Sức sống 'hai cánh gà' biên cương
Sở dĩ, người dân nơi đây gọi là “hai cánh gà” bởi thôn Lao Chải nằm bên phải và thôn Chúng Chải B nằm bên trái của Cửa khẩu Mường Khương. Ngược “cánh tả” hướng về thôn Chúng Chải B, chúng tôi tìm gặp anh Sền Pờ Diu. Tôi vẫn nhớ anh là người đầu tiên đưa cây quýt về trồng tại thôn. Vạt nương ngày trước của gia đình giờ đây đã phủ xanh hoàn toàn bằng cây quýt.
Thời tiết vùng cao dưới 15 độ C nhưng mồ hôi vẫn cứ lăn dài trên má của người nông dân chân chất, hiền lành. Anh Diu hạ gùi đầy ắp quả quýt chín vàng và bảo: “Đợt này bận lắm chú ạ! Không có thời gian nghỉ ngơi, khách hàng ở dưới xuôi và thành phố Lào Cai gọi liên tục để lấy quýt. Hai vợ chồng làm không kịp, đành phải thuê thêm người cắt quả, chở quả ra bến xe huyện cho kịp chuyến”. Anh ngồi tính nhẩm, với hơn 6.000 cây sẽ giúp gia đình thu hoạch hơn 30 tấn quýt trong năm nay. Chỉ kịp trò chuyện với anh được vài phút, vợ anh dưới vườn đã gọi vọng lên, bảo anh khẩn trương gùi quýt xuống. Tôi tranh thủ hỏi thêm anh: Làm cách nào mà chỉ trong vài năm quýt đã phủ hết đồi trọc? Anh Diu cười nói: Chú đi hỏi Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn sẽ biết ngay. Trong thôn ai cũng nể phục ông ấy.
Mang theo sự tò mò, chúng tôi tìm đến nhà Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chúng Chải B - ông Pờ Sìn Chải. Gia đình ông cũng đang tất bật cắt quả quýt chuyển về Hà Nội, Bắc Ninh để bán. Nhắc lại câu hỏi khi hỏi anh Diu, ông Sải cười giòn trả lời: Có gì đâu, tôi chỉ cố gắng vận động bà con trồng quýt thôi. Chính anh Diu, dù không phải là đảng viên, cũng không giữ chức vụ gì trong thôn, nhưng rất tích cực tham gia vận động người dân cùng trồng quýt.
Hơn chục năm trước, thôn Chúng Chải B vẫn luẩn quẩn trong cái nghèo. Người dân bám nương, nhưng chỉ loanh quanh làm vài sào ngô, ít lúa nương. Nhận thấy giá trị của cây quýt mang lại, đặc biệt là sự thành công của một số nông dân trên địa bàn, ông Sải đã họp bàn với những người có uy tín, quyết tâm vận động người dân trồng quýt. “Mỗi người một tay giúp nhau đào hố, bón phân, hỗ trợ kỹ thuật, tỉa cành. Người nào không có tiền, anh Diu và những hộ khá hỗ trợ vốn trả chậm, không lấy lãi”, ông Sải chia sẻ.
Ông Sải “khởi nghiệp” trồng quýt ở tuổi 60, cái tuổi đáng nhẽ được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn quyết làm. Dù đôi bàn tay không còn khỏe mạnh, đôi bàn chân nặng trĩu với thời gian không thể thoăn thoắt lên nương như trước, nhưng ông Sải vẫn cùng anh Diu đi học tập kinh nghiệm các mô hình trồng quýt ở nhiều nơi. Theo ông Sải, trồng quýt không chỉ làm kinh tế cho gia đình, mà còn thể hiện sự quyết tâm, nêu gương của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn để bà con học tập làm theo.
Bây giờ, 38 hộ trong thôn đều trồng quýt với tổng diện tích gần 40 ha. Hầu hết, cây quýt đã đến độ cho thu hoạch, ai ai cũng phấn khởi về một mùa thắng lợi. Quả thật như anh Diu nói, rất nhiều người dân trong thôn nể phục Bí thư Chi bộ luôn tận tụy vì dân. Ông Sải đưa ánh mắt nhìn về vùng quýt của thôn, nở nụ cười mãn nguyện, hài lòng với những gì đã qua.
Không chỉ bên “cánh tả”, “cánh hữu” biên cương mùa này nhuộm vàng quýt chín. Đi dọc tuyến đường vào thôn, nông dân tất bật thu hoạch quýt, chất đầy vào thùng cho thương lái vận chuyển về xuôi. Chúng tôi gặp Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lồ Thế Chín cùng các đảng viên đang đi vận động và giúp đỡ bà con thu hoạch quýt. Anh Chín tính nhẩm, thôn có 80 hộ thì hơn 50% hộ có nhà xây khang trang, thậm chí có hộ còn xây nhà kiểu biệt thự rất đẹp. Điều này nằm ngoài tưởng tượng khi chỉ mới hơn chục năm về trước, thôn không có một nhà xây nào. Anh Chín say sưa kể những câu chuyện vượt khó làm giàu của các hộ dân, điều đáng quý nhất đó là ai cũng quyết tâm làm giàu, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ. Phải kể đến một số hội viên Chi hội Phụ nữ dân tộc Bố Y đã vượt qua khó khăn, định kiến, vươn lên làm chủ mô hình kinh tế. Nhà chị Lồ Dìn Sủi ở ngay đầu thôn đã trồng quýt được 8 năm. Giờ đây, vườn quýt hơn 4.000 gốc giúp gia đình chị thu về hơn 200 triệu đồng/năm. Giữa vườn quýt, chị Sủi dựng chòi ngắm cảnh, làm đường bê tông nhỏ dẫn khách tham quan và còn được thưởng thức những làn điệu dân ca Bố Y. Những món ăn đậm đà bản sắc bên chén rượu thơm nồng và những quả quýt chín thưởng thức ngay tại vườn khiến nhiều du khách đến đây cảm thấy rất thư thái.
Giờ đây, hai “cánh gà” biên cương đã trở thành “thủ phủ” quýt của huyện Mường Khương, với tổng diện tích gần 100 ha. Chất lượng quýt nơi đây ngon, ngọt nên được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Sức sống mới tràn đầy niềm vui nơi vùng biên giới. Điều đặc biệt mà hai bí thư chi bộ thôn tâm đắc là người dân nơi đây không đi làm xa nữa, họ tự làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương với sự thay đổi lớn trong cách suy nghĩ, khao khát và một ý chí, quyết tâm.
Qua trò chuyện, những “đầu tàu” ở hai thôn đều khẳng định, để khơi lên khát vọng của người dân không chỉ có chi bộ, đảng viên, ban công tác mặt trận và các đoàn thể trong thôn mà phải có sự giúp đỡ, hỗ trợ đắc lực từ những người lính biên phòng đã cùng đồng cam cộng khổ biết bao nhiêu năm tháng với bà con.
Đi cùng chúng tôi có Chính trị viên phó Lèng Văn Trai và Đội trưởng Đội vận động quần chúng Phạm Văn Tường của Đồn Biên phòng Mường Khương. Gặp các anh, nhiều người dân trên nương vẫy gọi cùng nụ cười trìu mến. Hằng ngày, Đại úy Tường và nhiều cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Khương vẫn thường xuyên đến thăm nắm tình hình của người dân. Anh Tường không lạ hộ nào, gặp ai anh cũng biết, thậm chí là biết rõ đời sống, hoàn cảnh của từng gia đình.
Thiếu tá Lèng Văn Trai chia sẻ: Được bà con tin yêu là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người lính biên phòng. Mỗi khi có đợt phát động giúp đỡ Nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, tất cả đều xung phong tham gia. Những nương quýt kia ngay từ những ngày đầu, cán bộ, chiến sĩ đã cùng người dân đào hố, bỏ phân, chăm sóc. Khi đến vụ thu hoạch, cán bộ, chiến sĩ không những giúp người dân thu hoạch, mà còn giới thiệu bạn bè, tìm thương lái để thu mua cho người dân.
Xuân đang “gõ cửa” nơi biên cương. Tết đến xuân về là thời gian gia đình sum họp, quây quần. Như mọi năm, những ngày giáp tết, khi Đồn Biên phòng Mường Khương tổ chức chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản”, người dân lại mang những quả quýt ngọt chín muộn, những cuộn lá dong, lạt buộc, đỗ xanh, gạo nếp nương để cùng bộ đội chuẩn bị đón tết sớm. Tết sum vầy giúp cán bộ, chiến sĩ thấy ấm áp hơn và đây cũng là lời tri ân của bà con với những người lính mang “quân hàm xanh” bởi trong suốt thời gian qua, các anh luôn sát cánh cùng người dân, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi để mùa màng bội thu.
Một sức sống mới đang hiện hữu ở “hai cánh gà” biên cương. Những con người vùng cao chất phác, chăm chỉ, cùng sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ biên phòng sẽ tiếp thêm sức xuân cho mảnh đất này.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364152-suc-song-hai-canh-ga-bien-cuong