Sức sống mới cho lý luận phê bình văn họcĐịnh hướng những giá trị đích thực
Nhận diện những thành tựu và cả những hạn chế để từ đó có những giải pháp đưa lý luận phê bình văn học hôm nay phát triển hơn, theo kịp sự phát triển của đời sống văn học, Hànôịmới Cuối tuần giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia, nhà lý luận phê bình.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương:
Cần đổi mới thể chế quản lý văn hóa nghệ thuật
Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, lý luận phê bình văn học sau 1975 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.
Mặc dù số lượng đội ngũ lý luận, phê bình văn học khá đông đảo nhưng còn hạn chế về năng lực và trình độ, đặc biệt là khả năng cập nhật thành tựu mới của khoa học xã hội và nhân văn hiện đại. Lực lượng viết phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại các đại học, viện nghiên cứu ở các đô thị lớn nhưng thưa vắng, thậm chí “trắng địa bàn” ở các địa phương xa trung tâm. Việc giới thiệu các khuynh hướng, các công trình học thuật thế giới còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Nhiều công trình lý luận, phê bình vẫn tiếp cận văn học bằng kinh nghiệm cũ, bình tán, giảng giải theo mô hình truyền thống.
Tình trạng phê bình cánh hẩu, thù tạc hoặc viết theo đặt hàng của thị trường, PR, biến phê bình thành quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Đây là hiện tượng cần được cảnh báo/ ngăn chặn kịp thời vì đây là lối phê bình vô thưởng vô phạt, gây nhiễu loạn trong thẩm định, đánh giá. Trong trường hợp này, vai trò định hướng dư luận của phê bình bị triệt tiêu, đời sống tiếp nhận văn học bị méo mó, biến dạng, các giá trị văn học đích thực bị bỏ rơi, không đến được với người đọc.
Tinh thần đối thoại chưa được phát huy triệt để trong các sinh hoạt học thuật. Văn hóa tranh luận nhiều lúc bị vi phạm. Hiện tượng quy chụp, “bỏ bóng đá người” vẫn chưa chấm dứt. Không ít cây bút phê bình sớm bỏ nghề vì “tai nạn nghề nghiệp” hoặc bị chụp mũ một cách phi lý.
Để lý luận, phê bình văn học có thể đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn văn học trong giai đoạn mới, tôi cho rằng cần tăng cường đổi mới nhận thức về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, vai trò, sứ mệnh của lý luận, phê bình văn học trên nền tảng mỹ học Mác - Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời kết hợp hài hòa việc kế thừa tinh hoa văn học dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Hai là chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà lý luận, phê bình. Phải coi việc không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ lý luận, phê bình là yếu tố cốt tử để có được những công trình khoa học xuất sắc, tầm cỡ.
Ba là tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chú trọng “đầu vào” và “đầu ra” trong tiếp nhận và quảng bá văn học. Phải coi đây là cách thức hiệu quả để văn học Việt Nam tiến ra thế giới một cách hiệu quả.
Bốn là tăng cường tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật, làm lành mạnh văn hóa tranh luận, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cây bút lý luận, phê bình.
Năm là đổi mới thể chế quản lý văn hóa nghệ thuật, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến văn nghệ, có chính sách đầu tư thích đáng đối với những công trình khoa học trọng điểm song song với việc đẩy mạnh xã hội hóa nghệ thuật.
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam:
Nhà phê bình đừng tự đánh mất vai trò “ngự sử”
Cùng với sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của đất nước trong suốt 50 năm qua, văn học Việt Nam sau 1975 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Trong lĩnh vực lý luận, phê bình, ý thức đổi mới tư duy nghiên cứu và nỗ lực hiện đại hóa lý luận, phê bình đã giúp cho đời sống lý luận, phê bình có nhiều khởi sắc. Sự thay đổi nhãn quan khoa học, việc mở rộng tiêu chí đánh giá giá trị trên nền tảng nhân văn hiện đại đã giúp cho lý luận, phê bình dần thoát khỏi lối phê bình áp đặt, máy móc, giáo điều. Về tổng thể, lý luận, phê bình văn học Việt Nam đương đại lấy mỹ học Marxist, đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đồng thời chú trọng việc mở rộng biên độ nghiên cứu và phương thức tiếp cận trên cơ sở kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc và những thành tựu khoa học xã hội và nhân văn hiện đại của thế giới. Nhiều tư tưởng mỹ học và lý thuyết văn học hiện đại của phương Tây đã được dịch, giới thiệu, vận dụng một cách hiệu quả... Đây là những cú hích quan trọng để lý luận, phê bình văn học có sự đổi mới thực sự, từng bước hội nhập với trình độ nghiên cứu văn học của khu vực và quốc tế.
Số lượng xuất bản phẩm văn học, cả sáng tác và lý luận, phê bình từ sau 1975 là vô cùng phong phú về chủng loại, tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn về chất lượng. Phê bình cánh hẩu, thù tạc hay PR tác phẩm một cách dễ dãi là biểu hiện của tình trạng thương mại hóa trong lĩnh vực phê bình. Trong trường hợp này, nhà phê bình đã tự đánh mất vai trò “ngự sử” của mình và góp phần tạo nên sự loạn chuẩn, lệch chuẩn trong đánh giá và thưởng thức nghệ thuật.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa:
Còn hiếm tác phẩm lý luận phê bình chuyên sâu
Có thể nói, nhìn nhận lực lượng phê bình thời gian qua, có thể thấy đội hình nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x đã “ra sân” khá ấn tượng, thuyết phục. Các công trình đã xuất bản của họ tiếp cận và nhập cuộc khá nhanh nhạy với những lý thuyết mới mẻ và dường như “bao sân” văn học.
Dễ nhận thấy, các nhà nghiên cứu phê bình nữ nói chung và thế hệ nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x nói riêng đã phát huy thiên tính nữ của mình khi làm nghề. Họ soi chiếu và giải phẫu các hiện tượng văn học nhiều khi bằng “điểm nhìn bên trong”, “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Họ cẩn trọng, chừng mực trong việc đưa ra nhận định, đánh giá. Văn nghiên cứu phê bình của họ tinh tế, nhẹ nhàng, mềm mại.
Mặt khác, cũng dễ nhận ra những hạn chế của các nhà nghiên cứu phê bình nữ. Văn nghiên cứu phê bình của họ thường khi tròn trịa, “phải đạo”, thiếu giọng, ít góc cạnh, ít cá tính. Rất nhiều người trong số tác giả nghiên cứu phê bình nữ 7x, 8x không phải là nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp với nghĩa là chuyên tâm chuyên chú, xuất hiện thường xuyên đều đặn trên các diễn đàn. Những đầu sách đã xuất bản của các nhà nghiên cứu phê bình “không chuyên” này đa phần được “chuyển thể” từ luận văn, luận án, đề tài khoa học của họ. Vì “tiền thân” là luận văn, luận án, đề tài, nên những cuốn sách đó không nhiều hàm lượng tư kiến, chủ kiến, “của riêng” tác giả; nặng về hàn lâm nghiên cứu, ít bay bổng thăng hoa phê bình. Trong số nhà nghiên cứu phê bình 7x, 8x có thể gọi là chuyên nghiệp thì cũng rất hiếm người đủ chuyên sâu và thành tựu để có thể gọi là chuyên gia về một lĩnh vực hẹp nào đó...