Sức sống mới ở Lộc Ninh

Huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), nơi đặt cơ quan đầu não của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xưa vẫn in đậm trong ký ức của hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân từng một thời trải qua cuộc chiến tranh giữ nước hào hùng và oanh liệt. Sau 45 năm giải phóng, hơn 30 năm đổi mới, Lộc Ninh đã từng bước thay da, đổi thịt, tràn đầy sức sống, vững bước tiến đến tương lai.

Thiếu nữ các dân tộc tái hiện hình ảnh giã gạo trong ngày hội.

Thiếu nữ các dân tộc tái hiện hình ảnh giã gạo trong ngày hội.

Giữ vững truyền thống cách mạng

Trong ký ức của những cựu chiến binh, Chiến dịch Nguyễn Huệ thắng lợi đã giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh, làm nức lòng quân, dân nơi đây và mang lại niềm vui lớn cho toàn Ðảng, toàn quân và nhân dân cả nước. Từ thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ, Lộc Ninh trở thành huyện đầu tiên ở miền nam được hoàn toàn giải phóng, mở ra bước đột phá chiến lược trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tạo nên sự cổ vũ, động viên to lớn trên toàn mặt trận, góp phần tăng thêm thế và lực trên các lĩnh vực đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Lộc Ninh Hà Văn Giảng phấn khởi cho biết: Những ngày này, cả huyện tràn ngập không khí kỷ niệm 45 năm giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972 - 7-4-2017). Trên các ngả đường từ thị trấn Lộc Ninh về các thôn, ấp, khu dân cư… đỏ rực mầu cờ Ðảng, cờ Tổ quốc. Tại khu định canh, định cư xã Lộc Thành, từ nhà dân, trường học, đến nhà văn hóa đều rực rỡ cờ hoa. Những năm qua, huyện Lộc Ninh đã nỗ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có chỗ ở ổn định, có đất canh tác, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Trần Thị Bích Lệ đến nay có 188 hộ đồng bào DTTS được hưởng chương trình định canh, định cư, với đầy đủ đường giao thông, điện, giếng nước tập trung. Tại nơi định cư, mỗi hộ dân được cấp một ha đất sản xuất, hỗ trợ một căn nhà ở tại chỗ, trị giá 45 triệu đồng. Ðời sống đồng bào không ngừng được nâng cao. Anh Ðiểu Ðông, xã Lộc Thành (dân tộc Xtiêng) cho biết: "Thật biết ơn Ðảng, Nhà nước đã cho đất sản xuất phát triển kinh tế, cho chỗ ở ổn định, mang lại ấm no cho đồng bào". Còn bà Thị Lơ, 70 tuổi thì xúc động bày tỏ, lần đầu có đất, có chỗ ở ổn định, gia đình canh tác đã thu được hai vụ sắn, trừ chi phí, còn lời gần 20 triệu đồng, đời sống khá rồi.

Một điểm nhấn về giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, chung tay xây dựng nông thôn mới ở huyện Lộc Ninh thời gian qua, đó là Liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số huyên Lộc Ninh lần thứ VI - 2017 vừa được tổ chức từ ngày 29 đến ngày 31-3, nhân dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng Lộc Ninh. Ðây là Ngày hội của 13 DTTS anh em đang sinh sống trên địa bàn, do chính đồng bào làm chủ, từ nấu những món ăn truyền thống đến thưởng thức món ăn tinh thần, đã được 1.600 nghệ nhân chuyên và không chuyên đến từ các xã, thị trấn và Trường phổ thông Dân tộc nội trú thể hiện.

Trong đêm hội, khán giả được chiêm ngưỡng những bộ trang phục rực rỡ của các dân tộc anh em trong điệu múa cộng đồng vui nhộn trong tiếng trống, tiếng chiêng âm vang núi rừng. Ðây là dịp để các thế hệ chia sẻ về những tháng ngày hào hùng của quân và dân mảnh đất anh hùng cũng như quá trình xây dựng và trưởng thành vượt qua khó khăn, gian khổ, sống, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Xây dựng quê hương giàu đẹp

Là thế hệ trưởng thành sau chiến tranh, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân xúc động, suốt 45 năm qua, kể từ ngày giải phóng, Ðảng bộ, chính quyền Lộc Ninh cùng đoàn kết để từng bước ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ cách mạng, chủ động phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt, làn gió Ðổi mới mà Ðảng ta khởi xướng đến nay đã mang lại cho Lộc Ninh nhiều thay đổi lớn.

Từ một huyện vùng sâu, biên giới có tỷ lệ đói nghèo cao, đến nay toàn huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,7%; tăng trưởng kinh tế đạt hơn 13%/năm; thu nhập trung bình đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm (năm 2016); 100% số xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong đó có bảy trường đạt chuẩn quốc gia; hiện 100% số xã, thị trấn có trạm truyền thanh, 100% số ấp có cụm loa truyền thanh… Ðời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, những nét đặc trưng văn hóa các dân tộc được khơi dậy qua các lễ hội và toàn dân đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Ninh, trên địa bàn có 43,7 nghìn ha đất trồng cây lâu năm, trong đó khoảng 32 nghìn ha cây cao-su, gần năm nghìn ha điều, còn lại là hồ tiêu và cây ăn trái. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú cho biết, chỉ riêng diện tích hồ tiêu, cây trồng truyền thống của Lộc Ninh là 4,5 nghìn ha, chiếm 50% diện tích tiêu của tỉnh Bình Phước.

Từ năm 2014, nhãn hiệu tập thể "Hồ tiêu Lộc Ninh Bình Phước" đã chính thức lưu hành trong nước cũng như trên thị trường thế giới, góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng cho sản phẩm và bảo tồn các giống tiêu truyền thống có chất lượng và đặc trưng riêng, tạo thế bền vững cho hồ tiêu Lộc Ninh. Hiện tại, Lộc Ninh đã thành lập các HTX kiểu mới và tiến tới Liên minh HTX để trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, cấp vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu ra, để sản xuất bền vững và có sản phẩm tiêu sạch xuất khẩu.

Ngoài sản xuất tiêu sạch, Giám đốc HTX Quyết Chí (xã Lộc Thuận) Trần Thiện Tường cũng "bật mí" với chúng tôi, Lộc Ninh quy hoạch khoảng một nghìn ha đất để trồng bưởi da xanh, bơ sáp, vì hai loại cây này thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu của Lộc Ninh. Ðây là hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân, nhất là đồng bào DTTS. Các vườn cây ăn quả cùng với cây truyền thống như: cao-su, hồ tiêu, điều sẽ tạo thành một bức tranh kinh tế tươi sáng ở vùng biên giới huyện Lộc Ninh.

Ngoài chăm lo đời sống nhân dân, Lộc Ninh đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ đảng viên cả về lượng và chất. Nếu như năm 1979, toàn huyện chỉ có 350 đảng viên, thì đến nay, Ðảng bộ Lộc Ninh đã có hơn hai nghìn đảng viên. Ðảng bộ chính quyền và nhân dân địa phương chung sức, đồng lòng xây dựng Lộc Ninh - vùng đất phên dậu của Tổ quốc giàu đẹp và phát triển bền vững, xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến cuối tháng 3-2017, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu sửa, xây dựng 84 công trình chào mừng Ngày giải phóng Lộc Ninh. Ðáng kể nhất, là nâng cấp và xây mới tuyến đường giao thông nông thôn dài 9,6 km, với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp hơn một tỷ đồng); sửa chữa cổng chào, nhà văn hóa cộng đồng; xây hàng chục căn nhà đại đoàn kết, nhà nghĩa tình đồng đội, tình thương, mái ấm công đoàn; vận động, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, học sinh nghèo hiếu học, với kinh phí hơn 300 triệu đồng.

LÊ THẨM SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32526002-suc-song-moi-o-loc-ninh.html