Sức sống của mới nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật ra đời ở vùng đất Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX. Nó phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tính cách phóng khoáng của người dân đất phương Nam. Vì vậy, nó luôn được người dân giữ gìn và phát triển, xứng đáng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Những người giữ lửa cho tiếng đờn lời ca

Về Đồng bằng sông Cửu Long mới thấy phong trào Đờn ca tài tử (ĐCTT) đã lan tỏa rộng khắp, hầu như ai cũng biết đàn, biết hát. Hễ khi có đám giỗ, đám cưới, đám hỏi… là nhất định phải có ĐCTT. Có thể nói, hiện nay, bộ môn này có sức sống mạnh mẽ, có số lượng khán giả đông nhất, người thực hành nhiều nhất trong tất cả các thể loại cổ nhạc Việt Nam. Sau một thời gian ngắn lại có thêm nhiều giọng ca, ngón đờn trẻ xuất hiện.

Thị xã Bình Minh là một trong những địa phương phát triển mạnh loại hình Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT của tỉnh Vĩnh Long. Bà Nguyễn Thị Tám bị mắc bệnh tim- căn bệnh khiến người ta hay bị mệt mỏi, vậy mà ĐCTT đã làm cho bà khỏe dần lên. Bà tâm sự: “Trước đây tôi cũng không thích những nơi ồn ào nhưng ở nhà một mình thì luôn nghĩ tới bệnh tật nên sinh ra buồn chán. Do ông xã rất mê ca hát, lại động viên tôi nên học một vài bài ca để “ca cặp” cho vui. Thế là tôi tham gia và mê luôn ĐCTT. Từ ngày được ca hát, tôi thấy cuộc sống vui vẻ hơn và căn bệnh tim không còn hành hạ thường xuyên như trước nữa”.

Mỗi người đến với “nghiệp” đờn ca tài tử một cách khác nhau. Như ông Tăng Văn Lẫm (Út Lẫm) là một công chức ham mê đờn ca tài tử. Dù giữ vai trò và vị trí nào, từ lúc làm việc ở xã rồi Chủ tịch UBND huyện hay khi đã là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh thì cũng không quên ĐCTT. Khi có mặt ở nơi nào mà có ĐCTT thì nhất định ông cũng “xin” được hát và hát rất hay. Hiện tại, khi đã về hưu thì gần như ông dành trọn thời gian cho niềm đam mê của mình và trở thành hạt nhân của phong trào ĐCTT thị xã Bình Minh.

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử

Tăng Phước Linh là con trai của ông Út Lẫm và bà Tám cũng là người yêu thích ĐCTT từ nhỏ. Khi trúng tuyển vào Trường Đại học Cần Thơ, ngoài việc học chuyên môn, Linh còn “tầm sư” để học đờn. Lúc tốt nghiệp đại học thì cũng là lúc Linh sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ và đờn được tất cả các bài bản trong nhạc tài tử với ngón đờn rất điêu luyện. Và khi lập gia đình, Linh cũng đã chọn cô gái hát tài tử rất hay của vùng đất Trà Vinh. Người dân trong vùng giờ đây gọi gia đình ông Út Lẫm là “Gia đình tài tử” quả thật là đúng.

Ở thị xã Bình Minh còn có nhiều nghệ nhân ĐCTT rất hay và nổi tiếng cả nước nhưng hầu như không ai lấy nghề ĐCTT để mưu sinh. Họ sống bằng nghề làm ruộng, làm vườn và những nghề khác là chính. Như trường hợp anh Minh Cường ở xã Mỹ Hòa, anh là tay đờn nổi tiếng vì xuất thân từ con “nhà nòi” nhạc tài tử nhưng nghề chính để nuôi sống gia đình lại là nghề gói bánh tét, bánh ích bán. Hàng ngày sẽ không khó bắt gặp anh Cường ngồi gói từng chiếc bánh rồi mang đi giao cho khách nhưng tối lại là ôm đàn gửi vào đó cũng cung oán, cung xuân làm xao động lòng người.

TP. Cần Thơ, có một nữ nghệ nhân rất tâm huyết với nghệ thuật ĐCTT, đó là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga (NNƯT Kiều Nga). Chị kể, hơn 10 tuổi chị đã học và chơi ĐCTT. Sau đó được tuyển vào làm diễn viên thông tin lưu động TTVH quận Thốt Nốt. Chị tham gia và đạt nhiều giải cao ở các cuộc thi Giọng ca Cải lương trong khu vực và toàn quốc.Với niềm đam mê của mình chị quyết tâm xin đi học để nắm chắc kiến thức nghệ thuật mà mình đeo đuổi. Thế là chị bắt đầu học học từ sơ cấp, trung cấp Diễn viên cải lương đến đại học Đạo diễn sân khấu.

Khi đã nắm vững kiến thức, chị tích cực tham gia thực hiện các kế hoạch bảo tồn, giới thiệu quảng bá loại hình nghệ thuật ĐCTT và sân khấu cải lương (SKCL) vào trường học do TP.Cần Thơ tổ chức như: Chương trình Sân khấu học đường nhằm quảng bá về ĐCTT-SKCL cho học sinh THCS, thực hành dạy các em ca bài bản nhỏ, dạy biểu diễn trích đoạn cải lương. Mục đích là giới thiệu cho các em học sinh hiểu biết, yêu thích và tham gia sinh hoạt ĐCTT-SKCL trong một tương lai gần.

Hiện nay, với vai trò là Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Nhà hát Tây Đô nhưng NNƯT Kiều Nga còn là Chủ nhiệm CLB ĐCTT Tây Đô. Ngoài ra, chị còn mở các lớp dạy ĐCTT cho người mộ điệu với mong muốn phổ biến ngày càng rộng rãi hơn loại hình nghệ thuật này ra xã hội. NNƯT Kiều Nga trăn trở: “ĐCTT-SKCL là một loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc thù của người Nam bộ, rất cần được giữ gìn và phát triển. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển hiện nay với quá nhiều loại hình nghệ thuật mới, hấp dẫn, sôi động… nên với một loại hình nghệ thuật lâu đời như ĐCTT và SKCL nếu không có giải pháp giữ gìn và phát triển thì nó sẽ bị lãng quên, nhất là đối với các bạn trẻ.

Sức sống mãnh liệt của nghệ thuật đờn ca

Nghệ thuật ĐCTT có lịch sử hình thành muộn so với nghệ thuật tuồng, chèo, quan họ hay ca trù… nhưng đây là loại hình nghệ thuật chứa đựng đầy đủ các giá trị văn hóa Việt với những đặc trưng đa dạng riêng, vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa có chất dân dã, tài tử.

ĐCTT thể hiện tính cách phóng khoáng nếp sống vùng sông nước của con người Nam Bộ, vì thế nó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Nó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong nhịp sống của người dân nơi đây. Do đó, ĐCTT có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ gói gọn trong một địa bàn, địa phương hay một vài tỉnh, thành phố mà có mặt hầu hết các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Sức sống mãnh liệt, tầm ảnh hưởng văn hóa rộng, giá trị nghệ thuật độc đáo của nó không nhầm lẫn với bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác, đó chính là lý do thuyết phục nhất để lựa chọn ĐCTT là một trong những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ở nông thôn Nam bộ, việc biết ĐCTT như là lẽ đương nhiên. Trên đường đi câu, đi cấy gặt lúa, nhất là khi chèo xuồng một mình trên sông rộng hay chống xuồng trên những cánh đồng bưng mênh mông thì không ai giấu nổi tình cảm trắc ẩn riêng tư. Và như thế những bài vọng cổ nằm lòng sẽ được trào dâng với giọng ca truyền cảm lạ lùng.

Truyền lửa đờn ca tài tử cho thế hệ trẻ

Truyền lửa đờn ca tài tử cho thế hệ trẻ

Phải có mặt tại một buổi sinh hoạt ĐCTT mới thấy được hết sức sống của loại hình nghệ thuật này. Các nhạc cụ dùng cho việc sinh hoạt thường gồm có: ghi ta phím lõm, đàn kìm, đàn cò và song lang. Các tài tử trình bày đa dạng bao gồm các điệu: Nam ai, Tây thi, Xàng xê, Phụng hoàng … với nội dung vô cùng phong phú. Ở đó người già, trẻ, gái, trai, lao động chân tay hay trí thức… tất cả đều say sưa với tiếng đàn, tiếng hát. Niềm đam mê nghệ thuật đã xóa bỏ ranh giới xã hội, gắn kết họ lại với nhau. Họ đến với nhau cốt là hát cho thỏa lòng, hát để quên đi nỗi vất vả của cuộc sống. Ở đó có tiếng mùi mẫn của tuổi già, hứng khởi của tuổi trẻ, có lúc trong sáng, hồn nhiên vui vẻ cũng có khi ai oán, nỉ non đến não lòng.

Ngoài ra, các nghệ nhân ĐCTT còn tham gia tại các tụ điểm ca cổ, các nhà hàng, điểm du lịch… đã tạo nên một phong trào đờn ĐCTT sôi nổi và rộng khắp. Chúng tôi đã có dịp ra công tác tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) và thật bất ngờ khi ở nơi cách đất liền 120 km mà cán bộ và người dân ở đây vẫn biết ĐCTT và chơi rất hay. Ngón đàn và lời ca điêu luyện của họ như không có khoảng cách giữa đất liền và đảo xa.

Hiện nay khi mà những chương trình giải trí trên truyền hình, internet, trò chơi điện tử, karaoke… đã chiếm lĩnh hầu hết mục thời gian nghỉ, thư giãn của người dân, nhưng đâu đó từ làng quê, thành thị đến những đảo xa những nghệ nhân tài tử vẫn ngồi với nhau để hòa đàn, hòa ca, dạy hát. Họ vẫn nắn nót tiếng đàn, uốn giọng từng ca từ để cùng nhau tri âm, góp thêm tiếng đờn lời ca làm đẹp cho đời.

Quang Trung – Cửu Long

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/suc-song-cua-moi-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-nam-bo-42999.html