Sức sống mới ở chiến khu xưa
Một mùa Thu nữa lại về trên vùng đất chiến khu cách mạng. Những địa danh Tân Trào (Sơn Dương), Kim Quan (Yên Sơn)... từng vững vàng chở che, nuôi giấu cách mạng hôm nay đã bừng lên một diện mạo mới, khang trang hơn, giàu đẹp hơn, sung túc, ấm no hơn.
Đổi thay chiến khu xưa
Về Tân Trào thời điểm này, ai ai cũng cảm nhận được sự đổi thay trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các bản làng người dân tộc Tày, Nùng, Dao... Những ngôi nhà sàn, nhà xây kiên cố thấp thoáng, ẩn mình trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng, những con đường bê tông, trải nhựa như dải lụa nối liền giữa các thôn. Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Đức Soài khoe, toàn xã giờ không còn đường đất, 100% đường thôn, 60% đường nội đồng đã được cứng hóa, riêng đường trục xã đủ cho 4 làn xe chạy, đã đáp ứng đường tiêu chuẩn đô thị loại V. Tân Trào cũng không còn nhà tạm, 100% đã được kiên cố. Nhớ lại, khoảng 10 năm về trước, khi bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM, tỉnh phải tăng cường, huyện đôn đốc, cán bộ cầm tay chỉ việc thì giờ đây người dân đã thay đổi tư duy, đúng nghĩa là chủ thể xây dựng NTM.
Để minh chứng những điều mình nói, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đức Soài dẫn chúng tôi về thôn Cả, Tân Lập. Cách đây 7-8 năm trước, người dân ở đây chỉ biết đến ruộng đồng, hết vụ là ngồi chơi, giờ đây bà con nhạy bén, khai thác tối đa lợi thế phát triển ngành nghề dịch vụ. Thôn Cả thời đó mặc dù là thôn trung tâm nhưng cũng không quá 20 quầy hàng buôn bán nhỏ lẻ nhưng giờ cửa hàng, cửa hiệu quy mô mọc lên san sát sánh ngang với phố huyện. Ông Viên Ngọc Ánh, trưởng thôn Cả cho biết, thôn có 300 hộ, có đến 100 hộ kinh doanh, làm dịch vụ với doanh thu từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/năm.
Với thôn Tân Lập, sau khi được hỗ trợ xây dựng mô hình Làng Văn hóa du lịch lịch sử, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển dịch vụ bán hàng lưu niệm, Homestay nghỉ dưỡng...Sự nhạy bén, chủ động của người dân Tân Trào đã mang lại cuộc sống sung túc cho chính mình.
Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Đức Soài, trên 80% hộ dân xã có mức sống từ trung bình đến khá, giàu; thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt con số 52,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với thời điểm xây dựng NTM.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng đã đánh thức vùng đất Kim Quan (Yên Sơn) sau một giấc ngủ dài. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Quan Trọng Văn Vĩnh bảo, thời điểm xây dựng NTM, xã chỉ đạt 8/19 tiêu chí, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, thu nhập bình quân đầu người khoảng 19 triệu đồng/năm. Song với sự hỗ trợ của các đơn vị, cộng với sự tiên phong, gương mẫu của các đảng viên, Kim Quan đã thực sự thay da đổi thịt. Quan trọng nhất là người dân đã mạnh dạn hơn trong việc đưa vào những cây trồng, con vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao mà không còn e ngại, "sợ" không làm được nữa. Những thức cây "lạ” như dưa chuột, ớt, ngô sinh khối, chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa...
Anh Nguyễn Trung Nghĩa, thôn Làng Hản phấn khởi cho biết, năm 2021 được sự hỗ trợ của tỉnh, Chương trình dân tộc và miền núi anh mạnh dạn đầu tư chăn nuôi đại gia súc với quy mô 100 - 130 con trâu, bò thịt, sinh sản và chế biến gỗ rừng trồng. Mô hình kinh tế của anh Nghĩa đang khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động.
Bừng sáng chiến khu cách mạng
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Quan (Yên Sơn) Trọng Văn Vĩnh khẳng định, giữ vững tiêu chí xây dựng NTM, Kim Quan tiếp tục tranh thủ tối đa ngoại lực, huy động nội lực nâng cao chất lượng các tiêu chí hạ tầng, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí OCOP gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; hình thành các chuỗi sản xuất hàng hóa: chè, chăn nuôi gia súc, chế biến gỗ rừng trồng theo hướng bền vững... Phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người từ 44,5 triệu đồng/người/năm hiện nay lên trên 47 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2023. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trọng Văn Vĩnh tin, với truyền thống quê hương cách mạnh, tâm thế chủ thể của công cuộc xây dựng NTM, nhân dân Kim Quan không những hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm nay và trở thành NTM kiểu mẫu trong tương lai gần.
Chủ tịch UBND xã Tân Trào (Sơn Dương) Hoàng Đức Soài cũng khẳng định, xét về tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu Tân Trào đã tiệm cận chuẩn, tuy nhiên thực hiện mục tiêu chung của tỉnh, huyện và mơ ước của người dân Tân Trào là vươn tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Điều này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực, bởi dự án nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp du lịch trải nghiệm văn hóa Flamingo Tân Trào đã được triển khai.
Ông Đỗ Cao Cường, Giám đốc dự án Flamingo Tân Trào cho biết, dự án được xây dựng trên diện tích 25 ha, bao gồm các khu: shophouse, homestay, cùng tổ hợp khách sạn tiêu chuẩn 5 sao có kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại... Tính đến 5 - 8, dự án đã hoàn thiện hạ tầng đường, điện, thảm mặt bằng. Chắc chắn quý 1-2024 dự án sẽ đưa vào sử dụng.
Dự án nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp du lịch trải nghiệm văn hóa Flamingo Tân Trào được xây dựng kết hợp với các hoạt động du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái... đang được thực hiện, đặc biệt với sự chủ động, nhạy bén của người dân, chắc chắn Tân Trào bừng sáng không chỉ trên bình diện NTM mà sẽ là trung tâm du lịch, dịch vụ của cụm khu vực ATK. Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Đức Soài tự tin khẳng định.