Sức sống mới trên quê hương Bù Đốp
Ngày 20-2-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ-CP về việc thành lập huyện Bù Đốp trên cơ sở chia tách từ huyện Lộc Ninh. Khi ấy, Bù Đốp là vùng biên giới heo hút, hạ tầng thiếu thốn, đời sống người dân bộn bề gian khó. Gần như khởi đầu từ con số 0, sau hơn 2 thập kỷ nỗ lực vươn lên, Bù Đốp hôm nay đã 'khoác lên mình' diện mạo mới khang trang, năng động và đầy sức sống.
Đi lên từ gian khó
Nhớ lại những ngày đầu thành lập huyện, ông Hồ Công Đoàn, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Thiện Hưng vẫn chưa quên hình ảnh những con đường đất đỏ trơn trượt mùa mưa, bụi mù mùa nắng khiến việc đi lại vô cùng vất vả. Hạ tầng y tế, giáo dục chỉ là những cơ sở tạm bợ. “Thời điểm mới chia tách, huyện thiếu thốn đủ thứ, từ điện, đường, trường, trạm đến nhân lực, đời sống nhân dân còn rất khó khăn. Đặc biệt, Bù Đốp là địa bàn biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí còn hạn chế, nên việc phát triển kinh tế - xã hội đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách” - ông Đoàn chia sẻ.

Khu trung tâm xã Thiện Hưng ngày nay đã trở nên sầm uất và hiện đại
Còn ông Đỗ Viết Khánh, đảng viên 57 năm tuổi Đảng ở thị trấn Thanh Bình kể: “Ngày đó, nhà tranh vách nứa chiếm phần lớn, nhà xây cấp 4 hiếm hoi, thấp lẹt đẹt, chỉ những hộ khá giả từ trước mới có. Người dân chủ yếu làm rẫy, trồng lúa, hoa màu tự cung, tự cấp; hoạt động buôn bán nhỏ lẻ, cuộc sống còn rất chật vật”.
Việc thành lập huyện Bù Đốp là quyết sách chiến lược, nhằm tăng cường quản lý, xây dựng bộ máy chính quyền gần dân, sát dân hơn, đồng thời tạo động lực phát triển vùng biên giới. Song song với việc kiện toàn hệ thống hành chính, huyện đã bắt tay thực hiện hàng loạt chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Một góc trung tâm hành chính huyện Bù Đốp ngày nay
Từ một huyện thuần nông, tất cả các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, sau 22 năm, Bù Đốp đã chuyển mình mạnh mẽ. Hạ tầng dần hoàn thiện, mạng lưới giao thông liên kết vùng được mở rộng. Hiện nay, hơn 97% tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 16/22 trường học đạt chuẩn quốc gia; 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới… Trong đó, xã Thiện Hưng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại V; thị trấn Thanh Bình được công nhận đô thị văn minh.
Năm 2003, thu ngân sách của huyện chỉ đạt 22,5 tỷ đồng, thì đến năm 2024 đã vượt 620 tỷ đồng, tăng gấp hơn 28 lần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 8,6%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,3 triệu đồng (ngày mới thành lập huyện) lên gần 72 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,5% xuống còn dưới 1% cuối năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Phong cho biết: “Khi mới thành lập, tất cả các xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đến nay, 6/6 xã biên giới đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Kết quả này có được là nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng bộ, sự điều hành quyết liệt của chính quyền và tinh thần đồng thuận cao trong nhân dân”.
Xây dựng “thế trận lòng dân" vững chắc
Một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của Bù Đốp chính là công tác xây dựng Đảng. Từ 7 tổ chức cơ sở đảng với 459 đảng viên vào năm 2003, đến nay toàn huyện đã có 50 tổ chức cơ sở đảng, với hơn 2.000 đảng viên. Bí thư Huyện ủy Đặng Hà Giang khẳng định: “Chúng tôi xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Qua các nhiệm kỳ đại hội, huyện đã ban hành nhiều chương trình đột phá về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ. Mỗi ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đều được phân công phụ trách cơ sở để bám sát thực tiễn, từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp, kịp thời”.


Những tuyến đường giao thông nông thôn lầy lội trước đây đã được nhựa hóa, bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, làm thay đổi diện mạo địa phương
Song song đó, Đảng bộ huyện chú trọng phát triển đảng trong doanh nghiệp tư nhân, qua đó lan tỏa vai trò của tổ chức đảng trong mọi mặt đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và năng lực quản lý nhà nước tại địa phương.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, Bù Đốp còn là nơi hội tụ bản sắc văn hóa của 26 dân tộc cùng sinh sống. Các thiết chế văn hóa được đầu tư bài bản; 100% thôn, ấp, khu phố có nhà văn hóa cộng đồng. Toàn huyện hiện có 20 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động sôi nổi, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Vùng đất hoang sơ năm nào nay đã trở thành những cánh đồng bạt ngàn, xanh mướt và trù phú, khẳng định đời sống nhân dân vùng biên ngày một phát triển
Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc được tổ chức định kỳ 2 năm/lần là dịp hội tụ những nét đặc trưng, đó là Lễ hội Mừng lúa mới của người S’tiêng, tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer, đờn ca tài tử, hát then của dân tộc Tày… Hoạt động giao lưu văn hóa với các huyện giáp biên Campuchia cũng được duy trì thường xuyên, góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Cùng với phát triển kinh tế, chúng tôi đặc biệt quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Qua đó, giúp nâng cao đời sống, cổ vũ tinh thần sản xuất trong nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương”.


Dù nông nghiệp vẫn là chủ đạo trong nền kinh tế nhưng hoạt động thương mại, dịch vụ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang ngày càng phát triển, tạo sự chuyển biến trong cơ cấu kinh tế của huyện

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao

Lực lượng biên phòng Bù Đốp luôn quan tâm, hỗ trợ nhân dân vùng biên phát triển kinh tế, tạo thế trận lòng dân vững chắc
Là huyện biên giới, Bù Đốp luôn xác định quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu. Trên tuyến biên giới dài hơn 86km tiếp giáp Vương quốc Campuchia, lực lượng biên phòng cùng các cấp chính quyền đã phối hợp chặt chẽ trong quản lý lãnh thổ, giữ vững chủ quyền, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Thượng tá Trần Hữu Long, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu cho hay: “Bộ đội biên phòng không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới mà còn đồng hành cùng người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân nơi phên giậu. Nhờ đó, đã xây dựng và củng cố được “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần quan trọng vào giữ gìn an ninh biên giới quốc gia”.
22 năm chưa phải một chặng đường dài, nhưng những gì Bù Đốp đạt được hôm nay là kết quả của sự đoàn kết, kiên cường và sáng tạo không ngừng. Tuy nhiên, chúng ta không được hài lòng với những gì đã có. Mỗi cán bộ, mỗi người dân cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết chung tay xây dựng Bù Đốp phát triển nhanh, bền vững, trở thành điểm sáng nơi biên giới phía Bắc của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp NGUYỄN MINH PHONG
Trong giai đoạn mới, huyện đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khai thác tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng đồng bộ. Trên vùng đất biên cương kiêu hãnh, Bù Đốp đang viết tiếp hành trình đổi mới bằng tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/172818/suc-song-moi-tren-que-huong-bu-dop