Sức sống mới ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

Không chỉ được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam Bộ còn sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn khác để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao cuộc sống cho nhân dân. Những phum sóc khu vực Tây Nam Bộ, nơi hiện có hơn 1,2 triệu đồng bào Khmer sinh sống, đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống của người dân ngày càng sung túc hơn. Sau 45 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đồng bào Khmer Nam Bộ đã và đang đồng hành cùng cộng đồng các dân tộc đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Không chỉ được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam Bộ còn sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn khác để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao cuộc sống cho nhân dân. Những phum sóc khu vực Tây Nam Bộ, nơi hiện có hơn 1,2 triệu đồng bào Khmer sinh sống, đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống của người dân ngày càng sung túc hơn. Sau 45 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đồng bào Khmer Nam Bộ đã và đang đồng hành cùng cộng đồng các dân tộc đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài 1: Phum sóc đổi mới

Trong nhiều năm qua, ngoài Chương trình 135, các địa phương ở miền Tây Nam Bộ đều dành nguồn lực lớn đầu tư cho nông thôn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Có mặt tại các địa phương trong những ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ, càng thấy rõ hơn diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer đang có những đổi thay tích cực.

Chúng tôi trở lại Vĩnh Châu, thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng, nơi có hơn 70% số dân là đồng bào DTTS, trong đó đồng bào Khmer chiếm đến 53%. Bí thư Thị ủy Vĩnh Châu Nguyễn Văn Khởi chia sẻ, đây là vùng đất có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự của tỉnh Sóc Trăng. Trong kháng chiến, cùng với người Kinh, Hoa, đồng bào Khmer luôn bền gan, vững chí trong công cuộc khai hoang, phục hóa cũng như trung dũng, kiên cường trong quá trình chống áp bức, bóc lột của bọn địa chủ và giặc ngoại xâm. Chính ý chí kiên cường, bất khuất và truyền thống yêu nước của nhân dân là cơ sở để thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản làng Lai Hòa, một trong những chi bộ ra đời đầu tiên của Sóc Trăng. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, từ một huyện nghèo đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân Vĩnh Châu đã có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, các xã, phường có đông đồng bào DTTS ở Vĩnh Châu đều có trường trung học cơ sở, 98% số hộ Khmer sử dụng nước hợp vệ sinh và tỷ lệ có điện sử dụng đạt hơn 99%, tỷ lệ thoát nghèo hằng năm giảm từ 3-4%. Năm 2020, Vĩnh Châu phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại II.

Tỉnh Sóc Trăng có hơn 30% số dân là đồng bào Khmer và có 29 xã, 158 ấp nằm trong danh sách Chương trình 135, nhiều xã đã được công nhận nông thôn mới. Việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở Sóc Trăng chính là đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đầu năm 2020, Mỹ Xuyên là huyện đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên Lâm Sơn Hiển cho biết, xã có hơn 85% số dân là đồng bào Khmer. Nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo với mô hình nuôi bò, trồng màu, số hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn 2%. Anh Sơn Đức ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm, là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình của địa phương. Từ một người làm thuê, không có đất, được Nhà nước cho vay vốn đầu tư, đến nay Sơn Đức đã có hàng chục công đất và đàn bò sữa chất lượng cao, với tổng thu nhập hằng năm hơn 300 triệu đồng. Sơn Đức tâm đắc: “Bây giờ tôi yên tâm vì là thành viên của hợp tác xã cho nên không còn lo chuyện đầu ra nông sản. Nhà nông đã thấy được lợi ích của việc hợp tác sản xuất, đó là sự gắn kết, chia sẻ với nhau trong cuộc sống”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đánh giá, Sóc Trăng tập trung nguồn lực đầu tư phát triển về giao thông và kết cấu hạ tầng, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 - 4%/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,99%.

Tại tỉnh Trà Vinh, nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 31% số dân toàn tỉnh, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào Khmer ngày càng hoàn thiện. Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân hơn 236 tỷ đồng xây dựng 154 công trình, dự án, cầu, đường giao thông tại các vùng đồng bào DTTS. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực vận động đồng bào Khmer chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế địa phương; đồng thời, thực hiện nhiều hoạt động giảm nghèo. Nhờ vậy, số hộ nghèo người dân tộc Khmer giai đoạn 2018-2020 giảm gần 10.000 hộ. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả là minh chứng cho tính cần cù, sáng tạo của nông dân Khmer Trà Vinh. Điển hình như mô hình trồng ớt chỉ thiên của Chi hội Phụ nữ ấp Lạc Thạnh A, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang áp dụng quy trình sản xuất mới nhằm tiết kiệm nước, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, tăng năng suất, thu nhập cho các thành viên.

Phấn khởi sau vụ ớt chỉ thiên trúng mùa, được giá, chị Thạch Thị Nhỏ, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Hai công ớt chỉ thiên, chị thu 100 triệu đồng. Theo cách tính của nông dân, bỏ công làm lời, chỉ tính tiền thuê hái gần ba tấn ớt trái hết 15 triệu đồng và tiền mua thuốc, phân bón bổ sung khoảng 15 triệu đồng nữa, vậy lời trọn của hai công ớt này là hơn 70 triệu đồng. Mô hình hợp tác trồng rau ở ấp Phố, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú (Trà Vinh) đạt hiệu quả cao nhờ áp dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước. Hệ thống đặc biệt thích hợp điều kiện biến đổi khí hậu làm nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt, ngoài ra còn giúp người dân giảm công tưới nước và lượng nước tưới được phun đều hơn, giọt nước nhỏ hơn so với tưới thủ công, giúp rau màu, nhất là cây non ít bị dập, phát triển tốt hơn. Từ đó nâng cao chất lượng rau màu và bán được giá hơn. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp nông dân Khmer ở đây có bước tiến bộ trong suy nghĩ về phương cách sản xuất, tạo tiền đề về mô hình hợp tác phát triển bền vững.

Nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, Kiên Giang là tỉnh duy nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long có biên giới, đường thủy, đường bộ và hải đảo. Đồng bào Khmer có 56.782 hộ với 242.602 khẩu, chiếm hơn 13% số dân, đông nhất tỉnh và đứng thứ ba trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh. Xuôi theo quốc lộ 61, chúng tôi về huyện Gò Quao. Qua các chợ xã Đường Xuồng, Cà Nhung, Sóc Ven… thấy sầm uất không thua gì chợ huyện. Trung tâm thương mại và khu dân cư xã Định An đang đầu tư xây dựng khá quy mô, bề thế. Với vị trí nằm ngay ngã ba đường, tương lai Trung tâm thương mại Định An sẽ phát triển hơn cả thị trấn Gò Quao. Huyện Gò Quao có hơn 31% số dân là đồng bào dân tộc Khmer, với 10.184 hộ, gần 45.000 khẩu, sống tập trung ở các xã Định An, Định Hòa, Thủy Liễu, Thới Quản, Vĩnh Phước B, Vĩnh Hòa Hưng Nam. Đến nay, Gò Quao đã có tám trong số 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2020, 100% số xã trong huyện đạt chuẩn và huyện được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Có dịp trở lại các xã, thị trấn đông bà con Khmer sinh sống ở tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cuộc sống đồng bào đã thật sự đổi thay trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các tuyến đường được trải nhựa, gần 95% số hộ được dùng nước sạch; điện chiếu sáng khắp nơi; hàng nghìn học sinh là con em đồng bào DTTS được tuyển thẳng, cử tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Nhiều em sau khi tốt nghiệp đã trở về phục vụ địa phương. Phần lớn số hộ nghèo đã có nhà ở, nghề nghiệp ổn định, phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững... Xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi có 70% số dân là người Khmer, là xã có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh Bạc Liêu. Ðời sống người dân trong xã được nâng lên rất nhiều. Trường học được xây dựng khang trang; điện lưới được kéo đến mọi nhà; đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, được bê-tông hóa, giúp người dân đi lại và giao thương hàng hóa thuận tiện. Ngoài ra, người dân được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất. Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, thực hiện chủ trương của Ðảng và các quyết định của Chính phủ về việc ưu tiên đầu tư vốn cho đồng bào các DTTS, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, giúp gần 16 nghìn hộ đồng bào Khmer phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, Bạc Liêu đã có thêm gần 1.000 hộ đồng bào Khmer thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn 3.249 hộ (chiếm 18,87%); hộ cận nghèo 2.230 hộ (chiếm 16,41%).

Thời gian qua, thực hiện các chương trình, dự án, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Xây dựng nông thôn mới, hơn 100 xã, cụm trung tâm xã có đông đồng bào Khmer sinh sống được quy hoạch, đầu tư xây dựng với hơn 6.000 công trình

hạ tầng thiết yếu. Tuy nhiên, người dân miền Tây Nam Bộ hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. Điều này khiến cuộc sống người dân, trong đó có đồng bào Khmer, vốn đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn hơn. Giải pháp mà nhiều địa phương khu vực này đưa ra với mong muốn vẫn được ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các tuyến giao thông huyết mạch của vùng, liên vùng, gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, quan tâm nhiều hơn cho phát triển khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp... Đồng thời, việc lồng ghép hợp lý các chương trình, chính sách dân tộc, tránh chồng chéo, hạn chế hiệu quả mục tiêu cũng được các địa phương khu vực Tây Nam Bộ quan tâm để tập trung nguồn lực triển khai. Với chủ trương “không bỏ ai ở lại phía sau”, ngoài sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các DTTS, sự chung tay, vào cuộc đầy quyết tâm của các ngành, các cấp, các địa phương sẽ tạo nên những đột phá mới, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

(Còn nữa)

Theo Vụ Địa phương III (Ủy ban Dân tộc), đến nay có 99% số xã vùng đồng bào dân tộc có đường ô-tô đến trung tâm xã, 65% số đường ấp, liên ấp được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa. Các địa phương đã bố trí nhà ở cho hơn 120.000 hộ, hỗ trợ đất ở hơn 25.000 hộ, hỗ trợ đất sản xuất hơn 10.000 hộ. Có gần 100.000 người được đào tạo nghề và đã tạo việc làm mới cho hơn 142.000 lao động DTTS. Hơn 521.000 lượt hộ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; khoảng 2 triệu lượt đồng bào được hỗ trợ trực tiếp tiền hoặc cây, con giống để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giảm hộ nghèo từ 3-5%/năm, số hộ khá, giàu tăng lên. Các hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm đầu tư… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ.

Bài và ảnh: MY PHONG, TIẾN BƯỜNG, DUY TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44095302-suc-song-moi-o-vung-dong-bao-khmer-nam-bo.html