Sức sống của thể loại trường ca trong đời sống văn học xứ Thanh
Trong bài viết 'Mấy suy nghĩ về thể trường ca', nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định: 'Thơ không thể chỉ tự bằng lòng đóng khung trong những bức tranh gọn hẹp, những cảm xúc ngắn gọn mà còn có khát vọng vươn dài nới rộng để khám phá và biểu hiện tầm sử thi của cuộc sống'.
Với bề dày văn hóa - lịch sử cùng sự phát triển mạnh mẽ, sôi động, Thanh Hóa vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng, chắp cánh cho thể loại trường ca triển nở.
Có lẽ, chính bởi những thôi thúc, những kỳ vọng, khao khát được vượt thoát khỏi giới hạn, khuôn khổ chật hẹp của cảm xúc mà thể loại trường ca vẫn luôn giữ vai trò, vị trí, một sức sống bền bỉ trong đời sống văn học Việt. Và trong dòng chảy, xu hướng vận động chung ấy, văn học xứ Thanh cũng không phải ngoại lệ.
Trường ca là gì? Và đặc điểm mang tính cấu trúc, thể loại của trường ca ra sao? Cho đến ngày hôm nay, những câu hỏi ấy vẫn tiếp tục được nghiên cứu, tranh luận. Nói như vậy để thấy rằng, trường ca là một thể loại chưa ổn định trong hệ thống các thể loại văn học mà luôn luôn vận động, có sự dịch chuyển, biến hóa sâu sắc. Tuy nhiên, điểm lại lịch sử hình thành và phát triển của trường ca trong lịch sử văn học nước nhà, chúng ta không thể phủ nhận được vai trò, vị trí cùng sức hấp dẫn đã làm nên sức sống bền bỉ của thể loại văn học này. Điều đó thể hiện qua “gia tài” các tác phẩm trường ca nổi tiếng, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả Việt như: “Tiếng địch sông Ô” - Huy Thông, “Ngọn quốc kỳ” và “Hội nghị non sông” của Xuân Diệu, “Những người trên cửa biển” của Văn Cao, “Bài ca chim Ch,rao” của Thu Bồn, “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa, “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo, “Đường tới thành phố”, “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh, “Con đường của những vì sao”, “Trường ca biển mặn” của Nguyễn Trọng Tạo...
Hòa chung vào dòng chảy ấy, cùng với chiều sâu văn hóa - lịch sử cùng thực tiễn phát triển năng động của xứ Thanh tựa hồ như “mảnh đất màu mỡ” cho các thế hệ văn nghệ sĩ thỏa sức “thâm canh” sáng tạo với thể loại trường ca. Niềm tự hào sâu sắc, cái danh giá ngàn năm cùng với những thăng trầm, biến động trên mảnh đất quê hương đã kết đọng thành mạch nguồn cảm hứng dâng trào, thôi thúc các cây viết xứ Thanh tìm đến với thể loại trường ca như một lẽ tự nhiên.
Sau “Khúc hát bắt đầu từ nguồn nước”, trường ca “Thành Tây Đô” ra đời, đánh dấu sự quay trở lại và “lợi hại hơn xưa” của nhà thơ Văn Đắc ở thể loại văn học này. Ông tâm sự: “Ngay từ khi bước chân vào con đường sáng tác văn học, tôi vẫn luôn nung nấu một khát vọng cháy bỏng - khát vọng sẽ viết được một tác phẩm để đời, xứng tầm nhất về công đức vô lượng của các vị vua xuất thân là người xứ Thanh”. Bằng vốn kiến thức, am hiểu sâu rộng về văn hóa - lịch sử xứ Thanh qua các triều đại, tình cảm gắn bó sâu sắc của mình với vùng đất Tây Đô và ngồn ngộn những diễn biến, sự kiện lịch sử tiêu biểu diễn ra trên mảnh đất này, nhà văn Văn Đắc đặc biệt ấn tượng với nhân vật Hồ Quý Ly.
Qua 6 chương, lần lượt là: Đêm Thăng Long, Về Tây Đô, Tiếng đá, Tây Đô ngày hội, Giấc mộng Tây Đô, Độc Thoại và Khúc vĩ thanh, Hồ Quý Ly xuất hiện trong trường ca “Thành Tây Đô” của Văn Đắc với hình tượng nhân vật người anh hùng nhuốm màu sắc bi tráng - cái tráng lệ của một con người tài năng, trí tuệ, nhạy bén với thời cuộc, đi trước thời đại; cái bi của kiếp nhân sinh bé nhỏ, tầm vóc, tư tưởng, tài năng lớn nhưng “lượng đời” cứ chật, thời thế - thế thời đảo điên khiến cho những sai lầm diễn ra như điều không thể khác. Giữa lúc thành Thăng Long đang “run lên bần bật/ Tô Lịch chết và Hoàng Giang lẩy bẩy/ Lục thủy hồ dương liễu tóc khô cong” báo hiệu vận nước suy vi, Hồ Quý Ly - người anh hùng cô độc đứng ra gánh vác sứ mệnh lịch sử đặt lên vai, đè lên ngực trần ấm nóng - nơi trái tim đập vang lên tinh thần, trách nhiệm cao cả: “Ngửa mặt Quý Ly, mây quấn một vòng/ Con ngựa chiến quỳ dưới chân thở dốc/ Đế đô nghìn xưa đè xuống vai Người/ Không biết đứng lên hay cúi xuống chịu ngồi?/ Người lấy cả tảng ngực trần chống đỡ/ Trái tim đập cuống lên như bão gió”.
Trong cảm hứng ngợi ca, Văn Đắc không chỉ có những hình ảnh, liên tưởng, tưởng tượng về sự mạnh mẽ, quyết liệt, khí thế. Người anh hùng trong trường ca “Thành Tây Đô” cũng có lúc yếu lòng mà rơi lệ. Văn Đắc thật sự rất nhân văn, rất đời khi không cố gượng ép anh hùng của mình phải siêu nhiên, phải gồng mình lên mà được sống trọn với cảm xúc của mình: “Xốc bao kiếm, lao ra ngoài trời/ Đập cửa đền Đồng Cổ, người khóc!/ Lại thêm một lần, người rơi nước mắt”. Chẳng đau lòng mà bật khóc sao được khi chứng kiến cảnh điêu tàn của đất nước. Vì nghiệp lớn mà Hồ Quý Ly phải chấp nhận mang lấy cái tiếng xấu “bất trung”, phải thắt lòng rời “bỏ chính ngôi nhà của mình mà đi”, “bỏ Thăng Long mà đi”, “bỏ một vùng châu thổ mà đi”... Không luận bàn lịch sử, tuy nhiên, qua việc khéo léo phác họa nên bối cảnh lịch sử, tài tình trong cách khai thác tâm lý nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu thơ hào hùng, nhịp thơ bừng bừng khí thế góp phần mang lại cho người đọc nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đa chiều về chân dung, tính cách và số phận Hồ Quý Ly trong số phận của quốc gia, dân tộc, đồng thời khẳng định: Việc Hồ Quý Ly “đảo chính”, quyết rời bỏ Thăng Long - Đông Đô về Tây Đô - Thanh Hóa là tất yếu lịch sử, quyết sách đúng đắn, thể hiện khí chất ngang tàng, bản lĩnh, quyết đoán của bậc trượng phu.
“Đất nước vào vận suy vi, phải đổi đời, mở mang cường thịnh” - xuất phát từ một ý niệm, một khao khát mãnh liệt như thế, tại vùng đất Tây Đô - mảnh đất quê hương mà cả cuộc đời Hồ Quý Ly nguyện ghi lòng tạc dạ, ông cùng biết bao con người nơi đây gây dựng nên vương triều, mở kinh đô với những: “Cung điện, đền đài, dinh thự, phố phường tráng lệ/ Họ dựng đá bao quanh sừng sững/ Bốn cửa thành mở cờ, gióng trống”. Từ một “nơi chật hẹp hẻo lánh, cuối nước đầu non, nên với loạn mà không nên với trị”, vương triều nhà Hồ làm nên bao điều kỳ vĩ, lưu danh sử sách, trường tồn với thời gian: “Quý Ly ấn mười đầu ngón tay/ Vào trời đất Đại Việt/ Đầu thế kỷ XV/ Bài thơ bằng đá/ Khúc thần thoại bằng đá/ Bức phù điêu bằng đá”. Hồ Quý Ly hiện lên như một nhà tiên phong cải cách về mọi mặt với mong mỏi về sự cường thịnh của quốc gia, dân tộc.
Lịch sử một lần nữa được nhìn lại. Hồ Quý Ly một lần nữa được nhìn nhận lại. Cả cuộc đời ông là khúc bi tráng. Văn Đắc rất tinh tế khi đặt Quý Ly vào nhiều số phận khác nhau, để nói với độc giả một điều rằng: “Quý Ly tự xét mình/ Như đá thu lại thành lũy/ Nghe được nỗi khổ/ Lắng được lời than/ Biết mình đơn độc/ Vẫn làm mũi tên/ Làm tướng, làm vua/ Để thành nghiệp bá/ Giá mà không tướng không vua nữa/ Chắc Quý Ly hiền như đá thôi”. Quả thực, nếu không đứng ra gánh vác lấy cái sứ mệnh lịch sử cao cả mà trái ngang kia, số phận của Hồ Quý Ly chẳng nghiệt ngã đến thế. Nếu không làm tướng, làm vua, ông chẳng bao giờ phải quặn lòng, nghiến răng trước cái chết của những kẻ phản nghịch: “Quý tộc là gì? Ta đích thân là quý tộc/ Nhưng ta không lo đắp mộ sống cho mình bằng nhà vàng, áo vóc/ Chém các ngươi là ta chém vào nửa người ta...”. Trước con mắt của người đời, bậc đế vương được ngồi lộng tía ngai vàng, hậu cung trăm nghìn cung tần, mỹ nữ, sơn hào hải vị ngập bàn, hô một tiếng là “tru di tam tộc”... Nhưng đâu ai biết rằng, những thứ hào nhoáng kia không khỏa lấp được một bóng dáng đơn độc, một tâm hồn quá nhiều đè nén. Thù trong giặc ngoài, vương triều Hồ làm sao chống đỡ, Hồ Quý Ly xoay xở sao cho kịp bề, “chưa kịp bình yên thì đèn gặp gió”, “Người độc thoại/ Đường dài/ Khổ lắm/ Mấy ai nghe”...
Là thế đấy, cuộc đời của người anh hùng, sinh ra giữa thời loạn lạc nên cái nhận về chỉ là những nỗi bi ai. Tuy nhiên, những công lao, đóng góp của Hồ Quý Ly vẫn còn được muôn đời sau nhắc mãi. Thời gian trôi qua với biết bao vật đổi sao dời, được và mất đã không còn quan trọng. Thành Nhà Hồ vẫn hiên ngang đứng đó, ăn sâu vào đất, tạc vào lịch sử, tạc vào mây trời Tây Đô, vào lòng các thế hệ người dân đất Việt, ghi tên mình vào Di sản văn hóa thế giới... Và để lại bài học cho muôn đời sau, rằng phải: “Giữ đất cho dân/ Giành lấy dân cho nước/ Thành đá là sức của dân/ Nhân dân không nhận tên cho mình/ Nhân dân gọi: Thành Tây Giai/ Thành An Tôn/ Thành Tây Đô/ Thành Nhà Hồ/ Tên thành nhập vào tên đất, tên người”. Bởi lẽ đó: “Thành đá còn/ Nhân dân còn/ Quý Ly còn trong trời bể/ Bách Việt - nước Nam ta”.
Đâu chỉ có Văn Đắc với trường ca “Thành Tây Đô”, thật không phải nói quá khi so sánh rằng: Xứ Thanh là mảnh đất màu mỡ cho thể loại trường ca. Dường như, không một nhà thơ tên tuổi nào của xứ Thanh lại không một lần thử sức với trường ca. Nhiều tác giả - tác phẩm đã tạo được dấu ấn sâu sắc như: “Trường ca Hàm Rồng” - Mã Giang Lân, “Trường ca Hàm Rồng” - Từ Nguyên Tĩnh, “Trường ca sông Mã” - Huy Trụ, “Nước mắt con đường” - Trịnh Ngọc Dự, “Trường ca Thành Tây Đô” - Văn Đắc, “Trường ca Đò Lèn” - Lâm Bằng; các trường ca “Bầu trời màu hoa gạo”, “Ba mươi tháng tư”, “Hát nơi cửa sóng”, “Lê Lợi mài gươm” của Nguyễn Minh Khiêm... Ngay từ tên tựa đề tác phẩm, người đọc dễ dàng nhận thấy: Cái hùng vĩ, cái bao la, rộng dài, tầng sâu văn hóa - lịch sử lắng đọng của những mảnh đất như Hàm Rồng - tọa độ lửa một thời, những con đường huyết mạch trong kháng chiến, những con sông Mã, Đò Lèn... là nguồn cảm hứng lớn lao, mạnh mẽ như thế nào đối với cây bút xứ Thanh. Đã là người con xứ Thanh, ai mà không tự hào về chiến thắng Hàm Rồng, Đò Lèn vang dội, về sức vóc, vẻ đẹp, giá trị của sông Mã, sông Chu. Vẻ đẹp về đất và người xứ Thanh được khắc họa chân thực, đậm nét, thăng hoa trong sự đan xen hài hòa giữa cảm hứng sử thi, hùng tráng với niềm tự hào mãnh liệt và nét trữ tình, sâu sắc thể hiện trong sự chiêm nghiệm, trăn trở và khát vọng vươn tới tương lai của quê hương xứ sở, con người nơi đây. Đó cũng chính là nét nổi bật, độc đáo, hấp dẫn làm nên sức sống bền bỉ của các tác phẩm trường ca trong đời sống văn học xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung.