Sức sống mới trên cao nguyên đá
Nhiều năm trước, huyện Đồng Văn (Hà Giang) được biết đến là vùng đất nghèo nhất cả nước. Song giờ đây, vùng lõi của cao nguyên đá đang khoác lên mình 'chiếc áo mới' đầy màu sắc. Hơi thở của núi rừng hòa với nhịp sống vui tươi của người dân tạo nên diện mạo đầy sức sống.
Xanh tươi trên mảnh đất cằn
Ngày cuối năm, chúng tôi được dự buổi lễ chào cờ đặc biệt của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn). Trong không khí hân hoan, thầy và trò nhà trường đón nhận cơ sở mới khang trang, hiện đại cho 450 học sinh các dân tộc thiểu số tại địa phương xa xôi nhất ở vùng cực Bắc Tổ quốc. Công trình nằm trong chương trình hỗ trợ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam với huyện Đồng Văn, theo tinh thần triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Kể từ đây, các em học sinh không còn phải chịu cảnh sơ tán mỗi lúc trời mưa dột.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Lợi cho biết, xã Lũng Cú chưa có trường học nào được xây dựng khang trang ba tầng như thế này. Các em rất thích thú khi được học trong ngôi trường sạch đẹp như vậy. Nhờ đó, công việc giảng dạy cũng được nâng lên, học sinh có hứng thú để đến trường hơn.
Niềm vui hiện rõ trong đôi mắt của cô bé Vàng Thị Tuyết, em tâm sự: "Con rất vui vì có các bạn học cùng, có nhiều đồ chơi".
Tiếng trống trường điểm vang, học trò kéo nhau vào lớp. Nắng từ đỉnh núi rợp vàng ngoài cửa sổ, đổ dài theo con đường dẫn vào những bản làng ẩn hiện, nhấp nhô giữa dải đá tai mèo.
Men theo sườn núi đá vào khu dân cư, ai biết đến vùng lõi cao nguyên đá trước đây thì mới cảm nhận rõ được nhịp sống của đồng bào dân tộc giờ đây tươi mới biết nhường nào. Đường vào thôn, bản được bê tông hóa sạch đẹp. Những ngôi nhà mái ngói tường gạch thay cho nhà tạm, nhà tranh vách đất. Hoa cải nở vàng rộm trong gùi mây đeo trên lưng mấy đứa trẻ rong chơi.
Luồng sinh khí từ lòng cao nguyên
Ai đến Đồng Văn giờ đây đều cảm nhận được sức sống tươi mới. Dưới chân cột cờ Lũng Cú là bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú) với những ngôi nhà trình tường đắp đất vàng ươm và hàng rào xếp đá. Anh Sình Gai - Trưởng bản Lô Lô Chải - chia sẻ, mấu chốt của sự khởi sắc là nhờ du lịch cộng đồng. Du lịch đã làm cao nguyên đá Đồng Văn trở nên nổi tiếng.
Từ năm 2011, anh Sình Gai cũng xây dựng mô hình nhà ở lưu trú cho khách du lịch (homestay), phục vụ khách nghỉ tại bản. Anh đảm nhận luôn vai trò hướng dẫn viên, đưa khách đi tham quan bản trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Hình thức du lịch này rất được ưa chuộng, đặc biệt là du khách trẻ và khách nước ngoài. Từ năm 2016, khi hệ thống đường, điện được hoàn chỉnh, Lô Lô Chải đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, mang lại thu nhập khá cho người dân. Trung bình một tháng gia đình anh Sình Gai thu về khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Từ việc cán bộ đi đầu làm trước, đến nay Lô Lô Chải đã có 16 hộ làm dịch vụ du lịch homestay. Các hộ gia đình khác cũng tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch.
Theo lời kể của anh Gai: "Nhiều năm trước người Lô Lô chỉ biết trồng ít ngô, lúa trên nương, mà một năm có một vụ nên trong bản hầu hết là hộ nghèo, thậm chí nhiều nhà lâm vào cảnh đói ăn triền miên". Từ khi có chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cán bộ địa phương đến vận động, giúp đỡ, người dân nhận thức được cần phải đổi mới cách làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, trong đó phát huy lợi thế bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc để phát triển du lịch là một giải pháp.
Quả nhiên, không chỉ Lô Lô Chải mà rất nhiều xã, bản ở Đồng Văn đã "thay da đổi thịt", tạo ra sức mạnh nội lực cho cao nguyên đá. Ông Hoàng Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn - cho biết, tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 là hơn 70%, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 48% theo chuẩn mới. Từ khi có du lịch, cuộc sống của bà con tốt hơn; nhiều hoạt động truyền thống cũng được khơi dậy. Nhờ đó, đời sống an sinh xã hội của địa phương ngày càng cải thiện.
Giờ đây, Đồng Văn không chỉ đẹp vào mùa xuân, khi hoa cải nhuộm vàng chân núi, hoa đào đỏ thắm mái ngói rêu phong, hoa tam giác mạch trải dài xen kẽ ruộng bậc thang... mà dường như mùa nào cũng đẹp. Đẹp ở những cánh đồng đá trải dài bất tận; ở những dòng nhựa sống xanh tạo nên bởi những con người cần lao, bền bỉ…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/suc-song-moi-tren-cao-nguyen-da-131743.html