Sức sống mới ở Rào Tre

Thấm thoát đã hơn mười năm, gần 40 hộ đồng bào dân tộc Chứt sống du canh, du cư tại các rẻo cao của huyện Hương Khê được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đưa về định canh, định cư tại bản Rào Tre (xã Hương Liên). Hành trình hòa nhập cộng đồng dẫu còn nhiều gian nan, nhưng với họ, cuộc sống đã đổi thay, dần ổn định, không còn bữa no, bữa đói, săn bắt, hái lượm được cái gì ăn cái nấy...

Các cán bộ Trường đại học Y Hà Nội tiến hành nghiên cứu nhân trắc học đối với người dân tộc Chứt.

Các cán bộ Trường đại học Y Hà Nội tiến hành nghiên cứu nhân trắc học đối với người dân tộc Chứt.

Chiều mưa. Ngồi trong ngôi nhà sàn nhìn xa xăm về dãy núi Ca Ðay, anh Hồ Ðình Pắc không nhớ mình bao nhiêu tuổi, nhưng khi nhắc đến thời gian sống trong rừng thì ký ức về những trận đói, trận rét triền miên, dường như bám riết, không bao giờ quên được.

Anh Pắc bảo, ngày trước khổ lắm, đến hạt muối cũng không có mà ăn. Cuộc sống của gia đình cũng như những bà con dân tộc Chứt của anh cứ nay đây, mai đó. Ở vạt rừng này được vài mùa rẫy lại chuyển sang vạt rừng khác, các gia đình chỉ biết trồng ngô, trồng chuối, đi đào củ mài để ăn. Hôm nào săn được con thú, thì đó là bữa to. Người ốm đau chỉ biết nhờ trời và thầy cúng... Cuộc sống như không có tương lai.

Thế rồi khi gặp được Bộ đội Biên phòng, cuộc sống của những người dân tộc Chứt ở các rẻo cao của huyện Hương Khê như được sang trang mới. Bộ đội đưa về định cư ở bản Rào Tre, cấp nhà, cấp lương thực, hướng dẫn cách trồng lúa, dạy chữ...

- Cuộc sống của gia đình bây giờ ra sao? Tôi hỏi.

- Ồ, bây giờ chưa sướng nhưng cũng đỡ hơn nhiều rồi. Không còn sợ đói nữa, ốm đau đã có bác sĩ khám bệnh cho thuốc. Nhà Pắc có hai con bò, mười con gà, được hướng dẫn tăng gia thêm để có tiền mua nước mắm, mì chính... Không ngần ngại, anh Pắc trả lời ngay.

Nhưng chúng tôi hiểu, để có sự "đỡ hơn" đó là cả một hành trình dài với bao khó khăn, vất vả và sự kiên trì của những người lính quân hàm xanh. Nhà Pắc chưa thuộc khá giả nhất, nhưng được xếp hàng đầu về sự ngăn nắp, sạch sẽ trong bản. Ngoài hai con bò, đàn gà, mảnh ruộng thì "gia tài" lớn nhất của gia đình anh Pắc là cô con gái Hồ Thị Ðình Xuân, đang học lớp 12 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện Hương Khê. Năm tới, sau khi tốt nghiệp hệ THPT, Xuân cũng đủ điều kiện nhận tấm bằng tốt nghiệp của Trường đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội (hệ học tập trung sáu năm).

Hôm đến thăm gia đình, chúng tôi cũng gặp Xuân, khi cô bé vừa tranh thủ về thăm nhà, rồi qua UBND xã lấy xác nhận của chính quyền địa phương để hoàn thành hồ sơ kết nạp Ðảng. Khi được hỏi dự định sau khi tốt nghiệp và đứng trong hàng ngũ của Ðảng, Xuân khẳng định: Cháu mong muốn được đem hết kiến thức đã học để góp phần xây dựng chính quê hương, bản làng của mình, giúp bà con dân tộc Chứt thêm no ấm.

Trung tá Dương Thanh Tịnh, phụ trách Tổ công tác cắm bản Rào Tre dẫn chúng tôi đi thăm vài gia đình trong bản. Với thâm niên chín năm công tác tại tổ cắm bản, anh đã "thuộc" từng hộ gia đình, cho nên anh là hướng dẫn viên khá lành nghề... Từ năm 2001, Tổ công tác bản Rào Tre được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên về mọi mặt để hòa nhập cộng đồng. Nhưng làm được điều đó không dễ vì từ bao đời nay, cuộc sống của người dân tộc Chứt chủ yếu là du canh, du cư, săn bắt hái lượm, chặt phá đốt trỉa, cuộc sống hoang dã, nhiều hủ tục, tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân bản.

Khám bệnh, phát thuốc cho người dân tộc Chứt.

Khám bệnh, phát thuốc cho người dân tộc Chứt.

Cán bộ trong tổ công tác đã thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Hằng ngày, bộ đội học tiếng dân tộc để thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động, đồng thời dạy cho bà con biết chữ tiếng Việt. Kiên trì thuyết phục, vận động, vừa nói vừa làm mẫu... dần dần, bà con gần gũi, thân thiện hơn và bắt đầu làm theo hướng dẫn của bộ đội. Ðể nâng cao dân trí cho bà con, tổ công tác tổ chức các lớp xóa mù chữ, ban đầu họ thấy bỡ ngỡ, khó khăn, không chịu đi học, anh em phải đến từng nhà, ngồi bên bếp lửa để dạy bà con. Với phương châm: mưa dầm thấm lâu, động viên từng người, sau đó tập trung từ ít đến nhiều ở các độ tuổi khác nhau, tổ chức dạy đi, dạy lại... đến nay phần lớn người dân trong bản đã biết đọc, biết viết. Không chỉ dạy chữ, anh em trong tổ công tác còn giúp đỡ tổ chức, hướng dẫn đồng bào chủ động trong sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, hạn chế và loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, xây dựng bản làng ngày càng no ấm tươi vui. Tổ công tác cũng tham mưu, phối hợp để bảo tồn các nhạc cụ truyền thống và các vật dụng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Chứt, tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ Lấp Lỗ, Chăm Chơ Bới...

Qua nhiều khó khăn, nhưng bằng ý chí, nghị lực và tấm lòng nhân ái, cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác cắm bản đã vận động được đồng bào dân tộc Chứt từ chỗ sống du canh, du cư, cuộc sống chỉ dựa vào săn bắt, hái lượm trong rừng, quay trở lại bản làng định canh, định cư, ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, bản có một chi bộ với năm đảng viên, có ban mặt trận, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, có một đại biểu HÐND huyện... Bà con dân tộc đã bước đầu tự trồng được lúa nước, hoa màu; tham gia nhận đất trồng cây keo. Trong bản đã có 75% số hộ gia đình có máy thu hình, chín gia đình mua được xe máy, ba hộ mua được trâu, bò để làm sức kéo và cày bừa; một hộ biết làm kinh tế vườn đồi, năm hộ biết cất giữ giống lúa, lạc để tái sản xuất... Cả bản có 41 học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở, hai em học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện...

Hai vợ chồng Hồ Viết Hải và Hồ Thị Tương rất vui vì vừa đón đứa con đầu lòng, nhưng còn có những ưu tư, lo lắng không biết đứa trẻ có bị bệnh tật gì không, vì hơn hai năm trước, khi có thai đứa đầu, chị ra bệnh viện huyện siêu âm mới biết thai bị dị tật, phải bỏ. Một số gia đình trong bản đã có những đứa trẻ không may mắn vì những dị tật bẩm sinh có nguyên nhân từ hôn nhân cận huyết thống. Trong đợt về khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí vừa qua, Trường đại học Y Hà Nội thực hiện nghiên cứu về nhân trắc học đối với 36 gia đình đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. Kết quả khảo sát và đánh giá bước đầu cho thấy: Nguy cơ suy thoái tộc người Chứt ngày càng lớn bởi hôn nhân cận huyết thống và hậu quả của nó là sự thiệt thòi cho những đứa trẻ khuyết tật được sinh ra.

Trong dịp này, các chuyên gia của Trường đại học Y Hà Nội tiến hành các nghiên cứu về thói quen, hành vi liên quan đến dinh dưỡng, chế độ ăn và thể lực của đồng bào dân tộc Chứt. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra các khuyến cáo, cùng các cơ quan chức năng có các giải pháp cho vấn đề dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe cho bà con dân tộc Chứt.

Chúng tôi đã cùng nhóm nghiên cứu đến nhiều hộ gia đình điều tra thực địa; trao đổi thông tin với cán bộ y tế thôn, bản để có những thông tin đầy đủ nhất. PGS, TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Ðào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường đại học Y Hà Nội), phụ trách nhóm nghiên cứu có đánh giá bước đầu: Vấn đề an ninh lương thực của đồng bào dân tộc Chứt chưa được bảo đảm, do nhiều yếu tố mà đến nay vẫn phụ thuộc quá nhiều vào trợ cấp của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn kém... Vấn đề dinh dưỡng cũng đáng quan tâm, khi mà người dân còn có gì ăn đấy, chưa ý thức được ăn thế nào cho tốt, dẫn đến khẩu phần ăn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng... Ðó là các yếu tố dẫn đến chiều cao và cân nặng của người dân tộc Chứt kém hơn bình thường, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng còn cao.

Quá trình hòa nhập cộng đồng của những người Chứt ở bản Rào Tre vẫn còn dài. Nhưng một vấn đề cần được thực hiện sớm đó là có những nghiên cứu khoa học, cụ thể và có những giải pháp hữu hiệu, để bảo vệ, duy trì nòi giống giúp họ thoát khỏi những tập tục lạc hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của tộc người này.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/24964402-suc-song-moi-o-rao-tre.html