Sức nóng từ truyện tranh
Thực tế đã chứng minh những bộ truyện tranh 'made in Vietnam' như 'Dũng sĩ Hesman', 'Thần đồng đất Việt', 'Long thần tướng'… đều luôn có sức hút đặc biệt.
Mặc cho những luồng ý kiến cho rằng không nên cho trẻ đọc truyện tranh, vài mươi năm qua, số người say mê dòng sách này không ngừng tăng. Điều đó dẫn chúng ta đến suy nghĩ khách quan và tích cực hơn về dòng truyện không chỉ dành cho trẻ em này.
"Cơn sốt" chưa bao giờ hạ nhiệt
Kể từ năm 1992, khi chú mèo máy Doraemon lần đầu tiên đến Việt Nam đã làm nên "cơn sốt" trong ngành xuất bản, đến nay, dường như sức nóng từ truyện tranh chưa bao giờ vơi bớt.
Dù đã 30 năm trôi qua nhưng Doraemon vẫn như một “tượng đài” tiếp tục lớn lên cùng nhiều thế hệ độc giả thanh, thiếu niên Việt Nam. Cứ mỗi mùa hè đến, Doraemon luôn là một trong những cái tên đứng đầu danh sách tác phẩm bán chạy ở nhiều địa chỉ kinh doanh sách.
Và không chỉ có Doraemon, nhiều bộ truyện tranh từng “làm mưa làm gió” thị trường sách những năm về trước như Siêu quậy Teppi, 7 viên ngọc rồng, Shin - cậu bé bút chì, Thám tử Conan, Tsubasa - giấc mơ sân cỏ, Naruto, Pokémon… vẫn liên tục được tái bản.
Điều kỳ lạ là trong khi nhiều dòng sách khác thường xuyên phải có những “chiêu” kích cầu như giảm giá, tặng quà thì những bộ truyện tranh nổi tiếng ấy cứ tái bản lần nào là hết lần đấy. Những ấn bản kỷ niệm, phiên bản đặc biệt của các bộ truyện này luôn làm các “fan” truyện tranh phấn khích, xếp hàng đợi mua dù giá không hề rẻ.
Cùng những nhân vật truyện tranh “huyền thoại” của những năm 1990, đến nay, thị trường truyện tranh đã xuất hiện nhiều nhân vật mới, tác phẩm mới đủ sức “mê hoặc” độc giả trẻ tuổi.
Cách đây không lâu, “team” truyện tranh đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh các bạn trẻ xếp hàng dài từ đêm trước để có thể sở hữu cuốn Chú thuật hồi chiến bản limited (giới hạn) phát hành vào sáng hôm sau.
Hay mới đây, khi bộ truyện tranh Sơn, Goal! chuẩn bị ra mắt, chỉ chưa đầy 3 tuần mà hơn 300 câu hỏi đã gửi đến cho tác giả và ekip thực hiện bộ sách. Một sự quan tâm “không hề nhẹ” của độc giả với dòng truyện tranh nói chung và với tác phẩm truyện tranh có bối cảnh Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, độc giả mê truyện tranh không chỉ là những thiếu niên mà nhiều người đã ở ngoài tuổi “tam thập nhi lập”.
Cơ hội cho ngành truyện tranh Việt
Sơn, Goal! là dự án truyện tranh đầu tiên được xây dựng kịch bản và bối cảnh tại Việt Nam với sự tham gia của đội ngũ sản xuất đến từ hai quốc gia Nhật Bản, Việt Nam.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: “Nhà xuất bản Kadokawa vốn là đối tác quen thuộc của Nhà xuất bản Kim Đồng trong nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên hai nhà xuất bản cùng tham gia ngay từ những bước đầu tiên của một dự án truyện tranh”. Sự hợp tác này mang hy vọng mở ra hướng đi mới cho dòng truyện tranh Việt Nam khi nhu cầu thị trường luôn rất lớn.
Theo nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, cố vấn nội dung bộ truyện Sơn, Goal!, một bộ truyện có sự hợp tác chặt chẽ giữa ekip Việt Nam và Nhật Bản sẽ giúp cho các nhà xuất bản ở Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ nền truyện tranh hàng đầu thế giới. Các họa sĩ, biên kịch truyện tranh Việt Nam ít nhiều sẽ học hỏi được từ bộ truyện này, từ cách tác giả lựa chọn các tuyến nhân vật, triển khai các khung hình, triển khai chi tiết cho đến xâu chuỗi các câu chuyện.
Dường như đã “bão hòa” trước sự xuất hiện quá nhiều tác phẩm truyện tranh nước ngoài nên tác phẩm truyện tranh của tác giả Việt Nam hay truyện tranh về Việt Nam như Sơn, Goal! luôn được cộng đồng say mê truyện tranh đón đợi.
Thực tế đã chứng minh, những bộ truyện tranh “made in Vietnam” như Dũng sĩ Hesman, Thần đồng đất Việt, Tý quậy, Nhật ký Mèo Mốc, Long thần tướng… đều luôn có sức hút đặc biệt với độc giả mê truyện tranh. Chỉ tiếc rằng, số lượng những tác phẩm như vậy còn quá ít.
Nền công nghiệp truyện tranh ở một số nước đã trở thành con gà đẻ trứng vàng, còn ở Việt Nam, đây đó vẫn chưa cởi bỏ được quan niệm truyện tranh là thứ giải trí rẻ tiền, có nhiều sản phẩm gây hại cho trẻ em. Thị trường truyện tranh Việt còn rất rộng lớn và đây là cơ hội cho các tác giả, các nhà xuất bản.
Để thị trường truyện tranh không chỉ toàn tác phẩm nhập khẩu thì các đơn vị liên kết, đơn vị xuất bản cần có sự đầu tư để tạo cơ hội cho các tác giả sáng tạo và phát triển ý tưởng. Bên cạnh đó, cần có các cuộc thi sáng tác truyện tranh để phát hiện và nuôi dưỡng đam mê cho đội ngũ sáng tạo cũng như cộng đồng đọc truyện tranh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/suc-nong-tu-truyen-tranh-post1343051.html