Sức sống mới từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Mỹ Xuyên

Mỹ Xuyên là một trong những huyện được tỉnh công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, đạt được những kết quả trên là nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân thực hiện các phong trào thi đua, góp công, góp của xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây dựng 'Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới', 'Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị'.

Diện mạo mới ở xã Tham Đôn. Ảnh: THI RE

Diện mạo mới ở xã Tham Đôn. Ảnh: THI RE

Xã Tham Đôn hôm nay đã thay da đổi thịt, những tuyến đường bêtông, cầu nông thôn được đầu tư khá hoàn chỉnh. Có được điều này, bên cạnh chủ trương, chính sách chăm lo hộ nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà nước, còn có sự đóng góp tích cực của người dân, điển hình như ông Lâm Văn Phấn, ở ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn. Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Phấn tâm sự: “Từ nhỏ sinh ra và lớn lên tại vùng quê của xã Tham Đôn, chứng kiến sự khó khăn, vất vả của người dân nên bản thân luôn nỗ lực làm việc và hỗ trợ bà con xung quanh lao động sản xuất. Năm 1990, trong vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã, tôi luôn canh cánh trong lòng một nỗi niềm phải làm sao đưa xã phát triển, đời sống bà con khấm khá hơn trên chính mảnh đất này. Tôi nghĩ rằng để bà con cùng hưởng ứng thì trước hết bản thân mình phải làm gương, vừa làm cho mình khá giả vừa hỗ trợ người nghèo để đời sống của bà con được cải thiện hơn”.

Gia đình ông Lâm Văn Phấn (đứng thứ 4, từ trái sang) ở ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) là một trong những hộ đạt chuẩn văn hóa. Ảnh: THI RE

Gia đình ông Lâm Văn Phấn (đứng thứ 4, từ trái sang) ở ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) là một trong những hộ đạt chuẩn văn hóa. Ảnh: THI RE

Trong gần 8 năm qua, ông Lâm Văn Phấn đã vận động mạnh thường quân gần 2 tỉ đồng, trong đó, gia đình ông đóng góp hơn 500 triệu đồng để xây 2 căn nhà mát giữa ruộng cho người dân trú mưa, nghỉ trưa, ăn cơm; xây dựng 6 cây cầu giao thông nông thôn; 4 tuyến đường giao thông dài gần 3km. Ngoài ra, ông Phấn còn vận động bà con trong ấp Tắc Gồng trồng và chăm sóc hàng bông hơn 2km để tạo cảnh quan thêm đẹp. Hàng tháng, ông còn vận động gạo để phát cho các gia đình khó khăn. Nhiều gia đình không may có người thân bị bệnh, hay có người khuyết tật, ông cũng sẵn sàng vận động và hỗ trợ tiền điều trị bệnh hoặc hỗ trợ hàng tháng tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể. Việc làm của ông Phấn đều xuất phát từ cái tâm, cái tình với mong muốn đóng góp, chia sẻ những khó khăn, vất vả với người dân địa phương. Ông Lâm Văn Phấn chia sẻ: “Tôi từng cực khổ. Vì vậy, tôi mong ngày nào đó, khi cố gắng làm ăn, cuộc sống đỡ khổ hơn, tôi sẽ giúp đỡ mọi người, nhất là những người không được may mắn, bệnh tật. Giờ tôi làm được rồi, có thể giúp đỡ chút ít với mọi người, trong lòng của tôi cảm thấy rất vui”.

Còn đến với xã nông thôn mới Thạnh Phú, chúng tôi cũng cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê này, đường sá đều được trải bêtông, nhà cửa khang trang, trường học, trạm y tế đạt chuẩn, cuộc sống người dân ngày càng khá giả… Từ một xã khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đời sống của đại bộ phận người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40% nhưng khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, các nguồn lực tập trung đầu tư xây mới, hệ thống hạ tầng kinh tế nông thôn được nâng cấp ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hơn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, đặc biệt là phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, giúp đời sống người dân ngày càng ổn định. Thượng tọa Lâm Sương - Trụ trì chùa Ompuyear phấn khởi cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là chính sách hợp lòng dân, do đó được các phật tử hiểu và rất đồng tình thực hiện. Được địa phương vận động, nhận thức người dân ngày càng được nâng lên, đặc biệt cuộc sống phật tử Khmer ngày càng khá giả hơn”.

Trường Mẫu giáo Tham Đôn được đầu tư khang trang. Ảnh: THI RE

Trường Mẫu giáo Tham Đôn được đầu tư khang trang. Ảnh: THI RE

Điểm nổi bật trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở Mỹ Xuyên là tiếp tục được nâng cao chất lượng; bộ mặt nông thôn tiếp tục được đầu tư khang trang, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được đầu tư, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Cùng với đó, đã tạo nên nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp, bà con lối xóm đoàn kết cùng nhau giảm nghèo và vận động nhau thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều mô hình thể hiện tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong sản xuất, trong cộng đồng dân cư được nhân rộng như: mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; mô hình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào phòng, chống tội phạm, mô hình cánh đồng mẫu, trồng màu… đã góp phần làm cho đời sống nhân dân trên địa bàn huyện được nâng lên.

Hiện, có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 5 xã được công nhận giai đoạn 2011 - 2015 và 5 xã được công nhận giai đoạn 2016 - 2020); có 43/43 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất, trong đó, có 31/43 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72%, tăng 27%; 10/10 xã có nhà văn hóa, diện tích đất quy hoạch trên 1.500m2, quy mô trên 200 chỗ ngồi; 98/98 ấp có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định, tăng 18 ấp. Có 10/10 xã có điểm dịch vụ bưu điện cấp III; dịch vụ viễn thông, internet, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng; tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt 93%; tỷ lệ ấp văn hóa đạt 96%. Có 5/10 xã có chợ hạng III; còn lại 5 xã có chợ nhóm, cơ bản phục vụ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt và trao đổi hàng hóa của nhân dân. Có 10/10 xã không còn hộ ở nhà tạm. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định đến nay đạt 92% (tăng 18%).

Ông Tạ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Mỹ Xuyên đánh giá: “Công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện ngày một đi vào chiều sâu và nâng cao chất lượng. Thời gian tới, ngành tập trung chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký thực hiện gia đình văn hóa, ấp văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội; trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, các xã, thị trấn tiếp tục duy trì và phát huy tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các loại hình sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…”.

THI RE

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/suc-song-moi-tu-phong-trao-xay-dung-doi-song-van-hoa-nong-thon-moi-o-my-xuyen-40171.html