Sức sống mới ở làng quê Thiện Chánh

Đến thôn Thiện Chánh, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét trên vùng quê cách mạng này. Sắc xanh sinh sôi, màu vàng no ấm, những con đường bê tông trải dài tít tắp… là minh chứng cho sự năng động của cấp ủy, sự đồng lòng của người dân trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tế của địa phương.

 Một góc thôn Thiện Chánh nhìn từ trên cao

Một góc thôn Thiện Chánh nhìn từ trên cao

Với người dân xã Cam Thủy nói chung và thôn Thiện Chánh nói riêng, kí ức, niềm tự hào về những tháng ngày sục sôi chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của quê hương luôn sống mãi. Niềm tin tất thắng ấy như ngọn lửa trong trái tim của mỗi người, hâm nóng nhiệt huyết, ý chí để quyết tâm xây dựng, gìn giữ một cuộc sống hòa bình, no ấm. Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thiện Chánh Lê Thảo, cũng là một cao niên trong làng không giấu được niềm tự hào, cho biết: “Trước Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây đã trở thành căn cứ địa cách mạng, nhân dân Thiện Chánh đã đoàn kết một lòng, kiên cường đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Thiện Chánh tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng, kiên cường chiến đấu chống giặc, bảo vệ quê hương và động viên con em tham gia bộ đội, thanh niên xung phong chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Hiện nay, trên địa bàn thôn có khu tưởng niệm và bia chứng tích ghi danh 16 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong trận đánh từ ngày 15 đến 16/10/1964 tại thôn Thiện Chánh. Trong trận chiến đấu này, Phân đội Công an nhân dân vũ trang 23 và tiểu đội do Thiếu úy Lê Văn Quang chỉ huy đã tiêu diệt 84 tên địch và nhiều xe cơ giới, 16 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Tất cả các chiến sĩ đều được truy tặng liệt sĩ và Tiểu đội trưởng Lê Văn Quang, liệt sĩ Trần Công Tiện được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 3/8/1995. Đây là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, bước vào thời kì đổi mới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song chi bộ và nhân dân thôn Thiện Chánh đã không ngừng nỗ lực, vươn lên trong mọi lĩnh vực. Người dân tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thi đua thực hiện các phong trào địa phương. Thôn Thiện Chánh hiện có 53 hộ với 198 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu của người dân dựa vào nông nghiệp và trồng rừng, cây công nghiệp. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, nhân dân Thiện Chánh đã từng bước chuyển đổi cơ cấu, thành phần kinh tế cho phù hợp trong thời kì mới. Phát triển mạnh, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất và dịch vụ, trong đó chú trọng đến việc phát triển kinh tế rừng. Người dân trong thôn tham gia tích cực các lớp tập huấn, hội thảo, vay vốn ngân hàng, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh nên năng suất tăng cao. Hiện toàn thôn có 250 ha rừng trồng các loại, trong đó rừng tràm 180 ha, hồ tiêu 15 ha, cao su 40 ha, các loại cây trồng khác 15 ha và đàn gia súc, gia cầm trên 800 con. Nhờ đó, đời sống của người dân trong thôn đã được cải thiện đáng kể. Toàn thôn có trên 70% số hộ có rừng trồng, nhờ phát triển kinh tế rừng mà thu nhập của các hộ tăng đều qua các năm. Tiêu biểu phải kể đến hộ các ông Lê Thụy, Lê Quyết Thắng, Lê Hữu Kính trồng trên 10 ha cao su tiểu điền và rừng kinh tế, cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/hộ/năm. Bên cạnh đó, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, mua sắm máy móc để khai thác, vận chuyển gỗ, chăm sóc rừng trồng. Nhờ biết phát huy thế mạnh, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất và dịch vụ, thôn Thiện Chánh đã giải quyết được việc làm, nâng cao đời sống cho người dân; nâng mức thu nhập bình quân lên gần 25 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,7%.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, các công trình phúc lợi ở thôn Thiện Chánh được chú trọng đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn thôn có trên 45 căn nhà được xây dựng bán kiên cố, không có nhà tạm bợ dột nát, 100% hộ gia đình sử dụng điện, 80% gia đình có công trình phụ hợp vệ sinh, 90% gia đình có giếng nước, 98% gia đình có phương tiện nghe nhìn và sử dụng điện thoại di động, người dân trong độ tuổi lao động đều sắm được xe máy phục vụ đi lại. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng trong làng ngày càng được quan tâm đúng mức. Hệ thống giao thông được nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng, trục đường liên thôn Thiện Chánh - Tân Xuân được nhựa hóa, các trục đường làng đã được bê tông hóa. Thôn đã xây dựng được nhà văn hóa, sân bóng, đình làng.… Những công trình mới được xây dựng đã làm cho bộ mặt thôn Thiện Chánh thay da đổi thịt. Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng. Các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… được kiện toàn vững mạnh, thực sự là cầu nối giữa Đảng và nhân dân. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ đảng luôn được khẳng định. Công tác quản lí, điều hành của ban cán sự làng được nâng lên. An ninh trật tự trên địa bàn luôn được giữ vững.

Trưởng thôn Thiện Chánh Nguyễn Trọng Nho khẳng định: “Gian khổ trong chiến đấu, khó khăn trong khôi phục, phát triển kinh tế, nhưng Thiện Chánh vẫn luôn vững vàng, bền chí vượt qua để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Từ những mô hình kinh tế, cùng với việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tin rằng người dân Thiện Chánh không chỉ nâng cao đời sống gia đình, mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn mới thêm trù phú”.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141331