm tháng khói lửa, biết bao người con ưu tú đã hiến dâng tuổi xuân, trí tuệ, xương máu không vì danh lợi mà vì hai chữ “độc lập”. Ngày nay, cống hiến cho đất nước không chỉ là cầm súng mà là cống hiến bằng tri thức, bằng sáng tạo, bằng tinh thần đổi mới và bằng khát vọng đưa Việt Nam sánh vai cùng cường quốc năm châu như lời Bác Hồ đã căn dặn.
Một xã hội văn minh, tiến bộ không thể chỉ dựa vào sự tăng trưởng kinh tế mà phải có nền móng vững chắc từ văn hóa, từ con người có lý tưởng sống cao đẹp. Tinh thần kháng chiến chính là nguồn gốc hình thành nên những con người như thế. Đó là tinh thần “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, là ý chí không lùi bước trước khó khăn, là phẩm chất trọng nghĩa, trọng tình-những điều tưởng như giản dị, nhưng lại chính là sợi dây nối quá khứ với hiện tại và dẫn lối cho tương lai.
2. Di sản cách mạng không chỉ là những hiện vật được gìn giữ trong bảo tàng, những địa danh in dấu lịch sử, hay những bài ca đi cùng năm tháng. Di sản ấy còn là tinh thần quật cường, ý chí kiên trung, lý tưởng sống vì Tổ quốc và nhân dân mà thế hệ cha anh đã để lại cho hôm nay. Điều có ý nghĩa nhất với thời đại hòa bình này chính là làm sao để di sản ấy không bị lãng quên mà được “sống lại” trong trái tim, khối óc của thế hệ trẻ bằng một tinh thần mới, bằng những cách kể mới, bằng một ngôn ngữ gần gũi với thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Khi lớp trẻ lớn lên trong hòa bình, không còn được chứng kiến những gian khổ chiến đấu hay không khí hào hùng của dân tộc, thì trách nhiệm của chúng ta là kể lại một cách chân thực, sống động và truyền cảm hứng từ quá khứ, trở thành động lực tinh thần cho hành động hôm nay.
Trong nhiều năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa cách mạng đã có những bước chuyển mạnh mẽ, từ giáo dục truyền thống trong nhà trường, các tour về nguồn, đến phim ảnh, sách truyện, nghệ thuật sân khấu, triển lãm số, mạng xã hội... Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là tinh thần đổi mới trong cách tiếp cận, hướng tới kể lại lịch sử bằng ngôn ngữ của thời đại số, bằng công nghệ, hình ảnh và những câu chuyện thật gần gũi, mang tính cá nhân nhưng giàu tính biểu tượng.
Chúng ta đã thấy những triển lãm “Ký ức Hà Nội”, “Sống như những đóa hoa” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò được tổ chức dưới dạng trải nghiệm đa giác quan, kết hợp âm thanh-ánh sáng-hình ảnh-lời kể để chạm đến cảm xúc của người xem. Chúng ta cũng đã chứng kiến các dự án phim tài liệu, phim hoạt hình lịch sử, sách tranh, podcast, vlog lịch sử do chính các bạn trẻ thực hiện-nơi mà hình tượng người lính, người mẹ anh hùng, người cán bộ miền Nam tập kết... hiện lên sinh động, gần gũi và sâu sắc hơn bao giờ hết.
Làm mới di sản không có nghĩa là làm sai lệch giá trị, mà là làm cho những giá trị cũ bước được vào đời sống mới, để lịch sử không bị quên lãng mà trở thành chất liệu cho sáng tạo và định hình nhân cách. Điều này không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa hay giáo dục, đó là việc của cả xã hội, của mỗi gia đình, mỗi người dân yêu nước.
Chúng ta tin rằng, thế hệ trẻ với sự năng động, sáng tạo, tinh thần độc lập và tiếp cận nhanh với công nghệ có khả năng “kích hoạt” lại những giá trị truyền thống bằng chính sức mạnh của họ. Điều họ cần là một sự khơi gợi, một cơ hội để tiếp cận, một không gian để sáng tạo, và hơn hết là một niềm tin từ thế hệ đi trước. Để văn hóa cách mạng không chỉ là ký ức mà trở thành lý tưởng sống và động lực hành động, chúng ta cần chung tay tạo nên sức sống mới cho những giá trị từng làm nên sức mạnh Việt Nam trong quá khứ và cả hôm nay.
3. Mỗi giai đoạn lịch sử đều có những biểu tượng, giá trị và thử thách riêng. Nếu thế hệ cha anh đã vượt qua muôn vàn gian khó bằng tinh thần kháng chiến thì thế hệ hôm nay cũng đang đối mặt với những thách thức mới từ sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, từ áp lực hội nhập, biến đổi giá trị sống, và cả từ sự lãng quên của thời đại tiện nghi.
Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, văn hóa kháng chiến vẫn là một cội nguồn không bao giờ cạn kiệt. Trong hành trình xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và giàu bản sắc, việc kế thừa, phát huy và làm mới di sản văn hóa cách mạng chính là cách tốt nhất để nuôi dưỡng tinh thần dân tộc trong mỗi con người. Đặc biệt với thế hệ trẻ cần được truyền cảm hứng không bằng những bài học khô cứng, mà bằng những câu chuyện thật, trải nghiệm thật, hình ảnh sống động và những không gian văn hóa đầy xúc cảm, để từ đó hình thành nên tình yêu đất nước một cách tự nhiên, sâu sắc.
Từ chiến hào xưa đến phòng học hôm nay, từ ký ức của mẹ đến giấc mơ của con, từ những trang sử oanh liệt đến từng hành động nhỏ trong đời sống,... văn hóa kháng chiến vẫn đang âm thầm lan tỏa, như một ngọn lửa giữ ấm tâm hồn dân tộc trong mọi thời kỳ. Giữ cho ngọn lửa ấy không tắt, làm cho nó tiếp tục bùng lên trong từng thế hệ là nghĩa vụ cao cả và vinh quang của tất cả chúng ta.
(Theo www.qdnd.vn)