Sức sống chợ quê

Trong sự nhộn nhịp, hối hả nơi phố thị, vẫn còn những phiên chợ quê yên bình với những sản vật được người dân nông thôn mang ra từ vườn. Ở nơi đó, những người mẹ, người bà, người chị tảo tần, chịu thương, chịu khó với hình ảnh chiếc nón lá, những gian hàng nhỏ mộc mạc, dung dị làm nên sức sống chợ quê bền bỉ với thời gian.

Sản vật được nhà vườn mang ra chợ

Sản vật được nhà vườn mang ra chợ

Chợ quê nơi phố thị

Chợ quê hay chợ rau vườn là tên gọi thân thương của những người đi chợ chỉ dẫn những ai muốn tìm những sản vật của nhà vườn. Những sản vật không chỉ tồn tại trong hồi ức nhiều người mà đôi khi còn trở thành những đặc sản ở những nhà hàng sang trọng. Đến với Chợ Tháp Mười, xen lẫn sự sầm uất, náo nhiệt, khang trang của những sạp hàng được bày biện ở khu vực nhà lồng chợ, hay những gian hàng cố định là những góc nhỏ được Ban Quản lý chợ bố trí dành cho những người dân nông thôn mang cá đồng, rau vườn đến chợ để bày bán.

Tầm 5 giờ sáng mỗi ngày, góc nhỏ ấy trở nên nhộn nhịp với hình ảnh những chiếc dù nhiều màu sắc, bên trên những tấm đệm là những bó rau được gói, cột bằng dây chuối, lúc thì mớ rau mác, ít bó lá, hoa sầu đâu, túm rau cải trời, rau càng cua xanh non, trái ớt hiểm được gói trong miếng lá chuối khô, mớ đậu đen xanh lòng được trồng dọc bờ đê. Chị Dương Thị Nguyệt ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười kể: “Nhà làm ruộng, nhưng lúc rảnh tôi tỉa thêm đậu, trồng thêm bắp, còn rau càng cua mọc trên các liếp chanh, ớt hiểm thì có khắp vườn. Vậy là mỗi ngày, chị em trong nhà tôi lại đi hái, về nhặt lá sâu, bó lại thành từng bó, đợi trời sáng chở lên chợ Tháp Mười để bán. Hơn 10 năm rồi, dù nắng hay mưa, đến chợ đôi khi không có chỗ ngồi, chen nhau nhưng ngày nào không đến chợ thì rất nhớ...”.

Ở chợ TP Cao Lãnh có một nơi được nhiều người biết đến với tên gọi chợ tự sản tự tiêu, tên gọi là vậy nhưng người đi chợ hay người mang đồ đến bán thường gọi với tên quen thuộc “chợ rau vườn”. “Chợ rau vườn” là điểm đến của nhiều người dân thích tìm những món đồ đồng, ít hóa chất hoặc chỉ là muốn mua hàng để ủng hộ người trong quê hay mang ít nông sản vườn nhà ra ngồi bán. Chị Trần Thị Bích Trang ngụ ấp Hòa Lợi, xã Hòa An, TP Cao Lãnh bộc bạch: “Tôi đi bán rau, chồng chạy xe ba gác, 4 giờ sáng là chở rau ra chợ. Dù số tiền kiếm được chỉ vài trăm ngàn đồng 1 ngày, nhưng ngày nào tôi cũng đến chợ, vừa gặp người quen, cảnh buôn bán tấp nập, không đi không được, vậy là tôi cũng đến chợ bán cũng lâu rồi, từ khi còn chợ cũ, giờ chợ mới khang trang...”.

Bà Nguyễn Thị Thảo bán trầu cau tại chợ Sa Đéc

Bà Nguyễn Thị Thảo bán trầu cau tại chợ Sa Đéc

Hơn 25 năm gắn bó với góc nhỏ chuyên bán trầu cau, tại chợ TP Sa Đéc, bà Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: “Cau, trầu giờ người ta cũng ít dùng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người quen đến chợ ghé qua góc này để mua về cho người thân dùng. Không chỉ bán trầu, cau, tôi còn têm trầu. Ngày ngày tôi đều đến chợ như một thói quen, và thói quen ấy hằn sâu trong tâm trí tôi...”. Những lời tự sự của bà Thảo cũng là lời tự sự tận đáy lòng của nhiều người bán rau, sản vật vườn nhà. Ở góc nhỏ đó, những người mua có thể trả giá thoải mái khi mua hoặc đôi khi là những lời trò chuyện, hỏi thăm gần gũi quan tâm.

Sức sống chợ quê

Có thể nói, nét văn hóa của chợ quê được lưu giữ qua nhiều thế hệ của những người dân địa phương và những người dân sống xa xứ. Dù phát triển, hiện đại nhưng vẫn chưa xóa nhòa những hình ảnh chất phác, đôn hậu của những người dân quê. Nơi mà cái kết của sự ngã giá lại được kết thúc bằng nụ cười và những món quà được người bán tặng thêm như trái ớt, cọng hành. Dù vất vả, nhọc nhằn, nhưng người dân quê ngày ngày vẫn giữ thói quen ra chợ, nhiều gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống nhờ sự vun vén khéo léo của chính các bà, các chị, các em với mớ rau vườn, con cá trong ao được mang đi bán.

Bà Phạm Thị Tuyến ngụ xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười bán cá đồng, hẹ nước tại chợ Trường Xuân, bộc bạch: “Mình bán rau vườn, ra chợ ngồi bán cũng cực lắm, nhưng cái tình, cái nghĩa của người ở chợ, giúp đỡ, nhường nhịn nhau, đôi khi mệt mỏi, ngồi chợp mắt, hay quên mang giá cân những chị em bán hàng kế bên cũng cân bán dùm, thậm chí làm cá dùm. Nhiều khi buôn bán ế, người này mua ủng hộ người kia, cứ vậy mà dần dần quen thân, đến chợ ngày này qua ngày khác để buôn bán kiếm thêm thu nhập hàng ngày...”.

Góc nhỏ bán cá đồng tại chợ Tháp Mười

Góc nhỏ bán cá đồng tại chợ Tháp Mười

Dù gọi là chợ quê, người quê nhưng tất cả những sự tỉ mỉ, khéo léo, chỉn chu lại được các bà, các chị chăm chút cho những nông sản của nhà vườn. Bó rau kèo nèo, mớ rau lang, ít rau dừa hay bó rau muống đồng cũng phải đẹp mắt, tinh tươm, mớ trứng gà so được bọc kỹ trong tờ giấy báo. Sự thân thương, gần gũi và mộc mạc của những người dân quê và các sản vật đã tạo dấu ấn tốt đẹp không chỉ cho những người dân địa phương mà còn những người xa xứ. Chị Võ Thị Hoàng Phương ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi trước đây từng sống ở Xẻo Muồng (huyện Cao Lãnh), xa xứ là vậy, siêu thị hiện đại không thiếu món gì, nhưng tôi vẫn nhớ cái cảnh nhộn nhịp của chợ quê, nhớ cái sạp bán bánh quê ở chợ Mỹ Long, nhất là món bánh tằm ngọt, mỗi lần về thăm quê là phải đi chợ, kiếm sạp bánh mua và thăm hỏi vài câu những người quen cũ...”.

Trong không khí se lạnh của mùa Xuân, phiên chợ quê đầy ắp những mặt hàng dành cho Tết. Nơi đó, hình ảnh những người phụ nữ tảo tần từ sớm mai đến tận hoàng hôn vẫn ngày ngày đến chợ để lo toan cho cuộc sống gia đình. Chính sự chịu thương, chịu khó đã làm nên những không gian chợ quê nhiều màu sắc, vẹn nguyên bền bĩ với thời gian.

C.P

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/suc-song-cho-que-120237.aspx