Sức sống mới nơi đầu nguồn biên giới Tây Giang
Vốn là một căn cứ địa cách mạng, những năm gần đây, A Nông đã thay da đổi thịt, là xã biên giới đầu tiên hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Gần lại với A Nông
Già làng Arâl Đúch (thôn A Nol, xã A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) mơ màng nhìn về phía nhà Gươl của làng, nơi này sau nhiều năm định canh, định cư theo chủ trương của Nhà nước và sự hỗ trợ của chính quyền, sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng A Nông, BĐBP Quảng Nam đã thực sự là chốn an cư của người Cơ Tu trên mảnh đất này.
Từ một xã mới chia tách từ xã A Tiêng (huyện Tây Giang) năm 1999 với muôn vàn khó khăn thiếu thốn, không đường, không điện, không trường, không trạm; tỷ lệ hộ đói nghèo trên 80%, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn hạn chế. Năm 2014, A Nông là xã biên giới đầu tiên được công nhận xã NTM của huyện Tây Giang. Đến nay, xã đã đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất như: Điện, đường, trường, trạm, mặt bằng bố trí dân cư, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Hiện nay, 100% người dân có điện sinh hoạt, có nước sạch để sử dụng. Cùng với đó, khoảng 80ha ruộng sản xuất lúa nước theo mô hình của Đồn Biên phòng A Nông đã được triển khai. Đời sống người dân được cải thiện, bình quân thu nhập đầu người đạt 23,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 49,4% (năm 2015) xuống còn 5,7% (năm 2021), đời sống văn hóa được bảo tồn và phát triển. Trong những năm qua, người dân hiến hơn 7,5ha đất, trị giá hơn 15 tỷ đồng và hơn 5.000 ngày công để di dời nhà cửa, làm đường bê tông, kênh mương thủy lợi.
Nhiều năm liền, xã A Nông đã được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đặc biệt, năm 2000, xã A Nông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2013, địa phương này được Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích trong phong trào thi đua xây dựng NTM. Đặc biệt, làng Anonh nằm sát biên giới Việt – Lào được công nhận là làng NTM kiểu mẫu năm 2015. Bà con Cơ Tu của làng đã đạt thành tích xuất sắc, đó là 14 năm liền, các hộ gia đình ở đây thực hiện nếp sống văn minh, không có gia đình sinh con thứ ba. Đồng bào Cơ Tu nơi đây đã xóa được tập tục lạc hậu “trọng nam, khinh nữ”.
Anh Yđêl Pía, nguyên Trưởng thôn Anonh chia sẻ: “Nhờ các cơ quan, đoàn thể, trong đó có Đồn Biên phòng A Nông tuyên truyền, vận động người dân về việc sinh đẻ có kế hoạch nên đã thay đổi được suy nghĩ bao đời nay của người Cơ Tu nơi đây. Thôn Anonh có 52 hộ dân với 215 nhân khẩu, là thôn điển hình của xã A Nông trong việc thực hiện nếp sống văn minh. Cấp ủy và chính quyền xã A Nông đã phát động phong trào các thôn khác trong xã học theo bà con thôn Anonh!”.
Giữa gió núi mây ngàn Trường Sơn hùng vĩ, cộng đồng dân tộc người Cơ Tu ở xã A Nông bao đời nay gắn bó bên nhau, trở thành “phên dậu” nơi địa đầu hiểm yếu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội ta đã được đồng bào Cơ Tu đùm bọc, chở che, nhường cơm sẻ áo. Họ đoàn kết, đồng lòng, góp sức người, sức của cùng cả dân tộc đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước. Và cho đến nay, trong công cuộc xây dựng NTM, đồng bào Cơ Tu nơi đây lại phát huy truyền thống cách mạng cùng BĐBP xây dựng biên giới thêm giàu đẹp.
Xanh thêm những màu xanh
Sau gần 25 năm tách xã và đổi mới, trên chặng đường phát triển của mình, A Nông đã gặt hái được những thành tựu đáng kể. Đây là xã đầu tiên của huyện Tây Giang thực hiện thành công chương trình NTM với mức độ hoàn thành 15/19 tiêu chí, đứng đầu danh sách những xã tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh. Đảng ủy, chính quyền xã A Nông đã tập trung chỉ đạo ban hành nghị quyết, chương trình hành động phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phân công, gắn trách nhiệm của các cán bộ, công chức xã trực tiếp phụ trách các thôn, bản để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế và tiêu chí giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Bây giờ, xã biên giới A Nông đang thật sự đổi thay. Làng nối làng khang trang, sạch đẹp, với một cuộc sống bình yên, no đủ. Có được sự đổi thay như trên, ngoài sự nỗ lực của người dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến bản, không thể không kể đến những đóng góp miệt mài của những người lính Đồn Biên phòng A Nông. Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phụ trách, cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn tích cực giúp đỡ chính quyền và người dân trên địa bàn.
Chịu trách nhiệm quản lý 4 xã A Nông, Bha Lê, A Tiêng và Lăng, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Nông đã giúp hàng trăm ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn, khai hoang đồng ruộng. Công tác tuyên truyền, vận động ở A Nông nói riêng và Tây Giang nói chung được thực hiện dưới nhiều hình thức, như tổ chức họp dân và vận động từng hộ, thôn tham gia phong trào xây dựng NTM.
Thượng tá Trần Minh Tấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Nông cho biết, thông qua các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia. Diện mạo nông thôn của xã biên giới A Nông ngày một khởi sắc. Người dân được giải quyết cơ bản nhu cầu về giao thông, nước sinh hoạt và sản xuất; từng bước giúp nhân dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Bà con dân bản không có ai vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tinh thần cảnh giác của đồng bào được nâng cao. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới ngày một tốt hơn. Thế trận lòng dân, nền biên phòng toàn dân không ngừng được củng cố vững chắc.