Sức sống phong trào văn nghệ quần chúng
Đời sống ngày càng phát triển, hoạt động văn hóa, văn nghệ càng diễn ra sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở, trở thành 'món ăn' tinh thần bổ ích, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và thực hiện hiệu quả phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ở cơ sở.
Cứ vào cuối tuần, các thành viên câu lạc bộ (CLB) hát Sình ca thôn Đèo Quân, xã Hùng Đức (Hàm Yên) lại cùng nhau luyện tập những bài hát yêu thích. Bà Nịnh Thị Lý, Chủ nhiệm CLB cho biết, năm 2013, CLB được thành lập với 20 thành viên tham gia sinh hoạt. Ngày thường, mỗi người bận với những công việc khác nhau. Nhưng khi ngơi công việc mọi người lại gặp gỡ, giao lưu theo cụm giữa các thôn nhân các ngày lễ, tết, kỷ niệm lớn của đất nước... Nội dung các tiết mục giao lưu phong phú, đa dạng và lồng ghép tuyên truyền một số nội dung như: Bảo vệ môi trường, chấp hành chính sách, pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới. Ngoài việc cùng nhau tập luyện những bài hát, các thành viên còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc...
Đội văn nghệ thôn Bản Tát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) biểu diễn tiết mục nhảy sạptại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm 2019 của thôn.
Huyện Sơn Dương là một trong những địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển. Ông Lý Mạnh Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện cho biết, hiện toàn huyện có 495 tổ, đội văn nghệ và 39 CLB văn nghệ, thu hút trên 8.500 thành viên tham gia. Điểm mới là thành viên các đội văn nghệ ngày càng được trẻ hóa, có năng khiếu nhiều loại hình nghệ thuật. Nhiều đội văn nghệ chủ động mua sắm trang phục, đạo cụ bằng nguồn xã hội hóa và sự hỗ trợ một phần của ngân sách địa phương. Song song với biểu diễn các ca khúc hiện đại, đội văn nghệ nhiều xã như: Tân Trào, Ninh Lai, Thiện Kế, Đại Phú, Hồng Lạc... còn quan tâm sưu tầm, lưu giữ các làn điệu truyền thống như hát Soọng cô, Sình ca... Hàng năm, huyện, xã đều tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Sơn Dương, Liên hoan giọng hát trẻ toàn huyện, Liên hoan nghệ thuật quần chúng khu vực ATK Tân Trào... Qua đó, tìm ra những hạt nhân mới, nhiệt tình, năng động và có năng khiếu để làm lực lượng kế cận tiếp tục phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở.
Hiện toàn tỉnh có 2.600 tổ, đội văn nghệ, 200 CLB giữ gìn văn hóa, 50 CLB đàn hát dân ca, mỗi năm biểu diễn trên 10.300 buổi văn nghệ quần chúng. Các đội, CLB được thành lập tạo sân chơi lành mạnh cho nhiều lứa tuổi. Hoạt động của các tổ, đội, CLB văn nghệ ở cơ sở không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương mà còn là nơi truyền thụ những nét văn hóa, giáo dục chính trị, tư tưởng. Anh Nông Văn Nghiệp, thôn Khuôn Ráng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) chia sẻ, anh rất thích xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Vì vậy, mỗi khi địa phương tổ chức biểu diễn chương trình văn nghệ, anh đều đến xem và cổ vũ nhiệt tình.
Sức hấp dẫn của văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở các địa phương. Thông qua đó, người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.