Sức sống vĩnh hằng tư tưởng Bác Hồ về báo chí cách mạng, kỳ I: Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh
Báo giới Việt Nam đang ở trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày ra đời nền Báo chí Cách mạng (21/6/1925 - 21/6/2025).
Năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn cam go, việc kiến quốc cũng còn bộn bề nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh mở trường đào tạo cán bộ báo chí. Và ngày 4/4/1949, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã khai giảng khóa đầu với 42 học viên và 29 vị lãnh đạo lần lượt đến giảng bài… Không đến dự được nhưng Bác Hồ có 2 lần gửi thư tới khóa học.
Bức thư đề ngày 9/6/1949, Bác chỉ đạo: Báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1-Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng đến mục đích chung. 2- Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. 3- Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. 4- Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình thì: 5- Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát…
Bác giành một số dòng để phê bình báo chí lúc đó còn chưa tốt, như: Tuyên truyền không kịp thời và chính trị suông quá nhiều. Đôi khi đăng tin vịt, không biết giữ bí mật. Tin nhiều khi chậm, lạc hậu, hay dùng chữ nước ngoài. Tin quan trọng thì lại viết ngắn, in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì lại viết dài, in chữ to…
Vì là gửi cho cơ sở đào tạo, nơi có những nhà báo đang học, Bác thẳng thắn: “Muốn viết bài báo khá thì cần: 1- Gần gũi dân chúng. Cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2- Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa cho cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa một vài người ít văn hóa và hỏi họ câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu…” (Báo Cứu Quốc số 1264 ngày 9/6/1949).
Lá thư đề tháng 7-1949 gửi tới Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nhân sắp kết thúc khóa học, Bác viết: “3 tháng nay các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính thì phải học nữa, phải học mãi. Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng…” (Báo Cứu Quốc số 1344 ngày 12/9/1949).
Chỉ với 2 lá thư ngắn gửi cho khóa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển đến “Cẩm nang” nghề báo, thời đại nào thì những nguyên tắc cơ bản của hoạt động báo chí vẫn vậy. Công trình Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (Đại Từ) sẽ được khánh thành vào tháng 7-2024, trong đó Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ trưng bày trang trọng hai bức thư trên của Bác. Câu hỏi đặt ra để mọi người tìm hiểu là: Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ ra cho nghề báo từ nền tảng tư tưởng phục vụ nhân dân và đất nước còn là nghiệp vụ tinh thông… Nhiều công trình nghiên cứu về hoạt động báo chí của Bác khẳng định: Hồ Chí Minh - Nhà báo cách mạng vĩ đại…
Trong hành trình gian khổ tìm đường cứu nước, cả khi đã là Chủ tịch Nước Việt Nam độc lập, Bác rất chú trọng tuyên truyền, vận động qua báo chí. Kể từ khi Bác viết bài báo đầu “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo Nhân đạo ngày 18/6/1919 và bài báo cuối cùng Thư trả lời tổng thống Mỹ đăng trên báo Nhân Dân ngày 25/8/1969, cả cuộc đời Bác viết hơn 2.000 bài báo các loại, sử dụng 150 bút danh.
Bác Hồ còn là người sáng lập ra 9 tờ báo: Người Cùng Khổ (Le Paria) năm 1922; Quốc Tế Nông Dân (1924); Thanh Niên (1925); Công Nông (1925); Lính Cách Mệnh (1925); Thân Ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam Độc Lập (1941); Cứu Quốc (1942). Bác còn tham gia đặt tên và định hướng tôn chỉ cho nhiều tờ báo…
Chuyện kể lại rằng: Đầu năm 1950, tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên, các đồng chí lãnh đạo Quân đội xin gặp Bác trình bày: Đến lúc ấy, lực lượng vũ trang có 3 tờ báo: Vệ Quốc Quân (trước đó là Báo Vệ Quốc Đoàn), Quân Du Kích và Tiếng Súng Reo, trong khi chưa có một tờ báo chung cho Quân đội. Bác đồng ý chủ trương sáp nhập, sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị báo cáo về dự kiến tên tờ báo, Bác hỏi lại: Quân đội chúng ta từ đâu ra? Trả lời từ nhân dân. Bác góp ý luôn: Vậy thì đặt tên là Báo Quân đội nhân dân. Và ngày 20/10/1950, tại xóm Khau Diều, xã Thanh Định (Định Hóa), Báo Quân đội Nhân dân ra số đầu…
Hay năm 1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, thấy cần thiết có một nghị quyết cho tờ báo chính thức của Đảng, Bác gợi ý đặt tên là Báo Nhân Dân, và ngày 11/3/1951, tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa), Báo Nhân Dân trên cơ sở Báo Sự Thật trước đó đã phát hành số đầu…
Trở lại với lịch sử hoạt động báo chí của Nhà báo Hồ Chí Minh, chúng ta thấy: Di sản báo chí của Bác vô cùng đồ sộ. Chỉ tính từ khi có báo chí cách mạng (21/6/1925), tờ Thanh Niên phát hành hơn 200 số, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo và viết nhiều bài cho 88 số đầu (từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927).
Trong số hơn 2.000 tác phẩm báo chí Bác đã viết, nhiều tác phẩm trở nên kinh điển; ngòi bút của Người bao quát những vấn đề hệ trọng, phân tích một cách sắc sảo, xác đáng và đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi để khắc phục hoặc phát huy: “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền” (Sự Thật ngày 26/6/1947); “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” (Sự Thật ngày 2/9/1950); Chống quan liêu , tham ô, lãng phí” (Nhân Dân ngày 31/7/1952); ”Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan” (Nhân Dân ngày 6/4/1954)…
Là một nhà báo vĩ đại, người tổ chức hoạt động báo chí xuất chúng… là những phẩm chất lớn của Bác. Với nghiệp vụ, nhà báo Hồ Chí Minh là nhà viết chính luận, cây bút tiểu phẩm, cây bút lớn về truyện và ký, bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ và trên hết, trước hết là tư tưởng về báo chí cách mạng của Người…