Sức sống mới Mường Chanh

Sau 'giấc mơ' kéo dài hơn thập kỷ, Mường Chanh cuối cùng cũng cán đích thành công xã nông thôn mới (NTM).

Một góc Mường Chanh.

Một góc Mường Chanh.

Về Mường Chanh vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, khi không khí mùa xuân đã căng tràn vạn nẻo. Và niềm vui như càng được nhân lên gấp bội khi gặp được ngày hội lớn: Lễ đón nhận xã Mường Chanh đạt chuẩn NTM. Để lần trở về này khiến lòng người càng thêm hân hoan, phấn khởi trước sự đổi thay của Mường Chanh - xã NTM đầu tiên của Mường Lát. Trên con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã, ngập sắc đỏ rực rỡ của cờ Tổ quốc, cùng sắc trắng của hoa mận, điểm trên nền xanh của đại ngàn trùng điệp. Những nếp nhà sàn san sát, những công trình dân sinh được xây dựng khang trang... Tất cả đã gợi nên một “màu” sự sống mới trên mảnh đất này.

Vừa sải bước trên con đường bê tông vừa kể cho chúng tôi về Mường Chanh hơn 10 năm trước với muôn vàn khó khăn, Bí thư Chi bộ bản Cang, Lương Văn Lương không khỏi bùi ngùi: “Ngày ấy muốn đến bản Cang bằng xe máy thì vừa phải khéo léo vừa phải mạnh mẽ vượt qua những con đường đất đỏ dốc cheo leo. Vào những ngày mưa kéo dài nhiều đoạn đường lầy lội, thậm chí sạt lở, không ít thời điểm giao thông chia cắt, bà con không thể đi ra huyện. Khó khăn đâu chỉ vậy, người dân chủ yếu dựa vào sản xuât nông, lâm nghiệp mà đất sản xuất lại hạn chế, điện và thông tin liên lạc không có. Trong khi đó, thời tiết lại khắc nghiệt. Vất vả lắm".

Mảnh đất nghèo vùng biên trong ký ức của cô giáo mầm non Lương Thị Quế vẫn luôn hiện hữu: “Tôi không thể quên được cái cảnh vượt qua những con đồi lắt léo đến từng nhà, từng thôn để vận động dân bản cho con em ra đi học. Trẻ con Mường Chanh trước đây bỏ học nhiều lắm, nhìn chúng tội lắm. Mường Chanh nay đã đổi khác nhiều lắm. Đường đến trường thuận tiện hơn, không còn cảnh trẻ phải gian nan vượt núi, băng rừng. Không còn trẻ bỏ học giữa chừng. Nhân dân ai cũng cho em ra lớp đúng độ tuổi”.

Không chỉ trong ký ức của người dân nơi đây, mà trong kí ức của những người khách phương xa, Mường Chanh hơn 10 năm trước là một xã nghèo, khó khăn về mọi mặt. Không những vậy, nơi đây còn thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão, lũ quét. Nhiều tuyến đường, công trình, khu dân cư được đầu tư nhưng rồi cũng trở nên hoang tàn sau những trận lũ quét, sạt lở. Đời sống Nhân dân gặp vô vàn khó khăn, vất vả, hạn chế về thông tin liên lạc, tiếp cận thông tin, văn hóa, y tế.

Người dân Mường Chanh tươi vui trong Lễ đón nhận xã Mường Chanh đạt chuẩn NTM.

Người dân Mường Chanh tươi vui trong Lễ đón nhận xã Mường Chanh đạt chuẩn NTM.

Mường Chanh là một trong những vùng đất biên giới xa xôi, khó khăn nhất của huyện Mường Lát được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm (tháng 9/2011). Từ cuộc gặp gỡ với lãnh đạo địa phương và đồng bào, Tổng Bí thư đã định hướng chọn Mường Chanh làm xã điểm thoát nghèo, gắn với xây dựng NTM ở khu vực biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Từ xã khó khăn nhất, xa nhất hoàn thành được mục tiêu về đích NTM sẽ trở thành động lực để các địa phương khác phấn đấu về đích NTM.

Thực hiện mong muốn của Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đề ra mục tiêu, phấn đấu năm 2030 Mường Lát thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo; đến năm 2045, kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân chung của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 538/QĐ-UBND tỉnh ngày 02/3/2012 về việc phê duyệt đề án xây dựng xã Mường Chanh, huyện Mường Lát thành xã điểm thoát nghèo gắn với xây dựng NTM đến năm 2015”.

Để hiện thực hóa nội dung của Nghị quyết và Quyết định của tỉnh, cấp ủy chính quyền, MTTQ các cấp và các đoàn thể huyện Mường Lát tập trung tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong huyện. Đồng thời, vận động người dân không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; khuyến khích người dân chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng các đề án, chương trình về củng cố, xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho Nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế trên địa bàn huyện.

Nhớ về những năm tháng xây dựng NTM, Chủ tịch MTTQ xã Mường Chanh, Lương Thị Sơ cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Mường Chanh gặp muôn vàn khó khăn và thiếu thốn. Nhận thức của người dân về xây dựng NTM còn hạn chế. Các tiêu chí đạt chuẩn theo quy định chỉ ở mức 3/19 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, không đồng bộ, lại thường xuyên bị thiên tai tàn phá. Đặc biệt, năm 2018, 2019 xã đã chịu ảnh hưởng nặng nề của hai trận lũ lịch sử, khiến nhiều công trình bị cuốn trôi và khiến những thành quả cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương tạo dựng trong quá trình xây dựng NTM gần như trở về vạch xuất phát”.

Một góc Mường Chanh.

Một góc Mường Chanh.

Dù bao khó khăn bủa vây, song, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Mường Chanh vẫn đồng lòng, đoàn kết tiếp tục bắt tay thực hiện xây dựng NTM. Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và hành động của Nhân dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, chú trọng triển khai, lồng ghép các chương trình dự án; thực hiện xây dựng liên kết sản xuất giữa các hộ dân; làm đường giao thông, cải thiện vệ sinh môi trường, xóa nhà tranh tre dột nát... Cùng với đó, xã đã phối hợp với các đoàn thể chính trị, các cơ quan đóng trên địa bàn phát động và triển khai các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM, thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, lực lượng vụ trang còn đưa người về cắm bản, cùng ăn cùng ở, trực tiếp tuyên truyền vận động, hướng dẫn Nhân dân phát triển, sản xuất chăn nuôi, tham gia các phong trào của địa phương.

Sau gần 15 năm vượt khó, xã Mường Chanh đã cán đích NTM, để Mường Lát không còn là huyện “trắng” xã NTM. Đến nay, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Kinh tế có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, xuất hiện một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho Nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,41 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 11,73%. Nhận thức của người về chủ động phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào được nâng lên rõ rệt.

Chủ tịch xã Mường Chanh, Bùi Văn Nhân chia sẻ: “Với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành địa phương, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương trong tỉnh; đặc biệt là sự quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, xã Mường Chanh đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghệm, hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì các tiêu chí NTM đã đạt được và đưa xã Mường Chanh tiến xa hơn”.

Mường Chanh khi chúng tôi rời đi, niềm vui và tiếng cười vẫn còn đong đầy dưới mỗi nếp nhà. Để trong không khí xuân tươi mới, Mường Chanh với sức sống mới sẽ càng thêm vững tin để bước về phía tương lai tươi đẹp.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/suc-song-moi-muong-chanh-238031.htm