Sức sống mới cho lý luận phê bình văn học: Sự 'thiếu hụt' nhìn từ giải thưởng
Một cái nhìn lướt về các mùa giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục nghiên cứu phê bình những năm gần đây cũng đủ dẫn gợi hình dung về sự hiện diện sinh động của địa hạt đặc biệt này trong không gian văn học hiện thời.
Mùa giải năm 2021, ở hạng mục nghiên cứu phê bình có 15 tác phẩm dự giải hợp lệ để hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam xem xét. Nhìn tổng thể, mặt bằng chất lượng các tác phẩm nghiên cứu phê bình dự giải là khá cao, trong đó nổi lên nhiều cuốn vốn gây được chú ý trong văn giới ngay từ khi vừa được ấn hành.
Chẳng hạn, “Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi” của Đoàn Ánh Dương là một biên khảo công phu, giàu chủ kiến, giàu chất "văn", về văn học và xã hội Việt Nam sau đổi mới - một “thời đại” mới của lịch sử văn học dân tộc. Biên khảo trình ra một cái nhìn “nội - ngoại quan” về văn học. Có nghĩa, đây không đơn thuần chỉ như kết quả tìm hiểu một loại hình nghệ thuật đặc thù (nghệ thuật ngôn từ), mà còn nhận thức văn học như là một sự kiện xã hội và hiện tượng văn hóa (đặt văn học trong tình thế chuyển đổi). Cuốn sách trở thành công trình chuyên sâu vạm vỡ giải phẫu về những chuyển dịch của văn học trong sự liên can tất yếu biện chứng với không gian lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội cùng thời.
Cuốn sách “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” của Trương Đăng Dung đã chinh phục sâu sắc những người hữu trách, giành phiếu tuyệt đối ở cả hai vòng xét giải: Vòng hội đồng chuyên môn và vòng Ban chấp hành, để được vinh danh một cách xứng đáng tại Lễ trao Giải thưởng của Hội năm 2021.
Cuốn sách có độ sâu của tri thức khoa học, độ mới của những lý thuyết hiện đại/ hậu hiện đại, độ mở của tư duy phản biện, chất vấn, khơi mở đối thoại... trên hành trình suy niệm truy vấn mang tính triết học về đặc trưng bản thể của văn bản văn học, về cơ chế tạo nghĩa của văn bản văn học trong quan hệ với người đọc. Cái phẩm tính vừa duy học thuật vừa duy mỹ nơi chủ thể mang đến cho bạn đọc những trang viết vừa đẫm trĩu hàm lượng chuyên môn vừa phát sáng vẻ đẹp ngôn từ...
Ở mùa giải năm 2022, cũng có gần 20 tác phẩm nghiên cứu phê bình dự giải hợp lệ, tuy nhiên, sau nhiều cân nhắc, hội đồng chuyên môn đã mạnh dạn đề nghị Ban chấp hành để trống giải thưởng hạng mục nghiên cứu phê bình.
Năm 2023 có thể nói là năm bung trổ khá ấn tượng của lĩnh vực nghiên cứu phê bình. Hội đồng chuyên môn của Hội nhận được 20 tác phẩm dự giải hợp lệ, với mặt bằng chất lượng khá cao. Một trong những cuốn sách gây nhiều ấn tượng hơn cả ở mùa giải này là “Dòng chảy lấp lánh” của Thanh Tâm Nguyễn.
Làm nên cái mùi chữ, vân chữ độc sáng của Thanh Tâm Nguyễn chính là một giọng nghiên cứu phê bình rất đỗi tự - nhiên - chân - thành, mà "giọng” này có được lại chính là nhờ tiêu - cự - gần, điểm - nhìn - bên - trong của chủ thể nghiên cứu phê bình. Sáng tác cho tuổi trăng non thì đã có một “dòng chảy lấp lánh” hợp lưu cùng dòng chảy lịch sử văn học dân tộc, nhưng nghiên cứu phê bình về dòng chảy lấp lánh phơi mở những “bí mật tuổi trăng non” này thì có thể nói Thanh Tâm Nguyễn là một trong những người đầu tiên.
Thanh Tâm Nguyễn chuyên chú vào một địa hạt duy nhất: Mảng văn học viết về và viết cho thiếu nhi. Chị đã sống cùng mảng văn học này, bao sân chiếm sóng mảng văn học này, say mê hứng khởi, tận tâm tận lực nghiên cứu phê bình về mảng văn học này để tạo nên một “dòng chảy lấp lánh” trong đời sống nghiên cứu phê bình văn học hôm nay.
“Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” của Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương đã thắng giải thuyết phục ở mùa giải 2023. Cuốn sách này nhằm đến cấu trúc động của trường văn học Việt Nam thời thuộc địa, cho thấy sự công phu, nhiệt hứng, sự làm chủ tư liệu, làm chủ lý thuyết, tư duy độc lập, mạch lạc, sắc sảo... của các tác giả. Công trình có khả năng truyền cảm hứng, có ý nghĩa phản tỉnh các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ, về việc hướng đến tính chuyên môn, chuyên nghiệp, tính khai mở... một khi đã dấn thân vào con đường nghiên cứu phê bình văn học.
Năm 2024, hội đồng chuyên môn của Hội nhận được 19 tác phẩm dự giải hợp lệ. Sau nhiều bàn thảo, hội đồng đã thống nhất đề nghị Ban chấp hành trao giải thưởng cho chuyên luận “Lý luận phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975: Tiếp nhận & ứng dụng” của Trần Hoài Anh. Công trình của Trần Hoài Anh là nỗ lực tìm tiếng nói tri âm đối với nền văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, một thực thể hiện hữu trong đời sống văn học dân tộc, làm nên sự đa dạng, phong phú cho nền văn học nước nhà trong tiến trình vận động và phát triển.
Tuy nhiên, nhìn vào những tác phẩm được chọn trao giải, dễ nhận thấy có sự thiếu hụt những tác phẩm nghiên cứu phê bình đủ sức “sống với văn học cùng thời" (tên một tập tiểu luận của Lại Nguyên Ân). Công chúng đòi hỏi các nhà nghiên cứu phê bình, bên cạnh “nghiên cứu” những vùng mảng hoặc hàn lâm, hoặc thuộc về "thì quá khứ", thì đồng thời gia tăng “phê bình” những hiện tượng văn học của “thì hiện tại”. Nghĩa là, rất cần một nền phê bình sinh sắc, đủ sức song hành và đối thoại với thực tiễn sáng tác luôn trương nở xanh tươi.