Sức sáng tạo lý luận lớn lao của Đảng trong 90 năm lãnh đạo cách mạng
Trong 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã đạt được những thành tựu dẫn tới những thắng lợi vẻ vang.
Phân tích về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 90 năm thành lập, Tiến sỹ Nguyễn Bình, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chỉ ra những thành tựu về lý luận dẫn tới những thắng lợi vẻ vang trong thực tiễn phong trào cách mạng.
Thành tựu về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa và phong kiến
Lý luận về con đường cách mạng giải phóng do Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh một nước thuộc địa và phong kiến như Việt Nam bao hàm một số nội dung chính yếu sau: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam từ cách mạng giải phóng dân tộc tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, với câu nói nổi tiếng “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định làm tư sản dân quyền cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam có đường lối đúng đắn với tư tưởng cốt lõi là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Trên cơ sở đó, Đảng đã phát triển lý luận về xây dựng lực lượng cách mạng và đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đoàn kết dân tộc, Đảng đề cao đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Đảng xác định phương pháp cách mạng trong cách mạng giải phóng dân tộc, đó là sử dụng bạo lực quần chúng cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, dùng sức mạnh của đông đảo quần chúng đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.
Với lý luận đúng đắn về con đường cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lý luận về chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng gắn liền với thắng lợi giải phóng dân tộc.
Trước cuộc xâm lăng của thực dân Pháp lần thứ hai, Đảng đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Trong hoàn cảnh phải lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, chỉ có dựa vào sự đoàn kết của nhân dân mới có thể chiến thắng kẻ thù hung bạo.
Qua hai cuộc kháng chiến, lý luận về cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam dần được bổ sung và phát triển, bao gồm một số luận điểm chính như vũ trang toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, tiến hành đấu tranh toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự ngoại giao, khoa học kỹ thuật quân sự, giành thắng lợi từng bước, đánh thắng từng chiến lược chiến tranh của kẻ thù, biết mở đầu và kết thúc chiến tranh một cách chủ động, sáng tạo.
Thấu suốt quan điểm bạo lực cách mạng, coi tư tưởng tiến công là quy luật giành chiến thắng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ và ủng hộ quốc tế. Với lý luận về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, Đảng đã lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới đất nước
Lý luận đó thể hiện qua Cương lĩnh của Đảng năm 1991, được bổ sung và phát triển trong Cương lĩnh năm 2011. Khi những hạn chế của mô hình chủ nghĩa xã hội thời chiến đã lộ rõ, trở thành vật cản trên con đường phát triển, Đảng đã tập trung tìm tòi, nghiên cứu lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đảng đã xác định những vấn đề cốt lõi, đó là mục tiêu, là động lực, là phương hướng, là giải pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội. Đảng đã xác định rõ từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội phải trải qua một thời kỳ quá độ với những chặng đường, bước đi phù hợp, lâu dài. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, cần bỏ qua điều gì, tiếp thu điều gì.
Qua những cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, lý luận về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã từng bước được xây dựng, bổ sung, phát triển. Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Đảng đã chỉ rõ những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà Đảng, nhân dân ta xây dựng. Đó là, dân giàu, nước mạnh dân chủ công bằng văn minh, do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Trên cơ sở những đặc trưng đó, đường lối của Đảng đã xác lập được hệ thống lý luận về con đường và những giải pháp cơ bản nhằm hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội. Trước hết, là phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Đảng xác định mục tiêu, nội dung, con đường mô hình, phương thức và nguồn lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tiếp đó là lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lý luận về xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; lý luận về giải quyết những vấn đề xã hội; lý luận về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới; lý luận về đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng, đối ngoại của Nhà nước; lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lý luận về phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị; lý luận về xây dựng Đảng trong điều kiện mới.
Có thể nói, qua những cương lĩnh xây dựng đất nước, lý luận về con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng được bổ sung hoàn thiện sáng tỏ hơn, cụ thể hơn, khoa học hơn, là cơ sở vững chắc để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được thành tựu thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực.
Thực tế mô hình chủ nghĩa xã hội hoặc đã sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu, hoặc đang lạc bước với sự phát triển chung của thế giới (Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cu Ba, Venezuela), mới thấy hết sức sáng tạo lớn lao của Đảng ta về mặt lý luận trong xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.