Súc miệng, răng giả chui vào phế quản
Bệnh nhân nữ (29 tuổi) nhập viện vì ho, đau ngực. 2 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân đang súc miệng thì bị sặc, ho nhiều.
Sau đó, bệnh nhân ho khan kèm đau ngực, đau tăng khi hít vào. Bệnh nhân đi nội soi thực quản - dạ dày tại một cơ sở y tế nhưng không phát hiện dị vật nên đã đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Tai - Thần kinh, kết quả CTScan ngực cho thấy một dị vật kim loại trong phế quản thùy dưới (P).
Một chiếc răng giả có 3 móc sắt được lấy ra khỏi phế quản phải của bệnh nhân.
Soi vào phế quản phải tới gần thùy dưới, các bác sĩ đã gắp ra dị vật là răng giả có 3 móc sắt kích thước # 12mm. Vùng có dị vật nề nhẹ, rướm máu. Người bệnh cho biết, làm răng giả bọc sứ đã được 3 năm, cứ mỗi năm chiếc răng giả này bị lung lay và bệnh nhân chỉ dán lại.
Lần này, khi đang súc miệng, nhìn lại thấy hàm trên mất một chiếc răng cửa, chị đã dùng tay móc họng để nôn ra nhưng càng khó thở hơn.
Theo TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, hơn 80% dị vật đường thở gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, càng lớn tuổi càng ít gặp. Tỷ lệ dị vật đường thở ở người lớn chỉ chiếm khoảng 5 - 6%. Trường hợp dị vật răng giả rất ít ghi nhận.
Thông thường, dị vật lớn mắc kẹt ở khí quản gây khó thở do bít tắc khí quản. Còn dị vật nhỏ hơn lọt qua thanh môn khiến bệnh nhân ho sặc sụa, với trẻ em dị vật sẽ gây tím tái.
Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM thăm hỏi bệnh nhân bị dị vật đường thở.
Người lớn thường bỏ sót dị vật vì hội chứng đường thở xâm nhập thường chỉ thoáng qua như ho sặc tức thời. Dị vật nằm lâu trong cơ thể sau đó sẽ gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi.
Mời độc giả xem thêm video Chăm sóc răng miệng cho phụ nữ khi mang thai: