Sức mạnh vĩ đại của đoàn kết

Có một Việt Nam luôn tất thắng khi năm 2021 tiếp tục là một năm ghi dấu sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh rằng động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Theo người đứng đầu Đảng ta, đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao"; "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!"... Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định "đoàn kết" là giá trị cốt lõi và "đại đoàn kết toàn dân tộc" là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta. Bác Hồ đã khẳng định: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 (ngày 5/1/2022)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển tổng quát của đất nước không chỉ cho những năm trước mắt mà cho cả một giai đoạn tương đối dài đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là: phấn đấu đến năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện được phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cơ bản, quan trọng đó, không có cách nào khác là phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, một đại dịch chưa từng có trong lịch sử. Lần đầu tiên, Tổng Bí thư hai lần ra lời kêu gọi chống dịch gửi đồng bào, đồng chí chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, hiệu triệu sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư bày tỏ “tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta!”.

Nhìn lại năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính thấy “trong lúc gian nan, thử thách nhất, chúng ta đã chứng minh sức mạnh, nguồn lực của một Việt Nam kiên cường, dũng cảm; một Việt Nam đại đoàn kết, đồng lòng; một Việt Nam nhân ái, sẻ chia; được chứng kiến sức mạnh của tình người, sự cảm thông sâu sắc, của lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình cho cộng đồng, của ý chí và nội lực mạnh mẽ vượt qua gian khó trong mỗi con người để đồng hành cùng dân tộc ta vượt qua dịch bệnh”. Thủ tướng khẳng định “dù khó khăn, gian khổ chừng nào, chúng ta cũng vượt qua được nếu chúng ta đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, thương yêu, đùm bọc”.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/suc-manh-vi-dai-cua-doan-ket-99616.html