Sức sống riêng của miền di sản Việt Bắc

Việt Bắc - cái tên thân thương của một thời lãng mạn cách mạng, vùng 'thủ đô gió ngàn: Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái' dường như còn rất nhiều tiềm năng của đất và người chưa được khai thác và phát triển. Năm 2021, Chương trình du lịch 'Qua những miền di sản Việt Bắc' lần thứ XII diễn ra từ ngày 20 đến 23-4 tại tỉnh Thái Nguyên được xem là động thái thu hút sự chú ý đầu tư vào 6 tỉnh Việt Bắc gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên, nhất là vào thời điểm khởi động mùa du lịch và tiềm năng du lịch văn hóa dân tộc đang trở nên hấp dẫn.

Trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số trong Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2021. Ảnh: Hoàng Nguyên

Trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số trong Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2021. Ảnh: Hoàng Nguyên

Được luân phiên tổ chức tại 6 tỉnh Việt Bắc, Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2021 được tổ chức tại Thái Nguyên với nhiều nét mới, trong đó đáng chú ý có các tọa đàm quan trọng về liên kết phát triển vùng theo hình thức du lịch văn hóa dân tộc. Đáp ứng xu hướng tất yếu hiện nay là xây dựng các tuyến du lịch dài, trên các vùng văn hóa sâu sắc và có bản sắc riêng. Bên cạnh đó, con người và vùng đất 6 tỉnh Việt Bắc đua tài trong trình diễn nghệ thuật, văn hóa dân gian, biểu diễn trang phục dân tộc, triển lãm ảnh, giới thiệu sản vật địa phương, ẩm thực độc đáo.

Triển lãm ảnh mang chủ đề “Du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái vùng Việt Bắc” giới thiệu với công chúng một không gian đậm sắc màu Việt Bắc gồm 120 tác phẩm nghệ thuật của các tác giả đến từ 6 tỉnh trong khu vực. Các tác phẩm thể hiện những cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng Việt Bắc. Hiện lên qua ống kính tài ba của các nghệ sĩ là bản sắc dân tộc đa dạng thấm đẫm trong những câu sli, lượn, then, pả dung, cò lẩu... những lễ hội, trò chơi dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng dịp Tết đến Xuân về, những di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với những chiến công vẻ vang của dân tộc trong suốt thời kỳ dựng nước, giữ nước, trở thành “địa chỉ đỏ” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng phản ánh về một Việt Bắc đang vươn mình đổi mới trong thời kỳ hội nhập, đã và đang là trở thành điểm đến mang những trải nghiệm thú vị cho các du khách trong nước, quốc tế.

Những năm qua, du lịch các tỉnh vùng Việt Bắc đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các tỉnh đều coi du lịch là chìa khóa giảm nghèo, là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, lấy văn hóa dân tộc để làm nền tảng phát triển. Nhiều điểm du lịch đã dần chuyên nghiệp như Đồng Văn (Hà Giang), Núi Cốc (Thái Nguyên), Ba Bể (Bắc Kạn), Bản Giốc (Cao Bằng)... Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của hình thái du lịch cộng đồng, toàn dân tham gia làm du lịch, diện mạo của làng bản, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa thay đổi. Bản sắc văn hóa được giữ gìn, bảo tồn, coi là truyền thống, vốn quý của quốc gia, dân tộc...

Tuy nhiên, khó khăn nhất của vùng Việt Bắc vẫn là giao thông, sự kết nối giữa các vùng kém, nguồn lực về lao động, con người phong phú dồi dào nhưng chưa chất lượng, chưa đáp ứng khoa học kỹ thuật mới và sáng tạo phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, các tỉnh vùng Việt Bắc đều thống nhất quan điểm: Có khó khăn mới có bứt phá, những khó khăn hạn chế này sẽ mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong phát triển du lịch vùng Việt Bắc. Việc kết nối bằng công nghệ số sẽ được đẩy nhanh, xúc tiến và quảng bá rộng rãi hơn nữa, đặc biệt là tăng cường hợp tác liên kết giữa 6 tỉnh vùng Việt Bắc trong phát triển du lịch tại các địa phương.

Có một sự thật là các miền biên giới tuy cách xa Thủ đô Hà Nội, nhưng lại là các vùng có tốc độ phát triển nhanh hơn, dẫn đầu các xu hướng ở vùng, chi phối sự phát triển đối với các tỉnh còn lại. Càng ở các vùng thượng cùng, điểm mốc, biên giới của Tổ quốc như Lũng Cú (Hà Giang), Bản Giốc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) thì sự phát triển càng nhanh hơn, dễ quảng bá và gây dựng thương hiệu vùng đất, con người hơn vì xu hướng du lịch đặc trưng của người Việt. Ngược lại, các vùng đất đầy tiềm năng như Ba Bể (Bắc Kạn), Na Hang (Tuyên Quang), Núi Cốc (Thái Nguyên) lại có tốc độ phát triển chậm hơn. Đây cũng là câu hỏi cần tìm giải pháp trong Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2021.

Được xác định và trung tâm phát triển vùng, Thái Nguyên đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng du lịch. Mục tiêu vẫn là thu hút đầu tư cho du lịch, sao cho Thái Nguyên xứng đáng là bàn đạp cho cả vùng Việt Bắc. Với văn hóa dân tộc vùng Tày - Nùng mang lại nhiều cảm xúc đẹp, sáng, thiên nhiên xanh tươi, con người hòa nhã, Thái Nguyên tự hào có văn hóa trà - có thể phát triển thương mại tầm cỡ vùng, có vùng ATK chiến khu xưa và nhiều thế hệ con người giàu tinh thần cách mạng để hoạch định một chiến lược đầu tư cho du lịch văn hóa lâu dài.

Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” không chỉ khởi động cho mùa du lịch năm nay tại vùng Việt Bắc, mà còn là động lực quan trọng cho tỉnh Thái Nguyên thực hiện thành công Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc và là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/suc-song-rieng-cua-mien-di-san-viet-bac-post439260.html