Sức sống mới từ những công trình giao thông

Nhiều công trình giao thông trọng điểm được đưa vào khai thác không chỉ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông mà tạo nên sức bật, sự tươi mới cho các vùng đô thị

Trong không khí nô nức ngày thông xe cầu thép An Phú Đông (quận 12), sáng 31-12, như nhiều người khác, gia đình ông Nguyễn Văn Tài dậy sớm đón chuyến phà cuối cùng từ quận 12 qua quận Gò Vấp để chứng kiến lễ thông xe.

Niềm vui khôn tả

Nhìn xa xăm theo chuyến phà gắn bó với người dân gần 40 năm qua, ông Tài và nhiều người xúc động vẫy tay chào tạm biệt thay lời cảm ơn.

Hồi tưởng lại, ông Tài kể: "Người dân sống trên đường Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12) từ bao đời nay đã quen với cảnh "qua sông lụy đò". Từ năm 1975, để qua sông Vàm Thuật nối 2 bờ quận 12 và quận Gò Vấp, người dân phải chèo ghe, đi xuồng máy, sau này thì đi phà, mỗi tháng cũng tốn bộn tiền. Giờ có cây cầu, người và xe tấp nập, đời sống sẽ đi lên".

Cách công trình này gần 30 km hướng về phía Nam TP, hàng vạn người dân cũng trong tâm trạng háo hức, đếm từng ngày thông xe cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè (dự kiến ngày 7-1). Tám năm nay, người dân 2 xã Phước Kiển và Phước Lộc mong ngày cầu mới thông xe, thay cho cây cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp. Cây cầu mới không chỉ giải bài toán ùn tắc giao thông, kết nối vùng mà còn tạo sức bật phát triển đời sống, kinh tế cho người dân 2 xã Phước Lộc và Phước Kiển.

Ở cửa ngõ Tây Bắc, công trình nút giao An Sương (huyện Hóc Môn và quận 12) đưa vào sử dụng từ tháng 9-2020 lại là một câu chuyện khác. Nút giao có quy mô 3 tầng: tầng trên cùng là cầu vượt An Sương cho xe lưu thông hướng Quốc lộ 1; tầng hầm gồm 2 đường hầm cho xe lưu thông từ hướng Trường Chinh qua Quốc lộ 22 và ngược lại; tầng trên mặt đất gồm nút giao với đảo tròn trung tâm, hệ thống cây xanh, chiếu sáng… Cả 3 tầng đều thông thoáng, so với trước, nút giao này đã xóa được "điểm đen" tai nạn và ùn tắc giao thông.

Ở phía Đông TP, công trình xây dựng nút giao Mỹ Thủy (quận 2) giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 1.435 tỉ đồng đang cấp tập thi công. Công trình hoàn thiện sẽ giúp giảm ùn tắc, xóa điểm đen tai nạn giao thông, tăng năng lực giao thông vào các khu dân cư và cảng biển Cát Lái.

Dự án được khởi công từ tháng 12-2019 với các hạng mục xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2) dài 124 m cho 6 làn xe, xây cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725 m cho 2 làn xe và xây dựng cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái dài 75 m cho 4 làn xe lưu thông. Hiện việc xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 dần về đích, các hạng mục còn lại chờ bàn giao mặt bằng từ phía quận 2.

Nút giao An Sương giúp xóa “điểm đen” tai nạn và ùn tắc giao thông. Ảnh: TẤN THẠNH

Nút giao An Sương giúp xóa “điểm đen” tai nạn và ùn tắc giao thông. Ảnh: TẤN THẠNH

Kỳ vọng tạo nền móng tương lai

Nhìn lại năm 2020, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (BQL dự án), nhận định là năm có nhiều điểm sáng. Cụ thể, TP đã tổ chức sắp xếp lại BQL dự án với sự chuyên nghiệp, chuyên sâu hơn. Nhiều đề án được TP phê duyệt, làm nền tảng xây dựng các công trình giao thông trong thời gian tới như: Đề án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM đến năm 2030; Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân; Đề án thu phí hạ tầng cảng biển. Ngoài ra, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các địa phương trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) đã thúc đẩy nhiều dự án "về đích" dù trễ hẹn như cầu Phước Lộc, nút giao An Sương... Và hàng loạt công trình được khởi công như cải tạo nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cải tạo kênh Nước Đen, cải tạo mặt bằng trước Bến xe Miền Đông mới, Vành đai 2…

Tuy nhiên, ông Lương Minh Phúc cũng cho rằng thực tế còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các dự án, trong đó việc GPMB và nguồn vốn là 2 vướng mắc lớn cần "giải tỏa" trong năm 2021. Có thể tạm chia thành 8 nhóm dự án để thực hiện theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 8. Nhóm 1: Khép kín đường Vành đai 2, xây dựng cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Nhóm 2: Triển khai chùm dự án giải quyết ùn tắc giao thông khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhóm 3: Triển khai chùm dự án giải quyết ùn tắc giao thông xung quanh cảng Cát Lái. Nhóm 4: Thực hiện hệ thống giao thông cho khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP. Nhóm 5: Tăng cường giao thông trục Bắc - Nam với chùm dự án như cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên, trục Nguyễn Hữu Thọ - cảng Hiệp Phước, cầu Thủ Thiêm 3 và 4… Nhóm 6: Hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng theo định hướng với 6 tuyến xe buýt nhanh và 8 tuyến metro. Nhóm 7 và 8: Tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thủy.

"Hy vọng năm 2021, việc áp dụng cơ chế đặc thù trong bồi thường GPMB khi thu hồi đất thực hiện dự án theo Nghị quyết 27 sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khâu GPMB tại TP HCM. Ngoài ra, từ năm 2021, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có hiệu lực, góp phần thu hút nguồn vốn xã hội hóa (chiếm khoảng 60% tổng nguồn vốn) sẽ góp phần đưa các dự án về đích như kế hoạch" - ông Lương Minh Phúc nói.

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/suc-song-moi-tu-nhung-cong-trinh-giao-thong-20210103214409171.htm