Sức trẻ trong tâm dịch TP.HCM
Bóng áo xanh tình nguyện có ở những khu cách ly, phong tỏa đến những siêu thị lớn nhỏ và cả những chuyến xe cứu trợ đầy ắp nghĩa tình từ những tỉnh thành khác đưa đến TP.HCM.
Kể từ khi bắt đầu bùng dịch, nhất là khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, những chiến sĩ áo xanh tình nguyện lại có mặt, như một phần không thể thiếu của công tác chống dịch. Các bạn trẻ đã dốc sức, quyết liệt và kiên trì chống dịch.
Hơn 20 ngày nay, Nguyễn Thị Hà Nhi (25 tuổi) quê ở Bình Phước và các thành viên trong Đội xe 0 đồng của Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm ở TP.HCM luôn sẵn sàng lên đường để đưa các F0, F1 đến các khu điều trị, cách ly. Là cô gái duy nhất trong nhóm tài xế chở bệnh nhân hơn 30 thành viên, ít ai biết trước đó, Nhi là một người làm trong lĩnh vực thẩm mỹ. Cửa hàng của Nhi tạm đóng cửa gần một năm do dịch bệnh. Hơn một tháng trước, Nhi tình cờ tham gia nhóm thiện nguyện bằng việc phụ bếp, nấu ăn cho các khu cách ly. Đến khi biết được nhóm đang thiếu tài xế chở bệnh nhân, cô gái này mạnh dạn xin tham gia.
Vốn là người từng có thời gian lái xe ô tô khi còn ở quê nên Nhi chỉ mất một buổi là quen và chạy cho đến bây giờ. Thường ngày, công việc của Hà Nhi và mọi người bắt đầu từ 9h cho đến khoảng 1-2h sáng.
Dù công việc vất vả nhưng Nhi cho hay, cô bạn sẽ còn tham gia cho đến khi nào TP kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm giảm đi nhiều: “Nhiều lúc tôi cũng nghĩ và cũng sợ lây nhiễm. Nhưng ai cũng sợ mà y tế thì cần xe, còn tôi là tài xế thì tôi chở mọi người đi cách ly. Ai cũng sợ mà không chung tay thì không biết khi nào mới hết dịch, trong khi dịch bệnh cũng đang ở thời điểm nóng”.
Còn 108 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, giảng viên ngành Sinh học, Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM thì tình nguyện vào nơi khó khăn, nguy hiểm với chính những kiến thức, kinh nghiệm của mình. 108 bạn tham gia hỗ trợ việc xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Xét nghiệm Dã chiến COVID-19, Học viện Quân y Phân hiệu phía Nam. Bộ kit xét nghiệm AmphaBio được triển khai thực tế tại TP.HCM được xem giải pháp giúp tiết kiệm nhiều lần chi phí trong sàng lọc virus SARS-CoV-2.
Những tình nguyện viên này không chỉ dùng đúng chuyên môn của mình đã học, những kinh nghiệm làm việc trong lab mà còn tận dụng thực tế để xét nghiệm, đưa ra kết quả nhanh chóng từ các mẫu được gửi về từ cộng đồng.
Nguyễn Thị Thu Uyên, sinh viên năm 4 khoa Sinh học, Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, đây không chỉ là trải nghiệm mà còn là dịp để ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, qua đó góp phần hỗ trợ đẩy nhanh công tác xét nghiệm và phát hiện các ca F0 nhanh hơn: “Vì đang nghỉ dịch nên tụi em ở nhà không lên trường, khi thấy thông báo tuyển tình nguyện viên của thầy, tụi em học về công nghệ sinh học cũng biết một chút về các xét nghiệm, được sự ủng hộ của gia đình nữa nên em quyết định tham gia. Khi làm việc thì mọi người rất tập trung, tụi em cũng có chút phấn khởi dù cũng hơi lo lắng”.
PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng, Trưởng Bộ môn Vi sinh, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, đây là một hoạt động không chỉ mang tính trải nghiệm mà còn là cơ hội để các sinh viên, học viên góp một phần nhỏ sức lực của mình cùng thành phố chống dịch trong thời gian này: “Các bạn đều là tự nguyện, mình thấy rất rõ ý thức muốn làm được điều gì cho người khác, cho cộng đồng. Sau 1 ngày dù có mệt nhưng các bạn vẫn rất vui, đó là điều mình quan sát được”.
Những trải nghiệm không bao giờ quên
Chỉ vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Lâm Tiểu Yến (18 tuổi) đã đăng ký tham gia làm tình nguyện viên đi hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Thông qua nhóm Go Volunteer của Thành đoàn TP.HCM, không chỉ Yến mà rất nhiều bạn trẻ khác cũng mong muốn được hỗ trợ phần nào trong công tác chống dịch của thành phố thời gian này, từ việc trực các chốt phong tỏa, đi chợ hộ, nấu ăn...
“Em thấy vui vì trước khi em tham gia, em cũng đã nghĩ rất nhiều vì bản thân mình khi tham gia thì có thể sẽ gặp phải những rủi ro lớn nhất. Nhưng em nghĩ đơn giản là mình cứ giúp họ trước đi, nếu mình gặp vấn đề gì chắc chắn sẽ có người giúp lại mình nên cứ đi thôi”, Tiểu Yến chia sẻ.
Cũng hơn một tháng nay, bếp ăn tại Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên thành phố luôn hoạt động không ngừng nghỉ, Đây là nơi chuẩn bị các suất ăn cho các trạm chốt, khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP.HCM. Hầu hết những tình nguyện viên tại đây đều đã “tạm trú” làm việc- ăn uống- ngủ nghỉ tại Trung tâm từ ngày thành phố bắt đầu thực hiện Chỉ thỉ 16 để đảm bảo công việc được liên tục cũng như giữ cho bếp ăn an toàn, tránh lây lan dịch từ bên ngoài.
Châu Dương Ngọc Thắm, sinh viên năm 3 trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ: “Ban đầu khi thành phố chưa có Chỉ thị 16, em là sinh viên ở TP Thủ Đức, em thường sáng chạy xe lên đây 25km tối lại chạy về nhà. Nhưng một tuần nay em đã dọn lên đây ở. Trong những ngày này tụi em cũng làm nhiều việc nhưng ai cũng đồng lòng, hợp sức nhau cùng hướng đến chống dịch nên rất vui”.
Anh Võ Quốc Bình, trưởng phòng kết nối tình nguyện Trung tâm Công tác xã hội thanh niên thành phố cho biết, mỗi ngày, bếp ăn chuẩn bị khoảng 4.000 suất ăn cho những địa điểm phong tỏa, cách ly. Hơn 30 tình nguyện viên là những người luôn nỗ lực hết công suất. Anh Bình nói vui rằng, chỉ sợ lương thực không kịp về đủ để chuẩn bị bữa ăn chứ sức người thì không thiếu: “Về tinh thần, có thể thấy các bạn đang rất tích cực thực hiện nhiệm vụ chung cũng như góp sức cho thành phố của mình để mau chóng trở lại cuộc sống bình thường và để cho người dân TP.HCM sớm nhận được niềm vui chiến thắng trong đợt dịch COVID-19 này”.
TP.HCM đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được hơn một tuần. Tất cả người dân và những lượng lượng trực tiếp, gián tiếp tham gia vào công chống dịch lần này đều một lòng mong muốn TP sớm trở lại trạng thái bình thường mới./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/suc-tre-trong-tam-dich-tphcm-874445.vov