Sức sống trên những ngôi làng 'đặc biệt'
Trong những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được bảo tồn, phát huy, tạo dấu ấn đậm nét không chỉ trong nước, khu vực mà lan tỏa ra tầm thế giới, điển hình là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là thành quả của một quá trình vượt khó vươn lên, thể hiện sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau...
Đi lên từ “bờ vực”
Làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi và làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là những khu dân cư hết sức “đặc biệt” không chỉ trên địa bàn Tây Nguyên mà khắp cả đất nước. Đây là hai ngôi làng duy nhất của người Brâu và Rơ Măm được đưa vào diện bảo tồn đặc biệt của Nhà nước do nằm trong “sách đỏ”, với những mối nguy cơ tụt hậu cả về đời sống kinh tế, văn hóa, cũng như sự thoái hóa, suy giảm chất lượng giống nòi.
Quay ngược lại thời gian kể từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (năm 1975) cho đến những năm cuối thế kỷ XX, cả làng Đăk Mế của người Brâu lẫn làng Le của người Rơ Măm đều là những khu dân cư nằm “đội sổ”, nghèo nàn, lạc hậu bậc nhất trong số những ngôi làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn Tây Nguyên. Bên cạnh hai “kẻ thù” truyền kiếp là “giặc đói” và “giặc dốt”, người Brâu và Rơ Măm có phải đối diện với đại nạn còn nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến sự diệt vong đối với tộc người, đó chính là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Là bậc cao niên nhất trong làng và cũng là người có trình độ nhất trong cộng đồng người Brâu ở làng Đăk Mế trong thế hệ của mình, nữ Già làng Y Pan bồi hồi nhớ lại: “Trong khó khăn chung của đất nước những năm sau chiến tranh, làng Đăk Mế lúc đó cũng đứng bên bờ miệng vực của sự diệt vong. Việc đói cái ăn, thiếu cái chữ tuy không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng vẫn có thể khuất phục nó bằng tình thương và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vượt khó của bà con nhân dân, trong đó, cần phải kể đến vai trò đội ngũ cán bộ cơ sở và những người lính Biên phòng.
Các lớp học xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, hàng loạt mô hình trợ giúp phát triển kinh tế, bài trừ các loại hủ tục, mê tín dị đoan được triển khai trên địa bàn biên giới đã tiếp sức cho người dân khắc chế các mối nguy cơ để tồn tại. Mặc dù vậy, những vấn đề về xã hội mới là điều đáng lo ngại khi nạn mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu và đặc biệt là những vấn đề nan giải về hôn nhân cứ bủa vây lấy cộng đồng, để lại hậu quả cực kỳ nguy hiểm...”.
Theo Già làng Y Pan, “nút thắt” khó gỡ nhất trong chuyện hôn nhân của người Brâu ở làng Đăk Mế đó là việc giao tiếp với bên ngoài. Học không đến, nghĩ chưa tới, nên thanh thiếu niên trong làng gần như không đi đâu ngoài chuyện nương rẫy. Chính vì vậy, đa số họ chỉ “kết đôi” với người trong làng dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Điều này trên thực tế đã xảy ra cục bộ ở một số hộ gia đình, làm suy giảm chất lượng dân số và giống nòi.
Bảo tồn để phát triển bền vững
Bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của bà con nhân dân và chính quyền cơ sở, cũng như những dấu ấn đậm nét của BĐBP, có thể nói, sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước là cơ sở quan trọng nhất đưa những tộc người thiểu số đặc biệt khó khăn vượt qua “bờ vực” của sự tụt hậu, suy thoái để phát triển bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong sự tươi mới đầy tín hiệu lạc quan đó, điều dễ nhận thấy nhất ở hai ngôi làng Đăk Mế của người Brâu và làng Le của người Rơ Măm, đó là sự cải thiện rất đáng kể về tri thức, quy mô dân số và chất lượng giống nòi.
Sau khi được Nhà nước đưa vào diện bảo tồn đặc biệt với những cơ chế ưu tiên cũng hết sức đặc biệt, đã có hàng trăm tỷ đồng ngân sách được hỗ trợ, giúp cho người Brâu ở làng Đăk Mế và người Rơ Măm ở làng Le thay đổi cả “sức khỏe” lẫn diện mạo. Trên lĩnh vực kinh tế, bên cạnh đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, thì việc kiến tạo nguồn sinh kế thông qua các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình chính là vấn đề mấu chốt trong dự án bảo tồn dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, sản xuất tự cung tự cấp, nhiều hộ gia đình dân tộc Brâu và Rơ Măm ở hai ngôi làng Đăk Mế và làng Le nhanh chóng tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng khả năng của mình.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, làng Le của người Rơ Măm và Đăk Mế của người Brâu được thụ hưởng chính sách ưu tiên đặc biệt về cơ chế, thiết chế để bảo tồn và phát huy những giá trị mang tính truyền thống của dân tộc mình. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, khoảng cách về trình độ dân trí của người Brâu và Rơ Măm so với các dân tộc thiểu số anh em khác trên địa bàn đã được cân bằng. Hàng năm, 100% trẻ em trong độ tuổi ở hai ngôi làng này đã được huy động đến trường, nhiều người có trình độ đại học hiện đang công tác tại địa phương, trong đó, cần kể đến là “đứa con ưu tú” của cộng đồng người Rơ Măm ở làng Le, bà Y Ly Trang, Giám đốc Sở Ngoại vụ Kon Tum (nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa 11).
Quy mô dân số và chất lượng giống nòi cũng được cải thiện rất đáng kể. Từ chỗ ngôi làng đếm đi đếm lại cũng chỉ được vài ba chục “nóc nhà”, dân số “èo uột” lúc tăng lúc giảm, đến nay cả làng Đăk Mế và làng Le đều có số hộ gia đình và nhân khẩu tương đương những cộng đồng dân tộc khác sinh sống trên địa bàn (làng Đăk Mế có 173 hộ với 558 nhân khẩu, làng Le có 153 hộ với 536 nhân khẩu). Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được đẩy lùi, loại bỏ nguy cơ suy thoái, cải thiện đáng kể chất lượng giống nòi.
Cả ông Thao Lợi, Trưởng thôn Đăk Mế và Già làng Le, ông A Blong đều khẳng định với chúng tôi thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng đã giảm xuống mức thấp nhất, sức khỏe cũng như thể chất của bà con được cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy, dự án bảo tồn đặc biệt dành cho người Brâu và Rơ Măm đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là hướng đến sự phát triển một cách bền vững nhất.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/suc-song-tren-nhung-ngoi-lang-dac-biet-post437628.html