Sức sống nơi biên cương
ĐBP - Nép mình dưới chân núi Khoan La San hùng vĩ, từ khi khai sơn phá thạch lập bản đến nay, người Hà Nhì nơi biên cương Sín Thầu (huyện Mường Nhé) một lòng sắt son theo lý tưởng của Ðảng, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, đủ đầy hơn. Ðặc biệt, cùng với những chiến sĩ mang 'quân hàm xanh' người dân nơi đây đã bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác - cùng phát triển.
Ðến Sín Thầu khi sương mờ vẫn còn đọng trên lá, từ trung tâm xã theo con đường bê tông phẳng lỳ chúng tôi về bản Tả Kố Khừ, địa bàn được biết đến là “thủ phủ” của người Hà Nhì nơi đây. Từ vùng đất khô cằn, oằn mình chống đỡ sự nghèo đói, nay Tả Kố Khừ đã phủ lên mình những mầm xanh của hy vọng và khát khao đổi thay, bừng lên sức sống mới từ những đồng lúa xanh ngát, nương ngô trải dài khắp sườn đồi. Những ngôi nhà mái tôn xanh, đỏ mới mọc lên vững chãi. Khoe với chúng tôi, Trưởng bản Tả Kố Khừ Mạ Sàn Hòa phấn khởi nói: Từ 1 bản với nhiều “không”. Ðảng, Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án (30a; 134/CP, 135/CP...) nay người Hà Nhì đã được mở đường, dẫn điện về bản, hỗ trợ nông cụ sản xuất... Ðặc biệt, bà con đã biết tự lập, biết chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng khoa học kỹ thuật, không trông chờ, ỷ lại nên đời sống ngày càng nâng cao. Nếu trước đây, đa phần bà con là hộ nghèo, thì nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 30/117 hộ (25,6%). Minh chứng rõ nhất là nhiều hộ với sự tuyên truyền, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, ý thức tự lực tự cường được nâng lên. Họ đã biết đưa các giống lúa, ngô mới năng suất cao vào sản xuất, bỏ lối canh tác lạc hậu nên kinh tế khá giả, mua sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh… Ðể rồi, cuộc sống của người Hà Nhì nơi đây đã có nhiều khởi sắc, ấm no, đủ đầy hơn với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm.
Ðể hiểu rõ hơn về nguồn cội cũng như sự đổi thay, mang tính trọng đại của người dân nơi đây, chúng tôi tìm gặp bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu - người con của núi rừng Khoan La San. Bà Pờ Mỳ Lế chia sẻ: Trước những năm 1960, “Sín Thầu” có tên là “Sín Thừ” theo tiếng Hà Nhì có nghĩa là “nơi hội tụ”; tập trung người dân lao động sản xuất, xây dựng và kiến thiết cuộc sống. Cách đây gần hai thập kỷ, người dân nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đời sống phụ thuộc thiên nhiên, mưu sinh bằng săn bắt hái lượm trên rừng; có đất mà không biết cày bừa, trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế, cuộc sống lam lũ, đói nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 90%). Qua rồi một thời gian khó, với những chương trình, dự án (Nghị quyết 30a, xây dựng nông thôn mới...) đã tạo “cú hích” và tư liệu sản xuất để người dân phát triển kinh tế, thúc đẩy đời sống. Ðặc biệt, người dân đã giác ngộ với tư tưởng đổi mới, thay đổi phương thức trong canh tác, hăng say lao động, tạo nên những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp (trồng 49ha cây sa nhân tím; trồng sả...). Ðối với xã nghèo, biên giới như Sín Thầu, xác định lúa nước là cây trồng chủ lực để người dân xóa đói giảm nghèo. Bởi thế, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, đặc biệt là nguồn lực đầu tư, xã đã tu sửa kênh mương, thủy lợi nội đồng (thủy lợi Lỳ Mạ Tá, Tá Miếu...) dẫn nước về đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi để bà con trồng gần 150ha lúa nước. Ngoài ra, xã cũng tích cực vận động nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại, góp phần nâng tổng đàn vật nuôi toàn xã lên gần 15.000 con (toàn xã hiện có gần 10 trang trại hộ gia đình).
Sín Thầu là xã có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất của huyện Mường Nhé (trên 60%). Xác định bảo vệ rừng không chỉ là để hưởng lợi ích từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mà còn góp phần bảo vệ sự bình yên biên giới và bảo vệ cuộc sống của chính mình. Do vậy, để người dân yên tâm gắn bó với rừng, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân, xã Sín Thầu đã chủ động giao rừng cho cộng đồng thôn, bản chăm sóc và bảo vệ; từ đó giảm tình trạng phá rừng làm nương, khai thác, buôn bán lâm sản trái phép. Năm 2019, toàn xã có 6 bản khoanh nuôi, bảo vệ rừng với diện tích 4.191,8ha; số tiền hơn 5 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng được chi trả đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển nguồn lợi kinh tế từ rừng.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” Ðảng bộ, chính quyền xã Sín Thầu đã tập trung chỉ đạo, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, trong đó ưu tiên thực hiện các phần việc có tính khả thi, tạo sức lan tỏa và được nhân dân đồng tình ủng hộ, như: Y tế; nhà ở dân cư; thông tin và truyền thông... Ðặc biệt, phát huy nội lực, vai trò, trách nhiệm đảng viên đi trước, tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhân dân trong xã đã tích cực tham gia hiến kế, hiến công, hiến đất làm trường học, nhà văn hóa... chung sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Tới nay, Sín Thầu đã đạt 18/19 tiêu chí về xây dựng NTM, phấn đấu “cán đích” NTM vào năm 2020.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/176133/suc-song-noi-bien-cuong