Sức mua hàng Tết đang 'nóng'

Sáng 13/1, Đoàn công tác của Bộ Công Thương, do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Sức mua hàng hóa Tết đang tăng mạnh tại các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Sức mua hàng hóa Tết đang tăng mạnh tại các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường Tết Ất Tỵ 2025 có sự tham gia của 69 đầu mối chuỗi cung ứng; trong đó phần lớn là các doanh nghiệp (DN) quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.

Các DN này đã chuẩn bị nguồn hàng hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó hơn 8.000 tỉ đồng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.

Sản lượng hàng hóa thiết yếu được chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần. Theo đó, bình quân tháng trước, trong và sau Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản…

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

"Hiện thị trường đã vào cao điểm hai tuần trước Tết. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã tăng cường nhân lực, công suất phục vụ, không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng hoặc ùn ứ khách hàng khi mua sắm. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng cũng đã có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ Mùng 1 Tết. Riêng hệ thống Family Mart, GS25, Kingfood Mart... mở cửa xuyên Tết. Các DN cũng đã lên sẵn phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ nếu có", ông Nguyễn Nguyên Phương nói.

Bà Phan Thị Thắng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng Tết tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, thành phố Thủ Đức.

Bà Phan Thị Thắng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng Tết tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, thành phố Thủ Đức.

Liên quan đến việc chuẩn bị hàng Tết tại chợ đầu mối, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền cho biết, càng cận Tết, lượng hàng về chợ càng nhiều. Tuy nhiên, tiểu thương vẫn còn lo lắng sức mua yếu hơn so với các năm. "Về giá cả, năm nay được bình ổn, không tăng giá nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm mua sắm hàng Tết. Hiện nay, sức mua các mặt hàng đặc trưng ngày Tết đang tăng cao hơn so với tuần trước; đặc biệt, mặt hàng đồ khô có sức mua tăng cao nhất so với những mặt hàng khác", ông Nguyễn Đăng Phú cho biết.

Tương tự, theo đại diện chợ đầu mối Thủ Đức, dự kiến hàng hóa về chợ sẽ tăng cao từ ngày 22 âm lịch trở đi và các tiểu thương vẫn đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025. Đặc biệt, từ 26 Tết là thời điểm bắt đầu được nghỉ Tết, nên sức mua có thể tăng cao hơn so với những ngày bình thường và càng gần Tết sức mua sẽ tăng thêm.

Dưới góc độ nhà sản xuất, các DN cũng đang kỳ vọng sức mua tăng cao vào dịp cận Tết. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan) cho biết, mặc dù giá thịt lợn hơi đã tăng, nhưng đơn vị vẫn đảm bảo bán hàng bình ổn giá cho người dân. Dự kiến dịp Tết này, Vissan cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 tấn thịt lợn nóng, cùng với 1.000 tấn thịt lợn đông lạnh. Nhìn chung, thịt lợn không lo thiếu hàng, mà DN đang lo dư hàng, ảnh hưởng đến tồn kho. Đây chính là vấn đề khó khăn nhất của các nhà sản xuất cũng như đơn vị cung cấp hàng hóa dịp Tết Nguyên đán.

Tại TP Hồ Chí Minh, nguồn hàng Tết được các đơn vị bán lẻ chuẩn bị khá dồi dào.

Tại TP Hồ Chí Minh, nguồn hàng Tết được các đơn vị bán lẻ chuẩn bị khá dồi dào.

Tương tự, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết: "Với mặt hàng trứng gia cầm, những ngày cuối năm, sức mua sẽ tăng cao hơn, đặc biệt là mặt hàng trứng vịt, vì văn hóa ẩm thực của người dân phương Nam trong nhà ai cũng có một nồi thịt kho hột vịt. Vì vậy, năm nào chúng tôi cũng chuẩn bị dư hàng hóa Tết, bởi là đơn vị tham gia hàng bình ổn giá nên không thể thiếu hàng".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, TP Hồ Chí Minh đã có những chuẩn bị khá tốt nguồn hàng cung ứng ra thị trường, lượng hàng hóa bình ổn vẫn chiếm ưu thế và giữ giá ổn định cho người dân. "Trước khi đến làm việc tại TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác cũng lo lắng về sức mua hàng hóa Tết năm nay yếu, tuy nhiên theo báo cáo thì sức mua hàng hóa đang tăng. Đây là điều đáng mừng và cho thấy kinh tế Thành phố đã có những phục hồi tốt", Thứ trưởng nhận xét.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương đi khảo sát hàng hóa Tết tại chợ Bến Thành (Quận 1).

Đoàn công tác của Bộ Công Thương đi khảo sát hàng hóa Tết tại chợ Bến Thành (Quận 1).

"Nhằm đảm bảo nguồn hàng và giữ giá cả ổn định dịp cao điểm mua sắm Tết, Thành phố cần phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ngay tại đầu nguồn và tại các nơi tập trung hàng hóa để đưa về thành phố chứ không chỉ tập trung kiểm tra vài sạp hàng ngoài các chợ truyền thống. Mặt khác, Thành phố cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức khi chọn các sản phẩm chất lượng, có uy tín, nhận biết dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, hết hạn sử dụng và khuyến khích ưu tiên mua sắm sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, do các DN trong nước uy tín sản xuất", bà Phan Thị Thắng đề nghị.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, để kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, năm nay là năm đầu tiên TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (chương trình Tick xanh trách nhiệm). Chương trình nhận được sự đồng thuận và được dẫn dắt bởi các đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam như: Saigon Co.op, Satra, WinCommerce, Central Retail, AEON, MM Mega Market, Lotte, Kingfood Market...

Chương trình này cũng giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm "trách nhiệm" và sản phẩm kém. Cụ thể, các hệ thống bán lẻ sẽ có giải pháp nhận diện tại điểm bán như: quầy, kệ "Tick xanh trách nhiệm" hoặc dán logo "Tick xanh trách nhiệm" lên bao bì sản phẩm... Qua đó, mở ra cơ hội thị trường cho nhà sản xuất trách nhiệm, từng bước loại bỏ nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận khỏi thị trường. Đây không chỉ là giải pháp ngắn hạn phục vụ Tết Ất Tỵ 2025 mà còn là giải pháp căn cơ, là nền tảng xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn, bền vững bằng cam kết trách nhiệm của từng khâu, từ nuôi trồng, chế biến, lưu thông đến phân phối hàng hóa.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/suc-mua-hang-tet-dang-nong-20250113123959798.htm