Sức sống mới các môn thể thao du nhập: Định vị 'chỗ đứng'

Giữa bức tranh thể thao TPHCM đa dạng sắc màu, sự phát triển của các môn thể thao du nhập đáp ứng những nhu cầu mới của cuộc sống đô thị. Tuy nhiên, hành trình xây dựng chỗ đứng của những môn thể thao này cũng đầy thăng trầm, lắm gian nan để chứng minh không chỉ là hiện tượng nhất thời.

Kết nối văn hóa

Những sự kiện thể thao luôn là điểm hẹn gặp gỡ, kết nối và giao lưu văn hóa của nhiều người. Đặc biệt, những môn thể thao du nhập từ khắp nơi trên thế giới đang làm rất tốt vai trò “sứ giả hữu nghị” giữa các quốc gia hay những nền văn hóa khác nhau.

Riêng TPHCM luôn có những chương trình quảng bá các môn thể thao mới lạ đến với cộng đồng, bởi những nhà quản lý biết rằng, thành công của các sự kiện không chỉ tạo được điểm nhấn về hình ảnh, mà còn là sự gợi mở thú vị cho ngành thể thao.

Tháng 12-2024, khu vực trung tâm TPHCM nhộn nhịp hơn bao giờ hết bởi Giải vô địch Teqball thế giới 2024 chính thức khởi tranh. Ở lần đầu tiên đăng cai sự kiện về bộ môn hoàn toàn mới lạ này, TPHCM đã đón chào hàng ngàn người hâm mộ, vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) từ hơn 95 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Các trận đấu diễn ra tại sân thi đấu mở, được lắp đặt trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) tạo điều kiện để người dân và du khách theo dõi, cổ vũ. Trên khán đài di động tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, đông đảo du khách quốc tế đã thích thú khi được xem các VĐV chuyên nghiệp thi đấu với những màn santo đẹp mắt hay những động tác đánh đầu đẳng cấp.

 Giải vô địch Teqball thế giới 2024 vừa được tổ chức tại TPHCM trong tháng 12, thu hút VĐV từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giải vô địch Teqball thế giới 2024 vừa được tổ chức tại TPHCM trong tháng 12, thu hút VĐV từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Du khách Dylan (đến từ Anh) cho biết, lần đầu anh đến TPHCM du lịch và cũng thật may mắn đúng dịp thành phố tổ chức giải Teqball thế giới nên tranh thủ tới xem. “Tôi thấy công tác tổ chức cũng như các trang thiết bị dành cho giải đấu rất chuyên nghiệp và còn có chỗ ngồi tốt cho du khách. Thành phố của các bạn nên có thêm nhiều giải đấu tầm cỡ như thế này để khách du lịch có thêm sự trải nghiệm thú vị khi đến thăm Việt Nam”, Dylan chia sẻ.

Không tiếc những lời khen có cánh dành cho TPHCM qua giải vô địch thế giới lần này, Chủ tịch Liên đoàn Teqball quốc tế Gabor Borsanyi nói: “Điều tôi ấn tượng là công tác tổ chức giải, dù mới lần đầu đăng cai nhưng TPHCM tổ chức rất chuyên nghiệp, bài bản. Kết nối với nhau thông qua bộ môn mới teqball, nhưng rõ ràng còn hơn thế nữa, giải đấu là dịp quảng bá rất tốt cho hình ảnh, văn hóa của thành phố các bạn. Không chỉ thi đấu thể thao, các đoàn tham dự còn được trải nghiệm ẩm thực và những nét văn hóa đặc sắc”.

Còn ở bộ môn hoạt động cùng tập thể, làm quen cùng gậy và bóng, hockey dễ khiến bất cứ ai “say lòng” khi tiếp cận, dù ở độ tuổi, giới tính hay bất kỳ đất nước, nền văn hóa nào. Điều đó càng được thể hiện rõ nét tại giải đấu TPHCM hockey festival diễn ra hàng năm.

Ở mùa giải năm 2024, sự kiện thu hút gần 200 HLV, VĐV của 22 đội đến từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ là các cựu tuyển thủ quốc gia, sinh viên các trường đại học, du học sinh... có cùng niềm đam mê với hockey đã hào hứng “bay” đến TPHCM tham dự.

Mỗi đội là sự tổng hợp của các VĐV có kinh nghiệm, kiến thức chơi hockey khác nhau, từ nhiều nền văn hóa, nhưng sẵn sàng tham gia giải đấu dù ở xa. Bạn Tanaka (Nhật Bản) hào hứng nói: “Ngay khi nghe tin của giải từ những người bạn Việt Nam, tôi hào hứng đăng ký tham gia ngay. Tôi chọn đến với TPHCM trước 1 ngày giải đấu diễn ra, cũng kịp tham quan những địa điểm nổi tiếng của thành phố. Hockey thật sự mang tính lan tỏa và kết nối, tôi có thêm rất nhiều người bạn tốt khi tham gia môn thể thao này”.

Trong khi đó, chị Huỳnh Như (Trường Đại học Thể dục thể thao TPHCM) cho biết, khi chơi hockey giúp phát triển thêm các kỹ năng làm việc tập thể. “Thông qua môn thể thao hockey nói chung, giải đấu này nói riêng, các thành viên của đội chúng tôi được giao lưu, cọ xát và nâng cao trình độ chuyên môn. Hơn thế nữa, kỹ năng ngoại ngữ ngày càng được cải thiện và chúng tôi biết thêm nhiều nền văn hóa khác nhau”, Huỳnh Như bày tỏ.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân, các sự kiện thể thao quốc tế hay giải đấu ở các môn thể thao mới không chỉ thu hút sự tham gia của nhiều VĐV, mà còn góp phần thúc đẩy lối sống lành mạnh, tạo cơ hội để mọi người gắn kết và lan tỏa tinh thần năng động. Đây cũng chính là nền tảng để TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong phong trào thể thao cộng đồng và phát triển bền vững.

Định hướng tạo sức hút

Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Nam Nhân cho biết: “Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, nhu cầu rèn luyện thể thao đa dạng của người dân và sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, những môn thể thao du nhập hoàn toàn có thể xây dựng phong trào vững chắc và thậm chí đạt thành tích cao trong tương lai”.

Có lẽ ban đầu người chơi tham gia với mục đích trải nghiệm để đổi cảm giác mới lạ, nhưng dần dà những môn du nhập lại cho thấy sức hút riêng, mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân người tham gia, thậm chí là tổ chức, đơn vị, thành phố… không khác gì với môn thể thao truyền thống. Và có những con người tâm huyết vẫn ngày đêm tìm tòi, học hỏi để đưa nhóm môn mới lạ này thoát khỏi cái mác “hiện tượng nhất thời”.

 Các tay vợt thi đấu tại giải Pickleball Báo Phụ Nữ TPHCM 2024 diễn ra tại CLB Thể thao Lan Anh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Các tay vợt thi đấu tại giải Pickleball Báo Phụ Nữ TPHCM 2024 diễn ra tại CLB Thể thao Lan Anh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo anh Phan Cao Khoa, Giám đốc mảng thể thao Công ty Lan Anh, tốc độ phát triển hiện nay của môn pickleball rất bùng nổ và theo quy luật có thể đến thời điểm nào đó sẽ bão hòa. Tuy nhiên, tương tự những môn khác, vẫn có người thật sự đam mê và luyện tập. Tuy nhiên, anh Khoa tin rằng, pickleball sẽ vẫn giữ được sức hút và trở thành môn thể thao phổ biến như cầu lông hay quần vợt, bóng bàn bởi những lợi ích thiết thực mà nó mang lại.

Để định hướng đúng đắn phát triển một bộ môn thể thao mới du nhập như pickleball, TPHCM đã đi đầu trong việc quản lý và đã có nhiều kế hoạch phát triển bộ môn này trên phạm vi toàn thành phố. Việc ghép quần vợt và pickleball chung một tổ chức quản lý thành Liên đoàn Quần vợt - Pickleball TPHCM là một ví dụ.

Hay như bộ môn hockey, bắt đầu từ những người nước ngoài muốn quảng bá hockey đến với Việt Nam, để rồi sự nhiệt huyết ấy lại lan tỏa đến những người làm công tác quản lý thể thao tại TPHCM. Và sự ra đời Liên đoàn Hockey TPHCM (thành lập vào năm 2020) như là tất yếu để những kế hoạch và hướng đi được dẫn dắt một cách khoa học, bài bản hơn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên đoàn Hockey TPHCM Nguyễn Hà Trường Hải, để định vị chỗ đứng, bộ môn thể thao nào cũng phải luôn tạo sức hút. Bên cạnh lan tỏa sự đam mê, tích cực, thì địa điểm tập luyện, trang thiết bị dụng cụ, kinh phí thi đấu… cũng là vấn đề cần quan tâm bởi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, với tâm huyết phát triển, Liên đoàn Hockey TPHCM đã tích cực tìm nguồn xã hội hóa hỗ trợ các VĐV, phối hợp với các trường học đưa bộ môn vào học đường để tìm kiếm những nhân tố mới cho đội tuyển, tổ chức các chương trình đào tạo HLV, trọng tài, hướng dẫn viên cơ sở...

Trong năm qua, Liên đoàn Hockey TPHCM còn ký kết hợp tác cùng Liên đoàn Hockey Kuala Lumpur (Malaysia) để thúc đẩy sự phát triển và nâng cao trình độ VĐV cũng như học hỏi thêm những cách làm hay để có thể lan tỏa phong trào khắp cộng đồng. Đáng chú ý, Học viện Hockey đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam là bước tiến quan trọng trong việc định hướng bộ môn bài bản, chuyên nghiệp hóa.

NGUYỄN ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/suc-song-moi-cac-mon-the-thao-du-nhap-dinh-vi-cho-dung-post777186.html