Sức sống trăm năm của cuốn sách về lịch sử Việt Nam
100 năm qua, 'Việt Nam sử lược' được lưu hành trên thị trường như quyển sách vỡ lòng cho những người bắt đầu tìm hiểu lịch sử.
Từ khi ra mắt đến nay, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim được tái bản nhiều lần. Ngày nay, một số đơn vị sách phát hành tác phẩm này như ấn bản của nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, ấn bản của Nhã Nam.
Kỷ niệm 100 năm tác phẩm xuất bản lần đầu, Công ty Đông A liên kết NXB Văn học thực hiện một ấn bản đầu tư công phu về hình thức và biên tập.
Trong buổi trò chuyện về tác phẩm diễn ra hôm 10/12 tại Hà Nội, nhà sưu tầm sách Yên Ba, biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân, nhà báo Kiều Mai Sơn đã bàn về vị trí, vai trò của Việt Nam sử lược trong làng sách sử nước ta.
Cuốn sách cho người muốn tìm hiểu sử Việt
Tìm về lịch sử xuất bản, các diễn giả cho biết những nội dung đầu tiên của Việt Nam sử lược là các bài viết về lịch sử đăng trên Đông Dương tạp chí, sau này được in thành sách Sơ học An Nam sử lược năm 1917. Đến năm 1919, Việt Nam sử lược hoàn thiện, được NXB Trung Bắc Tân Văn in lần đầu năm 1920.
Từ đó đến nay, không dưới 20 ấn bản chính thức của Việt Nam sử lược của các nhà xuất bản khắp trong Nam, ngoài Bắc thực hiện.
Một trưng bày nhỏ tại nhà sách ở Hà Nội giới thiệu đến độc giả một số ấn bản của tác phẩm như: Ấn bản năm 1920 của Trung Bắc Tân Văn, ấn bản năm 1928 của Imprimerie Vĩnh & Thành Hà Nội, ấn bản năm 1943 của NXB Lê Thăng, ấn bản năm 1954, bản năm 1958 của NXB Tân Việt, ấn bản năm 1971… Đây đều là những bản sách xưa của Việt Nam sử lược trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm sách Nguyễn Ngọc Hoài Nam.
Nhiều thế hệ bạn đọc đã say mê đọc Việt Nam sử lược, có khi sách được sử dụng như sách giáo khoa được giảng dạy trong nhà trường. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan trong cuốn Việt Nam hiện đại coi Việt Nam sử lược là sử học quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Việt Nam sử lược là công trình mang tính cột mốc trong làng sách sử. Nhà báo Kiều Mai Sơn chỉ ra bối cảnh ra đời của cuốn sách ở đầu thế kỷ 20. Khi ấy, nền học thuật nước nhà có những bộ sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục là nguồn sử liệu chính thống. Tuy nhiên, đây đều là những bộ sách viết bằng chữ Hán, không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu lịch sử của phần đông công chúng.
Thời điểm ấy, những cuốn sử viết bằng chữ quốc ngữ của Petrus Ký, Nguyễn Văn Mai đã xuất hiện, nhưng nội dung rời rạc, chưa bao quát đủ dòng chảy lịch sử Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam sử lược được coi là bộ thông sử chi tiết đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ.
Trong một bài viết năm 2005, giáo sư Nguyễn Huệ Chi từng đánh giá: “Lần đầu tiên, Trần Trọng Kim vượt khỏi lối chép sử biên niên của sử gia phong kiến, sắp xếp lịch sử thành năm thời đại: Thượng cổ, Bắc thuộc, tự chủ, Nam Bắc phân tranh và Cận kim. Mỗi thời đại tuy có nhược điểm là sắp xếp theo các triều vua, đã biết phân thành nhiều chương, mỗi chương giải quyết một vấn đề khác nhau, mỗi triều đại cũng phân ra rành rẽ các mục nội trị, ngoại giao, chinh chiến, quan chế, thuế khóa, đinh điền, học hành… có kèm lời phê bình đối với những vấn đề còn nghi vấn”.
Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhờ lối viết đó mà nhận thức về tiến trình lịch sử của người đọc được sáng rõ và hệ thống hơn trước.
Về tư duy sử học, tác giả Trần Trọng Kim vượt qua các sử gia thời trước ở chỗ đưa ra kiến giải duy lý nhằm giải thiêng những chuyện huyền sử như: Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh, Thủy Tinh…
Nhà sưu tầm sách Yên Ba cho rằng Trần Trọng Kim đã giữ sự khách quan khi viết sử. Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn vốn có cừu thù, nhà Nguyễn thậm chí từng sửa sử về nhà Tây Sơn. Nhưng trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim - một người nhà Nguyễn - có những trang chiêu tuyết cho Tây Sơn, và đánh giá đó là triều đại trong lịch sử.
Tri ân công trình quý về lịch sử
Trong buổi tọa đàm về cuốn sách, một số người tham dự cùng chung câu hỏi trên thị trường đã có nhiều ấn bản Việt Nam sử lược, tại sao nhà sách vẫn thực hiện ấn bản này, và liệu nó có điểm gì đặc biệt?
Biên tập viên cuốn sách Đỗ Quốc Đạt Nhân nói tên của công ty sách là chiết tự của chữ “Trần”, đây cũng là họ của tác giả Trần Trọng Kim. Vì vậy, đội ngũ nhân viên nhà sách đã tập trung công sức làm cuốn sách chỉn chu, như những con cháu thực hiện cuốn sách của thế hệ cha ông.
Về mặt hình thức, sách được in bìa cứng, trên chất liệu giấy cao cấp. Hình ảnh minh họa của sách dựa theo bản in lần thứ hai năm 1928. Với những minh họa chất lượng thấp ra đời hàng chục năm trước, đơn vị làm sách thay bằng những hình ảnh tương tự nhưng có chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ làm sách còn tuyển chọn thêm gần 60 minh họa bổ sung, nguồn tư liệu từ các bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa.
Bản Việt Nam sử lược kỷ niệm 100 năm tác phẩm được xuất bản lần đầu (năm 1920), tuy vậy, sách được làm dựa trên bản nền là ấn bản lần thứ 5 năm 1954 của NXB Tân Việt. Đây là bản được chính tác giả Trần Trọng Kim chỉnh sửa lần cuối, đồng thời bổ sung một số nội dung của các bản in trước.
Nói về sự kỹ lưỡng của Trần Trọng Kim, nhà sưu tầm yên Ba cho biết năm 1926, có một ấn bản Việt Nam sử lược ghi là in lần thứ hai. Nhưng ấn bản này chỉ ra được quyển thượng (3 phần nội dung đầu). Đây là bản Trần Trọng Kim xuất bản, nhưng vì điều gì đó mà không ra tiếp. Đến năm 1928 xuất hiện ấn bản cả quyển thượng, quyển hạ và viết “in lần thứ hai”, với lời chú thêm “đã sửa chữa kỹ”. “Điều đó cho thấy tác giả rất kỹ càng trong việc xuất bản sách sử”, nhà sưu tầm Yên Ba nói.
Một trong những điểm gây tranh luận về Việt Nam sử lược là công trình tuy giá trị nhưng vẫn có những điểm sai sót. Biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân nói: “Khi thực hiện ấn bản này, chúng tôi phải mượn nhiều bản sách từ các nhà sưu tầm, đối chiếu, chú lại. Ngoài phần nguyên chú của tác giả, sách còn có phần chú bổ sung những sai sót, như một phần hiệu đính lại cho tác giả”.
Đồng tình với quan điểm biên tập này, nhà báo Kiều Mai Sơn nói việc không sửa những điểm sai sót, mà có chú thích ở dưới chân trang là cách làm tôn trọng nguyên bản, tôn trọng tác giả.