Sức nóng chính trị 'phả' vào kinh tế thế giới năm 2025

Ảnh hưởng của những thay đổi về chính trị ở Mỹ, với tư cách siêu cường số 1 thế giới, đến nền kinh tế toàn cầu là không hề nhỏ.

Thế giới vừa trải qua một năm "siêu bầu cử", với 2 tỷ cư dân được kêu gọi bỏ phiếu ở hơn 70 quốc gia, chứng kiến vô số biến động ở nhiều nền chính trị. Đây cũng là một năm khó khăn đối với các nhà lãnh đạo đương nhiệm và các chính đảng truyền thống.

Lo lắng về việc giá cả tăng cao, chia rẽ về các vấn đề văn hóa và tức giận với tình hình chính trị hiện tại, cử tri ở nhiều quốc gia đã lên tiếng qua lá phiếu của mình.

Bối cảnh chính trị tại nhiều nền kinh tế lớn ở châu Âu đã rung chuyển sau các cuộc bầu cử. Nhưng có lẽ cuộc bầu cử có tác động lan tỏa lớn nhất hành tinh trong năm qua phải kể đến là bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ảnh hưởng của "xứ Cờ hoa", với tư cách siêu cường số 1 thế giới đến nền kinh tế toàn cầu là không hề nhỏ. "Sức nóng" chính trị "phả" vào kinh tế thế giới năm 2025 là rõ ràng.

"Hướng đến năm 2025, trọng tâm sẽ tập trung hoàn toàn vào những thay đổi chính sách sau bầu cử tại Mỹ và những tác động kinh tế rộng hơn của chúng", chuyên gia kinh tế toàn cầu Ken Wattret tại S&P Global Market Intelligence cho biết.

"Bước ngoặt" địa chính trị

Chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump và chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ là một "bước ngoặt" đối với nền kinh tế toàn cầu và bối cảnh địa chính trị.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Phoenix, Arizona, ngày 22/12/2024. Ảnh: Globe and Mail

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Phoenix, Arizona, ngày 22/12/2024. Ảnh: Globe and Mail

Tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ tuyên bố chắc chắn nào về cách chính quyền Trump 2.0 sẽ tác động đến thị trường và nền kinh tế toàn cầu, nhưng ngay từ bây giờ đã lộ diện một số chủ đề chính nổi bật.

Đầu tiên, ông Trump đã nói rõ rằng ông có ý định tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, đề cập đến các mức thuế quan từ 10-20%, 60% và thậm chí đến 100%.

Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết, thuế quan "được sử dụng đúng cách sẽ là một công cụ rất mạnh mẽ, không chỉ về mặt kinh tế mà còn để đạt được những mục tiêu khác ngoài kinh tế".

Thứ hai, nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa có kế hoạch cắt giảm thuế và các quy định của Mỹ, mặc dù vẫn chưa rõ mức cắt giảm sâu đến đâu và cách nào được thực hiện để bù đắp cho việc cắt giảm thuế.

Thứ ba, trên mặt trận địa chính trị, các lựa chọn bổ nhiệm đầu tiên của ông Trump cho chính quyền mới cho thấy vị chính trị gia tỷ phú có khả năng sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại theo tinh thần "nước Mỹ trên hết", tương tự như nhiệm kỳ đầu của ông.

Phản ứng ban đầu của thị trường đối với chiến thắng của ông Trump tương đối có trật tự: Tài sản rủi ro của Mỹ và đồng USD hoạt động tốt hơn, lợi suất trái phiếu Chính phủ ổn định sau đợt tăng mạnh trước bầu cử.

Nhìn về phía trước, một rủi ro chính đối với triển vọng là khả năng lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trở lại và gây ra hiệu ứng lan tỏa trên thị trường toàn cầu nếu chính quyền mới của ông Trump cố gắng thúc đẩy cắt giảm thuế mà không có kế hoạch đáng tin cậy để bù đắp cho những cắt giảm đó.

Một rủi ro lớn khác là cuộc chiến thương mại toàn cầu leo thang "ăn miếng trả miếng" làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dìm tăng trưởng toàn cầu xuống thấp hơn và đẩy lạm phát lên cao hơn.

Vẫn còn phải xem chính quyền mới ở Washington sẽ thực hiện quyết liệt như thế nào đối với kế hoạch tăng thuế quan đối với hàng hóa từ nước ngoài vào Mỹ.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng thuế quan là chiến thuật đàm phán cốt lõi. Ảnh: The Nightly

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng thuế quan là chiến thuật đàm phán cốt lõi. Ảnh: The Nightly

Các tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử cho thấy Mỹ có khả năng áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế 10-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Gần đây hơn, ông tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada và thêm 10% vào thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đe dọa áp thuế 100% với các quốc gia BRICS nếu họ phát triển loại tiền tệ mới cạnh tranh với đồng USD.

Ở đây, thuế quan là công cụ đàm phán hay là mong muốn thực sự về việc tách nền kinh tế Mỹ khỏi nền kinh tế khác? Điều đó sẽ trở nên rõ ràng vào năm 2025.

Hầu hết các phân tích chỉ ra rằng các mức tăng thuế quan đề xuất của Mỹ ban đầu có thể sẽ gây ra tác động lạm phát ở chính "xứ Cờ hoa", sau đó là tác động tiêu cực đối với tăng trưởng ở tất cả các quốc gia liên quan.

Lạm phát sau đó sẽ giảm khi nhu cầu chậm lại và các hiệu ứng cơ sở bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng nó vẫn kịp "làm đau" túi tiền người tiêu dùng, trong khi các biện pháp trả đũa có thể gây tổn hại đến các ngành công nghiệp ở mức độ vượt xa những gì ông Trump tuyên bố sẽ bảo vệ, khiến người lao động Mỹ dễ bị tổn thương hơn.

Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do quy mô của các mức thuế quan được đề xuất đối với hàng hóa của nước này và tầm quan trọng của ngành sản xuất đối với nền kinh tế số 2 thế giới.

Bắc Kinh có thể cân nhắc các cách để giảm nhẹ mức thuế quan mới của ông Trump đối với nền kinh tế của họ. Theo JPMorgan Chase&Co., Trung Quốc có thể cho phép đồng Nhân dân tệ mất giá tới 10-15% để đáp trả bất kỳ cuộc chiến thương mại nào do Tổng thống đắc cử Mỹ phát động.

Tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh có thể cảm nhận rõ rệt ở một số bộ phận trong ngành sản xuất ở bên kia bờ Đại Tây Dương, đặc biệt là ô tô, dược phẩm và máy móc.

Nhưng tác động đối với nền kinh tế nói chung của "cựu lục địa" dự kiến sẽ có thể kiểm soát được, theo quan điểm của các chuyên gia tại công ty quản lý tài sản toàn cầu ICG.

Các chuyên gia tại ICG (có trụ sở tại London, Vương quốc Anh) cho rằng những người bình tĩnh hơn sẽ thắng thế trong kịch bản cơ sở và tránh được kịch bản xấu nhất, cho phép đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện tại kéo dài đến năm 2025.

Tuy nhiên, họ lưu ý, ông Trump nổi tiếng là người khó đoán và nếu không có những hạn chế, các chính sách của tân Tổng thống Mỹ và triển vọng toàn cầu có khả năng thay đổi nhanh chóng.

Trong khi đó, các chuyên gia tại công ty quản lý đầu tư Natixis (có trụ sở tại Paris, Pháp) cho rằng ông Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ với đa số phiếu phổ thông và do đó, ông được giao một nhiệm vụ rất rõ ràng và cần phải hành động quyết liệt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên.

Dự báo kinh tế thế giới năm 2025

Ở "lục địa già", những diễn biến hậu bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của phe cực hữu.

Trong khi các lực lượng trung hữu, do Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) lãnh đạo, vẫn duy trì vị thế là khối lớn nhất, thì cơ cấu của EP khóa mới lại trở nên phân mảnh hơn. Việc số ghế do các liên minh chính thống nắm giữ giảm và số lượng các đảng chia sẻ quyền lực tăng lên, làm suy yếu triển vọng về đa số ổn định.

Ở cấp độ quốc gia, đến cuối năm 2024, các đảng cực hữu đã nắm giữ các vai trò lãnh đạo tại ít nhất 7 quốc gia EU, bao gồm các nền kinh tế hàng đầu như Italy, Hà Lan và Phần Lan.

Theo tổ chức nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London, những nhân vật hoài nghi châu Âu ngày càng ủng hộ việc cắt giảm chính sách của EU để ủng hộ quyền kiểm soát của quốc gia.

Trên mặt trận địa chính trị, ở châu Âu, nơi xung đột Nga-Ukraine đã sắp tròn 3 năm và vẫn đang tiếp diễn, EU sẽ phải tự lực tự cường nhiều hơn để gồng gánh nhiệm vụ viện trợ cho Kiev nếu nước Mỹ dưới thời ông Trump thực sự "quay xe".

Châu Âu bước vào năm mới 2025 với nhiều sức ép từ cả các vấn đề nội tại và những sự kiện quốc tế quan trọng. Ảnh: Xinhua

Châu Âu bước vào năm mới 2025 với nhiều sức ép từ cả các vấn đề nội tại và những sự kiện quốc tế quan trọng. Ảnh: Xinhua

Kinh tế châu Âu được dự đoán sẽ phục hồi trong suốt năm qua, nhưng thực tế diễn ra gập ghềnh hơn nhiều, với việc hai nền kinh tế hàng đầu EU là Đức và Pháp đã phải vật lộn với hàng loạt thách thức trong năm qua, bao gồm biến động chính trị, giá năng lượng cao, đầu tư trì trệ và nhu cầu suy yếu ở các thị trường nước ngoài quan trọng.

Pháp sẽ phải đối phó với quỹ đạo nợ gia tăng, dự kiến sẽ ổn định ở mức 120% GDP và thủ tục thâm hụt quá mức do Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành EU mở ra. Điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng xếp hạng tín dụng của cường quốc Tây Âu.

Nền kinh tế số 2 khu vực đồng Euro (Eurozone) được dự đoán sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm mới, giảm nhẹ so với năm 2024, theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Đáng nói, thâm hụt không phải là tình trạng chỉ xảy ra ở Pháp. Nước láng giềng Đức cũng sẽ sớm khởi xướng một loạt các biện pháp về phía cung và cải cách "phanh nợ" của mình khi nền kinh tế đầu tàu châu Âu bước vào cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2.

Trước đó, liên minh cầm quyền ở Berlin đã sụp đổ do bất đồng về cách giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng của đất nước. Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Paris hiện dự kiến nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm 2025, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%.

Các nước Nam Âu đang hoạt động tốt, đặc biệt là Tây Ban Nha. "Câu chuyện thành công" của châu Âu dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 3% nhờ thị trường lao động mạnh mẽ được thúc đẩy bởi dòng người di cư, du lịch được hưởng lợi từ sự thay đổi các điểm đến thời hậu Covid-19 và tăng trưởng xuất khẩu.

Trước tình hình tăng trưởng khá yếu ở Eurozone, với lạm phát được kiềm chế nhanh hơn dự kiến và mối đe dọa về thuế quan của Mỹ có thể làm mất 0,25 điểm tăng trưởng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất vốn được khởi xướng từ năm ngoái.

Năm nay, châu Âu sẽ thấy mình bị kẹp giữa 2 siêu cường: Một bên là Mỹ, nơi đang phát tín hiệu về thuế quan và bên kia là Trung Quốc, nơi đang cố gắng xuất khẩu thặng dư của mình sang lục địa này.

Trong xu hướng bình thường hóa kinh tế vĩ mô, tăng trưởng toàn cầu dự kiến vẫn mạnh mẽ ở mức khoảng 3%, giảm nhẹ so với năm 2024. Mỹ và Trung Quốc – 2 động lực chính của nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ duy trì đúng hướng, với tốc độ tăng trưởng dự kiến lần lượt là 2,7% và 4,5%.

Tuy nhiên, OECD cảnh báo triển vọng tăng trưởng đang ngày càng chịu nhiều rủi ro từ căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, khi mức thuế quan cao hơn có thể làm suy yếu tăng trưởng và đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn.

Được mô tả là "điểm sáng rực rỡ" cho nền kinh tế toàn cầu, Ấn Độ được dự báo duy trì mức tăng trưởng ấn tượng trong năm mới và thậm chí có xu hướng tăng thêm, lên 6,9% vào năm nay.

Trong bối cảnh mới, các chuyên gia tại Natixis nhận định, Delhi và đồng Rupee Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ các chính sách của ông Trump, trong khi đồng Peso Mexico sẽ chịu thiệt hại, còn đồng Nhân dân tệ có thể bị phá giá để duy trì khả năng cạnh tranh của Trung Quốc.

Chênh lệch lãi suất ngày càng mở rộng và điều kiện kinh tế yếu kém sẽ gây áp lực lên đồng Euro và đồng Bảng Anh. Đồng Yên được dự báo sẽ hoạt động tốt hơn, do sự phân kỳ chính sách tiền tệ tiếp tục.

Đồng USD đang khẳng định vị thể "thắng lớn" từ cuộc bầu cử ở Mỹ, chứng kiến sự gia tăng ấn tượng kể từ khi ông Trump đắc cử. Nhưng những mức tăng này có vẻ khó "bền" vì đồng USD mạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Mỹ.

"Những bên thua thiệt sẽ là những bên có thâm hụt thương mại lớn với nền kinh tế Mỹ", các nhà phân tích của Natixis cho biết.

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/suc-nong-chinh-tri-pha-vao-kinh-te-the-gioi-nam-2025-204241231151737001.htm