Sức mua tăng, thị trường bán lẻ hứa hẹn khởi sắc hậu Covid-19
Sức mua hàng tiêu dùng trong dịp Tết 2021 tăng đến 10% so với cùng kỳ 2020. Đây được xem là bước đà đầu tiên trên cuộc đua phục hồi thị trường bán lẻ năm 2021.
Tháng 3, sau thông báo hàng quán trong nhà được mở cửa trở lại, loạt nhà hàng, quán cà phê đều tấp nập đón khách. Mới 19h, một nhà hàng lẩu Hàn Quốc tại Vincom Center Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) đã thông báo hết bàn.
"Sau khi tình hình dịch được kiểm soát, hàng quán mở cửa, gần như nhà hàng kín lịch đặt bàn từ trước đó 2-3 ngày. Chúng tôi vẫn phối hợp với ban quản lý trung tâm thương mại (TTTM) thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách hàng và cả nhân viên", quản lý của nhà hàng này cho biết.
Thực tế, nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng đã dần ổn định từ quý III/2020. Bộ Công Thương cho biết dù dịch bùng phát trước Tết, sức mua tổng thể của cả nước vẫn tăng 3-5% so với tháng thường, thậm chí tăng tới 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Các TTTM cũng ghi nhận lượng khách đổ về vào dịp Tết dao động 80-90% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới chuyên gia cho rằng đây là con số vượt mong đợi khi thị trường đối mặt với cơn sóng Covid-19 lần 3 khá phức tạp. Những con số này cho thấy nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ gần như không đổi, chứng minh tâm lý người dân đã thực sự ở trạng thái bình thường mới, ổn định và có biện pháp an toàn để sống chung với dịch bệnh.
Dịch Covid-19 khiến mọi lĩnh vực gặp khó, nhưng những thách thức đã mở ra nhiều cơ hội và ngành bán lẻ cũng không ngoại lệ. Các nhãn hàng lập tức xây dựng hệ thống bán hàng đa kênh để tăng điểm chạm tới khách hàng, đồng thời gia tăng trải nghiệm tại cửa hàng truyền thống. Đi cùng với đó, các hệ thống bán lẻ như TTTM, siêu thị hâm nóng thị trường bằng chuỗi hoạt động ưu đãi, trở thành lực hút kép kéo chân người dùng trở lại và chịu chi nhiều hơn.
Bên cạnh đó, hành vi tiêu dùng thay đổi cũng là cơ hội cho kênh bán hàng truyền thống. Đại diện Nielsen Việt Nam nhận định về thị trường bán lẻ năm 2021: "Bức tranh sẽ thay đổi, đặc biệt là chân dung người mua hàng. Khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy thay vì đi du lịch, khám phá, bộ phận khách trung - cao cấp lại chuyển hướng ưu tiên cho hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi ở những điểm đến an toàn".
Thời kỳ bình thường mới đã tạo ra thói quen sinh hoạt an toàn tại các địa điểm công cộng, người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách tối thiểu. Tâm lý hoang mang lo lắng cũng không còn khi hệ thống phòng dịch được kích hoạt nhanh và chặt chẽ tại các địa phương. Đặc biệt, việc Việt Nam chính thức tiêm vaccine từ ngày 8/3 cũng tạo tâm lý yên tâm cho người dân, sẵn sàng và cởi mở hơn cho các hoạt động tại nơi công cộng một cách an toàn.
Các chuyên gia nhận định thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Từ năm 2019 trở về trước, bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng 2 con số và năm sau cao hơn năm trước. Ngay cả trong thời kỳ thế giới gặp khó khăn do đại dịch, doanh số bán lẻ năm 2020 vẫn tăng hơn 11 tỷ USD so với năm 2019, đạt hơn 172 tỷ USD.
Trong đó, thời trang được kỳ vọng nằm trong nhóm ngành mở rộng mạnh năm 2021. Từ đầu năm, H&M đã khai trương liên tiếp 2 cửa hàng ở thị trường tỉnh (TP Cần Thơ và Hạ Long, Quảng Ninh), Pandora cũng giới thiệu liên tiếp 3 cửa hàng trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021. Đặc biệt, thương hiệu nhà cửa - gia đình Muji từ Nhật Bản cũng hé lộ ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội ở Vincom Center Metropolis.
Bước sang năm 2021 với lực đẩy từ thị trường và người tiêu dùng, Covid-19 không còn là rào cản của các doanh nghiệp bán lẻ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng, nhanh chóng nắm bắt thị trường mới tiềm năng chưa được khai thác nhiều như khu vực ngoại ô thành phố lớn hay các đô thị loại I.